Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Dồn dập bị kiện, doanh nghiệp cần sẵn sàng ứng phó

 Các biện pháp phòng vệ thương mại, chống trợ cấp, chống bán phá giá xuất hiện hết sức bất ngờ, nhưng hậu quả rất lâu dài và biến động khó lường đối với hàng hoá Việt Nam xuất khẩu.

Dồn dập bị kiện

Thương mại toàn cầu đã và đang chứng kiến những biểu hiện bảo hộ thương mại phức tạp, đặc biệt là ở một số thị trường lớn.

Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu trọng điểm và cũng là thị trường chiếm tới 22% tổng số vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp mà hàng hóa xuất khẩu Việt Nam phải đối mặt ở nước ngoài. Thời gian qua, pháp luật và thực tiễn tại Hoa Kỳ về phòng vệ thương mại đã có một số thay đổi đáng kể, tác động trực tiếp tới xuất khẩu Việt Nam ở thị trường này.

Theo thống kê của Trung tâm WTO và Hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI), hàng hóa xuất khẩu Việt Nam đã là đối tượng của 107 vụ điều tra phòng vệ thương mại, với 78 vụ điều tra chống bán phá giá, 12 vụ chống trợ cấp và 17 vụ điều tra chống lẩn tránh thuế.

Về mặt thị trường, hàng hóa Việt Nam phải đối mặt với nhiều vụ việc điều tra chống bán phá giá nhất là ở Hoa Kỳ chiếm khoảng 20% tổng số các vụ việc, tiếp theo là Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Australia đứng thứ 3 với 7 vụ điều tra... Trong các nước kiện chống phá giá nhiều nhất trên thế giới như Hoa Kỳ, Ấn Độ, EU, Brazil, Argentina, Australia..., thì Ấn Độ, Argentina, Australia là những quốc gia đã công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.

Tuy nhiên, một số nước “hàng xóm” như Indonesia, Malaysia và Thái Lan là những nước mà đến năm 2011 chưa từng kiện chống bán phá giá Việt Nam, thì từ năm 2011, những nước này cũng đã kiện dồn dập và đây cũng là những nước bị kiện nhiều trên thế giới.

Trong số 78 vụ điều tra chống bán phá giá của Việt Nam, có 37 vụ liên quan đến sắt thép. Với điều tra chống trợ cấp, sự việc còn hơn thế nữa, với gần 3/4 các vụ kiện liên quan đến mặt hàng sắt thép.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, thành viên Hội đồng Tư vấn về phòng vệ thương mại (VCCI) cho biết, để tiếp cận các thị trường nước ngoài, hàng hóa xuất khẩu Việt Nam đã phải vượt qua nhiều rào cản như vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng vệ thương mại, chống phá giá, trợ cấp...

Đó còn chưa kể đến những rào cản mới xuất hiện gần đây mà xuất khẩu Việt Nam may mắn chưa phải đối diện trực tiếp như quốc phòng, sở hữu trí tuệ...

Bà Trang cho hay, khi hàng rào thuế quan dần được dỡ bỏ thông qua việc Chính phủ Việt Nam đàm phán hiệp định thương mại tự do với các đối tác quan trọng, thì các biện pháp về hàng rào kỹ thuật hay vệ sinh an toàn thực phẩm là những biện pháp phổ biến và có thể dự báo trước. Trong khi đó, các biện pháp phòng vệ thương mại, chống trợ cấp, chống bán phá giá lại là thách thức lớn vì chúng xuất hiện hết sức bất ngờ, để lại hậu quả lâu dài và biến động khó lường.

Ngoài ra, có một phần thường không được thống kê trong các vụ chống bán phá giá, chống trợ cấp đó là chống lẩn tránh thuế. Cho đến nay, Việt Nam đã bị kiện chống bán phá giá, chống lẩn tránh thuế 17 vụ, trong đó EU chiếm nhiều hơn cả, chỉ có điều, 16/17 vụ kiện đó liên quan đến hàng hóa có nguồn gốc từ Trung Quốc.

“Hiến kế” ứng phó cho doanh nghiệp

Với những nguy cơ đó, làm thế nào Việt Nam tham gia hiệu quả trong các cuộc điều tra?

