Ngày 25-3, Ngân hàng (NH) Nhà nước ban hành Thông tư số 08/2013/TT-NHNN về các mức lãi suất. Theo đó, từ ngày 26-3, các NH thương mại huy động vốn kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 12 tháng thì lãi suất không quá 7,5%/năm. Riêng lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 12 tháng trở lên sẽ do các NH thương mại ấn định trên cơ sở cung cầu vốn của thị trường.
Trong ảnh: Khách hàng đến giao dịch tại Ngân hàng Vietcombank. Ảnh: HỒNG THÚY
Hỗ trợ thị trường
Cũng từ ngày 26-3, NH Nhà nước giảm lãi suất tái cấp vốn từ 9%/năm xuống còn 8%/năm, lãi suất tái chiết khấu từ 7%/năm xuống 6%/năm, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán liên NH và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NH Nhà nước đối với các NH thương mại từ 10%/năm xuống 9%/năm.
Mặt khác, NH Nhà nước cũng quy định lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VNĐ của các tổ chức tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên (xuất khẩu, nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ, công nghiệp phụ trợ, công nghệ cao) chỉ còn 11%/năm, thay cho mức cũ là 12%/năm .
Theo NH Nhà nước, quyết định trên nhằm hỗ trợ thị trường trong bối cảnh sức mua của thị trường vẫn còn thấp, khả năng hấp thụ vốn của DN còn hạn chế.
Thực tế cho thấy trước quyết định trên, nhiều NH thương mại đã chủ động giảm lãi suất đầu vào lẫn đầu ra. Một số NH đã giảm lãi suất tiền gửi kỳ hạn ngắn xuống quanh mức 7,5%/năm, lãi suất cho vay dao động từ 10%-12%/năm.
Khách hàng đến giao dịch tại Vietcombank. Ảnh: HỒNG THÚY
Lãi suất chỉ là thứ yếu
Theo TS Lê Thẩm Dương, Trưởng Khoa Quản trị kinh doanh Trường Đại học Ngân hàng TPHCM, trong bối cảnh lạm phát và tăng trưởng tín dụng âm, tỉ giá hối đoái biến động không đáng kể, thị trường vàng, thanh khoản của hệ thống NH tương đối ổn định… thì việc NH Nhà nước thận trọng giảm lãi suất là phù hợp quy luật thị trường. Tuy nhiên, nếu lạm phát trong các tháng tiếp theo không được kiểm soát tốt thì mức lãi suất hiện nay chỉ tồn tại trong ngắn hạn.
Ngoài ra, ông Dương nhận định việc giảm lãi suất sẽ tác động không nhiều đến thị trường bởi vấn đề hiện nay là DN không tiêu thụ được hàng hóa nên không dám vay vốn hoặc NH không dám cho vay vì DN còn vướng nợ cũ.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Văn Thuận, Trưởng Khoa Tài chính - Ngân hàng Trường Đại học Mở TPHCM, cho rằng vấn đề cốt lõi là Nhà nước phải sớm giải quyết được nợ xấu bất động sản, giải phóng hàng tồn kho, tạo thêm công ăn việc làm, nhất là trong lĩnh vực xây dựng để người dân tăng thêm thu nhập, từ đó làm tăng sức mua. Khi đó, DN mới dám đầu tư sản xuất, mạnh dạn tiếp cận vốn vay làm cho tín dụng NH tăng lên.
Ông Phước đề xuất Nhà nước nên dồn sức vào các biện pháp hỗ trợ sức cầu cho nền kinh tế, tạo ra sự luân chuyển thông thoáng hàng hóa, vật tư, nguyên liệu sản xuất… Khi đó, thị trường sẽ có nhu cầu vay vốn, tăng trưởng tín dụng sẽ tăng lên, thúc đẩy kinh tế phát triển.
Tiền gửi sẽ biến động nhẹ Nhiều ý kiến cho rằng khi lãi suất xuống quá sâu, người dân sẽ chuyển dịch tiền đến các kênh đầu tư khác, thậm chí có thể tập trung vào nhà đất, kích thích thị trường này khởi sắc. Phản bác nhận định trên, TS Nguyễn Văn Thuận cho rằng thị trường nhà đất hiện vẫn còn u ám; còn thị trường vàng, ngoại tệ thì đang được Nhà nước kiểm soát chặt chẽ nên chưa chắc người dân sẽ chuyển hướng đầu tư. “Có chăng chỉ là một bộ phận nhỏ nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp sẽ bỏ vốn cổ phiếu” - ông Thuận nhận định. |
Nguồn tin: NLD