Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Đông Nam Á: Ngọa hổ hay tàng long?

Nhắc đến châu Á, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến Trung Quốc và Ấn Độ, hai cường quốc đang tạo ra nguồn lực cho kinh tế thế giới. Nhưng Đông Nam Á, một khu vực nhỏ với 10 quốc gia đang sống trong cái bóng của hai người láng giềng hùng mạnh, cũng là một trung tâm thương mại và kinh tế rất thịnh vượng và phát triển.

Các nước trong khu vực Đông Nam Á, vốn ràng buộc với nhau bởi nhiều thỏa thuận chính trị cũng như thương mại trong khu vực, dường như không hề có sự liên quan nào mật thiết. Khu vực này bao gồm một quốc gia nhỏ, giàu có và sống bằng dầu mỏ (Brunei), một đất nước vừa trải qua xung đột (Campuchia); và một trung tâm trung chuyển với nền kinh tế phát triển mạnh (Singapore).

Bên cạnh đó, còn có một quốc gia với chính sách tự cấp tự túc và ở dưới chế độ quân sự từ năm 1962 (Myanmar); một đất nước nghèo nhưng lại may mắn có được tiềm năng về thủy điện và khoáng sản (Lào); và một đất nước đông dân cư với tỉ lệ tăng dân số không thua kém gì Trung Quốc (Việt Nam); đó là còn chưa kể đến bốn quốc gia có thu nhập trung bình đang mong muốn gia nhập hàng ngũ các nước tiên tiến (Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan). Đông Timor và Papua New Guinea, theo quan niệm của chúng tôi, không được xếp vào nhóm các quốc gia Đông Nam Á.

Tuy nhiên, các nước Đông Nam Á lại cùng sở hữu một vị trí chiến lược và nguồn tài nguyên thiên nhiên rất dồi dào. Hơn nữa, sự đa dạng và ngày càng hội nhập giữa các nước là động lực chính khiến cho nền kinh tế trong khu vực tăng trưởng nhanh và vững vàng. Về chính trị, khu vực này mang lại sự ổn định trong một phần của thế giới và đang nhanh chóng định hình lại sự cân bằng quyền lực toàn cầu. Kết quả là sự tăng trưởng liên tục của khu vực này - vốn phụ thuộc vào sự đầu tư cho cơ sở hạ tầng và giáo dục, cũng như sự cải thiện môi trường kinh doanh - là quan trọng đối với phần còn lại của thế giới.

Tiềm năng kinh tế

Các nước Đông Nam Á có tổng GDP 1.9 nghìn tỷ USD (nhiều hơn GDP của Ấn Độ); tổng dân số gần 600 triệu người (gần gấp đôi dân số Mỹ); và thu nhập bình quân đầu người toàn khu vực xấp xỉ Trung Quốc. Trong một thập kỷ vừa qua, các nước trong khu vực có tốc độ tăng trưởng trung bình là hơn 5%/năm.

Nếu Đông Nam Á là một quốc gia, nó sẽ có nền kinh tế lớn thứ 9 của thế giới. Nó cũng sẽ là nước phụ thuộc vào thương mại nhất, với tỉ lệ thương mại trên GDP vượt quá 150%, và sẽ là một trong những đất nước phát triển ổn định nhất thế giới.

Trong thập niên 70 của thế kỷ trước, một vài quốc gia trong khu vực đã thể hiện được tiềm năng kinh tế của mình. Singapore được gọi với cái tên "con hổ châu Á" (cùng với Hàn Quốc, Hong Kong, và Đài Loan), trong khi Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan thì được gắn mác "những chú hổ con". Cả năm quốc gia trên đều đã xứng đáng với những danh hiệu mà mình nhận được, khi Singapore là một nước có thu nhập cao và bốn nước còn lại đều là các nước có thu nhập trung bình.

Thành viên mới nhất của nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình trong khu vực, Việt Nam, đã áp dụng mô hình kinh tế của Trung Quốc và chứng kiến sự phát triển bùng nổ của kinh tế cũng như tỉ lệ đói nghèo giảm mạnh, mặc dù vẫn có những giai đoạn tăng trưởng quá nóng.

