Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Động lực để ngành thép nâng cao năng lực cạnh tranh

“Điều chỉnh giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu tối huệ quốc (MFN) đối với mặt hàng thép, trước mắt có thể tạo áp lực cho doanh nghiệp sản xuất thép trong nước, nhưng đây cũng là động lực để doanh nghiệp nỗ lực hơn nữa trong việc giảm giá thành, nâng cao năng lực cạnh tranh và gia tăng xuất khẩu sản phẩm, tận dụng cơ hội từ các FTA…”

- Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Nghiêm Xuân Đa bày tỏ quan điểm đồng thuận với Nghị định 101/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 122/2016/NĐ-CP và Nghị định số 57/2020/NĐ-CP nhằm góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát vừa được Chính phủ ban hành.

Việc giảm thuế nhập khẩu tối huệ quốc thực sự doanh nghiệp sản xuất thép sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức trong thời gian tới.

PV: Nghị định 101/2021/NĐ-CP được ban hành có nội dung giảm thuế suất thuế nhập khẩu MFN của một số sản phẩm thép xây dựng, thép tấm từ 5% đến 10% sau ngày 30/12/2021 nhằm góp phần giảm giá thép trong nước, thúc đẩy sản xuất, kiểm soát lạm phát… Ông bình luận như thế nào về chủ trương này?

Ông Nghiêm Xuân Đa: Đầu năm 2021, chúng tôi đã được nghiên cứu và góp ý vào dự thảo Nghị định 101/2021/NĐ-CP và đã có văn bản báo cáo Bộ Tài chính và Chính phủ.

Động lực để ngành thép nâng cao năng lực cạnh tranh
Ông Nghiêm Xuân Đa

Đến nay, Nghị định 101/2021/NĐ-CP được ban hành quy định giảm 5% - 10% với thép xây dựng và thép tôn mạ. Với nhận thức xét trên góc độ cân nhắc chung xuất phát từ lợi ích quốc gia, cân bằng hài hòa lợi ích giữa các mặt hàng chủ lực của các quốc gia khác, Hiệp hội Thép Việt Nam và các doanh nghiệp (DN) sản xuất thép cũng ủng hộ chủ trương này của Chính phủ và cơ quan quản lý nhà nước.

Với việc giảm thuế MFN thực sự DN sản xuất thép sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức trong thời gian tới. Nhưng chúng tôi xác định ở khía cạnh khó khăn thì đây sẽ là động lực, nhân tố thúc đẩy DN thép cải tiến kỹ thuật, áp dụng công nghệ hiện đại, xây dựng và điều chỉnh chiến lược kinh doanh, tìm ra giải pháp nâng cao hiệu quả, giảm chi phí sản xuất, phát triển các chuỗi giá trị, phát triển nguồn nguyên liệu trong nước để sản phẩm trong nước có thể cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.

PV: Xin ông có thể phân tích cụ thể hơn về việc khi thuế MFN giảm thì lực nhập khẩu thép vào Việt Nam sẽ tăng tạo ra sức ép như thế nào đến sản xuất trong nước và giá thép liệu có giảm nhiệt?

Ông Nghiêm Xuân Đa: Về nguyên tắc chung khi cắt giảm thuế nhập khẩu rõ ràng sẽ tạo điều kiện cho sản phẩm thép nhập khẩu dễ dàng vào Việt Nam hơn và sẽ tạo nên áp lực cạnh tranh cho các sản phẩm thép trong nước do đó các DN trong nước buộc phải cải tiến để nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm.

Xuất khẩu 6,5 triệu tấn thép
trong 10 tháng

Các doanh nghiệp thép Việt Nam đã nỗ lực để phát triển thương hiệu sản phẩm thép Việt Nam xuất khẩu ra thị trường khu vực và thế giới nhằm phát huy hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh. 10 tháng/2021, Việt Nam đã xuất khẩu 6,5 triệu tấn thép các loại đến các quốc gia Đông Nam Á, Hoa Kỳ, EU… kể cả Trung Quốc, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2020.

Cụ thể, đối với mặt hàng thép xây dựng công suất của Việt Nam là 18 triệu tấn, năm 2020, Việt Nam sản xuất 12 triệu tấn. Riêng thép xây dựng nếu có cơ chế tốt thì Việt Nam có khả năng xuất khẩu. Đối với thép tôn mạ, công suất 9,6 triệu tấn, sản xuất năm 2020 là 4,6 triệu tấn.