Thực tế, các hiệp hội nghề nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp đã có kinh nghiệm đương đầu với vụ kiện và chống bán phá giá từ Hoa Kỳ hay Australia… Tuy nhiên, ông Chu Thắng Trung, Phó cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) cho rằng, những kinh nghiệm đó sẽ trở nên mong manh hơn, khi mà các biện pháp phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ đang ngày một cứng rắn hơn.

Vì vậy, yếu tố quyết định với doanh nghiệp là cần chủ động đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đồng thời nắm bắt kỹ những thay đổi về pháp luật của Hoa Kỳ.

“Vấn đề phòng vệ thương mại phức tạp về kỹ thuật và rắc rối pháp lý, vì thế, nắm chắc những quy định của Hoa Kỳ là vô cùng quan trọng”, ông Trung nói.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang cho rằng, các vụ kiện chống bán phá giá thường có thời hạn rất ngắn, các yêu cầu về kỹ thuật lại cực kỳ phức tạp. Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam không luôn sẵn sàng cho các vụ kiện ở nước ngoài, chưa kể sự bất lợi từ việc “lạ nước, lạ cái”, thiếu sự hỗ trợ của luật sư, cùng với rất nhiều yếu tố khác khiến họ khó bề xoay sở khi bị kiện.

Để đối phó với những khó khăn đó, ngay lúc này, các doanh nghiệp cần có những hiểu biết nhất định về quy trình kiện, về những thị trường mà mình đang xuất khẩu để có sự chuẩn bị trước về kiến thức, về hồ sơ, minh bạch hóa chứng từ sổ sách, để đến khi cần thì có thể dễ dàng chứng minh.

Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng nên thường xuyên cùng với các đối tác nhập khẩu theo dõi sát các động thái từ phía Hoa Kỳ. Đó sẽ là những bước chuẩn bị để sẵn sàng cho những vụ kiện. Hiệu quả của những sự chuẩn bị chu đáo, theo bà Trang, “trong một số trường hợp, có thể tránh được những vụ kiện nếu có thể trao đổi trước được với các nhà sản xuất tại nước sở tại”.

Theo ông Daniel Calhoun (Vụ Tuân thủ và Thực thi - Bộ Thương mại Hoa Kỳ), doanh nghiệp Việt Nam nên tận dụng công nghệ để nâng cao hơn nữa sự minh bạch bằng việc trang bị hệ thống nộp hồ sơ điện tử và hệ thống lệnh bảo hộ hành chính. Các bên phải có sự tin cậy khi cung cấp thông tin để điều tra và đảm bảo các thông tin đó không bị lạm dụng vào những mục đích khác.

Ở chiều ngược lại, dù còn khá mỏng, nhưng Việt Nam cũng bắt đầu tăng cường việc sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các ngành sản xuất trong nước.

Theo Cục Phòng vệ thương mại, với mặt hàng nhôm, thép, tính đến thời điểm này, Việt Nam chỉ thực hiện điều tra chống bán giá 3 vụ, tất cả liên quan đến sản phẩm thép Trung Quốc. Ngoài ra, Việt Nam đã thực hiện 6 vụ kiện tự vệ, trong đó 2 vụ liên quan đến thép còn lại là các sản phẩm khác.

Để đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả của các biện pháp phòng vệ thương mại của Việt Nam, bên cạnh những quy định của Tổ chức Thương mại thế giới về chống bán phá giá, một số quy định của Việt Nam đã được bổ sung chi tiết, như các quy định về thiệt hại, các phương pháp tính toán biên độ bán phá giá, biên độ trợ cấp; các quy trình, thủ tục và thời hạn điều tra rà soát hàng hóa...

Nền kinh tế Việt Nam đang dựa nhiều vào hoạt động xuất khẩu và chủ yếu tập trung vào một số thị trường trọng điểm như Hoa Kỳ, EU... Do vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu cần đặt mình trong tâm thế sẵn sàng đối diện với các vụ kiện phòng vệ thương mại; đồng thời tăng cường những giải pháp để hạn chế thấp nhất việc bị khởi kiện.

Nguồn tin: ĐTCK

ĐỌC THÊM