Mặc dù khủng hoảng kinh tế châu Á 1997-1998 khiến sự phát triển vững chắc của các nước này bị ngưng trệ một thời gian, nhưng các quốc gia "hổ con" đã đạt được tốc độ phát triển trung bình hàng năm ở mức 7% kể từ năm 2000. Và mặc dù bị ảnh hưởng không nhỏ bởi cuộc Đại suy thoái, nhưng các quốc gia thu nhập trung bình đã hồi phục nhanh chóng vào năm 2010. Trên thực tế, toàn bộ khu vực đều phát triển rất ấn tượng với tốc độ tăng trưởng trên 8%. Đây là kết quả của những thay đổi về chính sách nhằm xoa dịu hậu quả của cuộc khủng hoảng và tạo điều kiện cho nền kinh tế trong khu vực phục hồi.

Vị trí chiến lược, tài nguyên dồi dào

Một trong những lí do dẫn đến thành công của Đông Nam Á là vị trí địa lý của khu vực này. Các nước nằm trên eo biển Malacca, là kênh vận chuyển hàng hải lớn thứ hai thế giới (sau biển Măng sơ của Anh) và cũng là tuyến đường biển chở dầu phổ biến thứ hai thế giới (sau eo biển Hormuz). Hơn một nửa đội thương thuyền của thế giới sử dụng eo biển này, và nếu đóng của eo biển Malacca sẽ gây ra nhiều khó khăn, thậm chí có thể biến thành thảm họa đối với thương mại thế giới.

Khu vực này cũng sở hữu rất nhiều tài nguyên thiên nhiên, trữ lượng dầu mỏ dồi dào, tiềm năng thủy điện, nhiệt điện, khoáng sản, gỗ, gạo, dầu cọ, ca cao và cà phê là rất lớn. Trải qua nhiều thế kỷ, những nguồn tài nguyên trên đã thu hút nhiều thương lái, các nước thực dân, và gần đây nhất là các nhà đầu tư nước ngoài. Đây cũng là lí do mà khu vực Đông Nam Á có nền thương mại phát triển, và một số nước có tỉ lệ thương mại trên GDP cao nhất thế giới. Ngay cả Myanmar - một quốc gia với chính sách tự cấp tự túc và phải chịu những biện pháp trừng phạt bởi các nước phương Tây - cũng có tỉ lệ thương mại trên GDP gần 40%, nhờ có đường biên giới chung với Trung Quốc, Thái Lan và Ấn Độ.

Nguồn tài nguyên thiên nhiên giàu có của Đông Nam Á cũng là bàn đạp chính cho quá trình công nghiệp hóa vào những năm 1970 và 1980, đặc biệt là ở các quốc gia có thu nhập trung bình. Các nước này áp dụng chính sách định hướng xuất khẩu từ những nước láng giềng phía bắc như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan, bên cạnh đó còn là sự trợ giúp về thương mại, tài chính và vốn FDI từ những nền kinh tế tiên tiến.

Ngoài ra, sự quản lý kinh tế vĩ mô đúng đắn, hệ thống giao dịch tương đối mở, tỷ lệ tiết kiệm cao, và một lực lượng lao động trẻ tăng nhanh cho phép đầu tư ở mức độ cao cũng như phát triển nhanh và bền vững trong suốt ba thập kỷ. Quá trình công nghiệp hóa của Việt Nam diễn ra muôn hơn, bắt đầu vào những năm 1990. Ngày nay, cùng với Trung Quốc, tất cả những nền kinh tế này đều là một phần của mạng lưới sản xuất nổi tiếng và có tính cạnh tranh cao của Đông Á.

Nguồn tài nguyên thiên nhiên của Đông Nam Á cũng mang lại nhiều lợi ích cho ngành dịch vụ. Vị trí của Singapore trên eo biển Malacca đã biến quốc gia này trở thành cảng trung chuyển lớn nhất thế giới, qua đó phát triển dịch vụ vận tải, tài chính và kinh doanh.

Trong khi đó, bốn "chú hổ con" đã tập trung phát triển ngành du lịch, chiếm phần lớn lượng khách nước ngoài đến Đông Nam Á (67 triệu người vào năm 2010, nhiều hơn lượng khách du lịch đến Trung Quốc là 56 triệu). Mới đây, nhiều hình thức dịch vụ mới đã xuất hiện, với việc Singapore nỗ lực để trở thành trung tâm khoa học y sinh toàn cầu và Kuala Lumpur, thủ đô của Malaysia, đang từng bước "hóa thân" thành trung tâm tài chính Hồi giáo của thế giới.

Nguồn tin: Vef

ĐỌC THÊM