Ngay trong bản tin tuần trước Satthep.net đã cảnh báo về việc các nước xuất khẩu thép tăng giá chào ra trong 02 ngày cuối tuần chỉ là động tác kỹ thuật, nhằm tạo ra khởi đầu cho một cơn sóng tăng giá xuất khẩu.Điều đó đến hôm nay đã rõ ràng hơn rất nhiều và hành động đó chính xác là một động tác kỹ thuật.
Ngay từ thứ 5 tuần 11, với các tin tức về các thảm hoạ của Nhật Bản đã tạo ra một suy nghĩ về việc sử dụng một lượng thép lớn vào việc tái thiết 3 thành phố của Nhật Bản, các nhà xuất khẩu thép Trung Quốc, Hàn Quốc đã mạnh tay nâng giá chào xuất khẩu cho các nước trong khu vực cụ thể ở các mặt hàng thép cuộn HRC cán nóng khổ 1500: Tăng từ mức 700-705 usd/tấn tăng mạnh lên mức 725-735 usd/tấn CFR HP/HCM. Các lô hàng Stock list của Hàn Quốc cũng được đẩy mạnh từ giá 695-700 usd/tấn CFR CHM lên giá 750 usd/tấn.Các nhà xuất khẩu hy vọng rằng với sự đẩy mạnh của giá chào thì một số đơn hàng sẽ được các nhà nhập khẩu “vội vã” ký với suy nghĩ giá sẽ còn tăng trong tương lai, lúc này nhà nhập khẩu đã ” mắc bẫy” các nhà xuất khẩu.
Thực tế thì sao?.Khi một số nhà nhập khẩu loay hoay với các tính toán để ký những đơn hàng mới thì tại thị trường kỳ hạn của Trung Quốc, giá đã bắt đầu đảo chiều.Theo satthep.net được biết trong giai đoạn này đã có khoảng hơn 18 ngàn tấn hàng đã được “chốt mua”.Trong đó có 12 ngàn tấn hàng HRC mỏng và 6 ngàn tấn loại khổ 1,5m.Tại thị trường Trung Quốc giá kỳ hạn đảo chiểu ngay từ thứ 6 tuần 11 khoảng 70 CNY tương đương với hơn 10 usd/tấn.Tiếp tục quá thứ 2 và thứ 3 tuần 12 thị trường kỳ hạn tiếp tục giảm thêm 130 CNY tương đương với 20 usd/tấn.Như vậy chỉ trong 3 phiên Trung Quốc đã giảm 30 usd.
Lúc này, các nhà xuất khẩu vội vã điều chỉnh giá xuất khẩu xuống khoảng 10-15 usd/tấn, thậm chí hàng stock list Hàn Quốc trở lại trạng thái ban đầu ở mức giá 700 usd/tan CFR thì lúc này các nhà nhập khẩu Việt Nam đã thấy rõ được xu hướng của thị trường và rõ ràng từ chối các đơn hàng ở các mức giá này.
Thị trường trong nước, trước các thông tin nâng giá chào mua từ nước ngoài trong cuối tuần trước đã có mức tăng nhẹ khoảng 100-200 vnd/kg cho các loại mặt hàng.Tuy nhiên sức tăng chỉ duy trì được 2-3 ngày đầu tuần và trượt nhẹ xuống mức giá cũ vào cuối tuần.Điều này cho thấy thị trường trong nước phản ứng khá nhanh nhạy với thị trường quốc tế, kể cả trong khi sức cầu duy trì ở mức thấp.
Sự trượt nhẹ của giá thép công nghiệp sẽ tiếp tục trượt xuống nếu không có lực nâng của tỷ giá đồng USD.Trong vài ngày cuối tuần, các doanh nghiệp đều phải thanh toán mức chênh lệch khoảng khoảng 350 vnd so với giá niêm yết tăng hơn 200-250 so với mức chênh lệch cũ.”Tỷ giá lại lên một tý, nên chúng tôi sẽ không giảm giá thép hơn nữa nếu không có áp lực về tài chính, nếu giảm giá thì những đơn hàng vừa về của chúng tôi sẽ lỗ nặng” một doanh nghiệp vừa nhận một lô hàng tại cảng Tân Thuận cho biết.
Tình hình nội địa trong nước vẫn không thay đổi nhiều, tâm lý người mua/bán vẫn ở khoảng cách xa nhau.(Vui lòng xem bản tin tuần trước sẽ rõ hơn về tâm /lý người bán và tình hình thị trường).
Thị trường thép xây dựng cũng đồng hành chiều giảm với thép công nghiệp.Hiện nay xu thế giảm chính là xu hướng chung của ngành thép.Gần như chưa có một lực đỡ nào cho việc tăng trở lại.Tuy nhiên việc giảm giá thép đến mức đáy nào để có thể bắt đầu mua hàng trở lại chính là những quyết định mang tính quyết định mang lại lợi nhuận cao cho các nhà kinh doanh thép.
Nguồn:Quốc Tuấn(satthep.net)