Bức tranh việc làm u ám của Mỹ khiến nhà đầu tư kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang sẽ tung chính sách tiền tệ nới lỏng vào tháng tới. Đây là nguyên nhân khiến giá USD đi xuống, vàng và dầu thô tăng.
Chứng khoán Mỹ đóng cửa ngày thứ tư ở mức thấp sau báo cáo việc làm của khu vực tư nhân. Standard & Poor's 500 giảm 0,1% xuống 1.159,97 trong khi Nasdaq giảm 0,8% xuống còn 2.380,66 điểm. Tuy nhiên, Dow Jones lại có thêm 23 điểm và đóng cửa ở mức cao nhất kể từ đầu tháng 5.
Tiếp đà tăng hôm qua, chứng khoán châu Á sáng nay hứng khởi leo lên mức cao nhất suốt 2 năm gần đây. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản có thêm 0,1%, góp phần đưa đà tăng của tuần lên 3,3%. Chỉ số MSCI Index khu vực Châu Á Thái Bình Dương không tính Nhật Bản tăng 0,25%, lên mức cao nhất kể từ tháng 6/2008. Tháng vừa rồi, MSCI khu vực châu Á tăng tới 11,6%, cao hơn chỉ số toàn cầu khoảng 2%.
Đồng đôla mắc kẹt gần mức đáy suốt 15 năm so với đồng yen sau báo cáo cắt giảm việc làm của khu vực tư nhân. Hiện một USD chỉ đổi được 82,90 yen, so với điểm thấp nhất của 15 năm là 82,75 yen diễn ra hôm qua. Trong quý trước, chỉ số đo giá trị đồng đôla đã giảm 8,5% so với rổ tiền tệ. Goldman Sachs lại vừa điều chỉnh dự báo cho giá tờ bạc xanh theo hướng giảm thêm.
Đồng euro được lợi từ đà giảm của đôla Mỹ, hiện ở mức cao nhất suốt 8 tháng so với USD. Mỗi euro đang đổi được 1,3949 USD. Trong tuần này, Ngân hàng trung ương châu Âu sẽ có buổi họp chính sách tiền tệ. Tuy nhiên các nhà phân tích dự đoán sẽ không có thay đổi nào sau cuộc họp này.
Đôla giảm là một trong những nguyên nhân thúc đẩy giá vàng. Hôm qua một lần nữa thị trường vàng lập kỷ lục mới ở 1.349,80 USD.
Dầu thô cũng nhờ đồng đôla yếu mà tăng giá theo, có thêm 41 cent lên 83,23 USD một thùng tại sàn giao dịch New York.
Hôm qua, báo cáo cho thấy trong tháng 9, khu vực tư nhân tại Mỹ cắt giảm 39.000 việc làm, ngược với dự đoán tăng 24.000 việc làm của giới phân tích. Sau thông tin này, thị trường chờ đợi các phản ứng dây chuyển tiếp theo như bán USD, mua chứng khoán, trái phiếu và vàng. Để có xu hướng chắc chắn hơn, nhà đầu tư đang chờ đợi báo cáo việc làm đầy đủ vào ngày mai.
Các chuyên gia nhận định với tình hình việc làm tiếp tục u ám, không sớm thì muộn Cục Dự trữ liên bang Mỹ sẽ phải tung ra gói kích thích chính sách tiền tệ nhằm thúc đẩy đà phục hồi. Có thể động thái này sẽ diễn ra vào tháng sau, theo dự đoán của nhiều nhà phân tích.
Trong báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu mới nhất, Quỹ Tiền tệ IMF cho biết tăng trưởng toàn thế giới năm 2011 có thể đi chậm hơn những gì họ đã dự báo trước đây. Cụ thể, IMF điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP 2011 cho toàn thế giới từ 4,8 xuống còn 4,2%. Hồi tháng 7, IMF cho rằng nền kinh tế Mỹ có thể mở rộng 2,9% trong năm 2011, nhưng hôm qua họ co hẹp con số này còn 2,3%. Còn cho năm nay, Mỹ sẽ tăng trưởng 2,2%, thay vì 2,9% như dự báo trước.
Nguồn: Vnexpress