Như vậy, 2 mặt hàng vừa điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu MFN hiện nay có nguồn cung trong nước đã đáp ứng hoàn toàn được nhu cầu thị trường nội địa. Các doanh nghiệp thép Việt Nam cũng đã nỗ lực để phát triển thương hiệu sản phẩm thép Việt Nam xuất khẩu ra thị trường khu vực và thế giới nhằm phát huy hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh.

Sau khi đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước, Việt Nam cũng đã đẩy mạnh xuất khẩu. Việt Nam đã ký 15 FTA với các quốc gia, trong đó đều tuân thủ các quy tắc thương mại, thì mặt hàng thép xuất khẩu cũng đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng và xuất xứ hàng hóa để gia tăng xuất khẩu.

Quý III/2021, thép xây dựng nhu cầu thấp, tiêu thụ nội địa giảm mạnh, ngành thép đã phải cố gắng duy trì sản xuất và tìm cách xuất khẩu, hạn chế sức ép dư cung. Tuy nhiên, giá thép trên thị trường đứng ở mức cao còn có nguyên nhân nguyên liệu đầu vào sản xuất thép trên thế giới đang ở chu kỳ giá cao cộng hưởng hoạt động của nhiều ngành kinh tế đang có dấu hiệu hồi phục sau dịch Covid-19.

PV: Bước vào sân chơi quốc tế sẽ xảy ra 2 tình huống: nếu nhà nước mãi bảo hộ sẽ khiến DN “không lớn”, nhưng nếu mở rộng cửa, giảm thuế nhập khẩu thì DN chịu áp lực cạnh tranh của hàng ngoại nhập, buộc phải thích ứng, phát triển. Vậy ngành thép Việt Nam đã có giải pháp nào để đứng vững phát triển, thưa ông?

Ông Nghiêm Xuân Đa: Hiện nay, Việt Nam đã tham gia 15 FTA điều này vừa tạo ra cơ hội gia tăng xuất khẩu cũng như đòi hỏi các ngành sản xuất phải thích ứng để phát triển…

Nghị định 101/2021/NĐ-CP đã được ban hành, ngành thép ủng hộ, tuân thủ và sẽ triển khai có hiệu quả trong thời gian tới. Chúng tôi xác định đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội đòi hỏi DN sản xuất thép không ngừng đổi mới công nghệ, giảm chi phí giá thành nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hậu Covid-19 hiện nay.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng kiến nghị Chính phủ, đề nghị các bộ, ngành liên quan chủ trì xây dựng và sớm ban hành tiêu chuẩn quốc gia đối với các sản phẩm tôn mạ, tôn phủ màu. Đồng thời, hướng dẫn quy trình tham gia của các bên như cơ quan nhà nước, hiệp hội, DN để có tiêu chuẩn quốc gia phù hợp với xu thế hội nhập toàn cầu hiện nay. Quy chuẩn Việt Nam cũng cần thích ứng với tiêu chuẩn của các quốc gia khác để sản phẩm Việt Nam có thể đẩy mạnh, bán ra thị trường nước ngoài.

Điều quan trọng nữa là đối với ngành thép việc đầu tư sản xuất, kinh doanh được thực hiện theo chiến lược dài hơi, nên rất mong muốn những thay đối về mặt chính sách của Nhà nước (ví dụ như chính sách thuế xuất nhập khẩu) đến ngành thép được thực hiện có lộ trình, để DN sản xuất thép có thời gian điều chỉnh kế hoạch và thích ứng.

PV: Xin cảm ơn ông!

Hỗ trợ ngành thép trước các vụ kiện phòng vệ thương mại

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, bảo hộ sản xuất trong nước, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đang là xu hướng được các quốc gia lớn áp dụng. Qua thống kê ngành thép những năm vừa qua phải đối mặt với 66 vụ kiện, chiếm đa phần trong các vụ kiện về sản phẩm của Việt Nam tham gia xuất khẩu.

Để ngành thép phát triển, Hiệp hội Thép Việt Nam cũng mong muốn nhà nước có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp bảo vệ sản xuất trong nước, ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại của các nước đối với các mặt hàng thép xuất khẩu của Việt Nam, giảm thiệt hại cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, nhà nước hỗ trợ DN trong việc xúc tiến thương mại xuất khẩu các mặt hàng thép. Hiện nay thép Việt Nam đã xuất khẩu được hơn 30 thị trường và có tiềm năng xuất khẩu sang thị trường các quốc gia Việt Nam đã ký kết FTA và các quốc gia trong các FTA đã ký kết và sắp có hiệu lực.

 

Nguồn tin: Tài chính

ĐỌC THÊM