Đồng USD có thể sẽ hạ xuống dưới 75 Yên/USD trong năm 2011, trở thành "đồng tiền yếu nhất" trên thế giới, một chuyên gia thuộc ngân hàng JPMorgan & Chase Co nhận định. Theo ông Tohru Sasaki, chuyên gia ngoại hối thuộc ngân hàng lớn thứ hai của Mỹ theo giá trị tài sản, chương trình nới lỏng tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang (FED) là nguyên nhân dẫn tới sự suy yếu mạnh mẽ như trên của USD. Ông cho rằng, ngân hàng trung ương các nước Mỹ, Anh và khu vực châu Âu sẽ tiếp tục giữ mức lãi suất cơ bản thấp kỷ lục trong năm tới để hỗ trợ kinh tế hồi phục. Thậm chí, Mỹ còn có thể sẽ tiến hành thêm một số biện pháp nới lỏng khác nữa, sau khi đã bơm 600 tỷ USD mua trái phiếu. Chuyên gia ngoại hối ngân hàng JPMorgan & Chase nhận định, Mỹ là nước có thâm hụt tài khoản vãng lai lớn nhất thế giới, nhưng lại giữ lãi suất gần mức 0%. Do đó, đồng USD khó tránh việc trở thành đồng tiền yếu nhất. Phiên giao dịch ngoại hối đêm qua, đồng Euro đã tăng 1% so với USD, do giới đầu cơ lạc quan rằng, Ireland sẽ sớm nhận được khoản cứu trợ khẩn cấp để ứng phó với tính trạng nợ công của nước này. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ireland cho biết, ông hy vọng Ireland sẽ nhận được khoản vốn 10 tỷ Euro từ các đối tác ở châu Âu và IMF để giúp ổn định nền kinh tế và vực dậy các ngân hàng. Theo ông Sasaki, Mỹ chưa cần phải thắt chặt ngay chính sách tiền tệ. Việc nới lỏng tiền tệ kéo dài sẽ không tạo nên áp lực lạm phát, bởi các ngân hàng và hộ gia đình ở Mỹ vẫn còn chịu ảnh hưởng mạnh từ khủng hoảng tài chính toàn cầu. Ông dự báo, kinh tế thế giới khả năng sẽ tăng trưởng 3% trong năm tới. Với tình hình ngân hàng trung ương rót tiền vào nền kinh tế như hiện nay, kịch bản từ đầu năm 2002 tới cuối 2004 có thể sẽ lặp lại, tâm lý chuộng rủi ro tăng lên, giá cổ phiếu và hàng hóa lên cao, kéo đồng USD hạ 25% so với Yên Nhật. Trước đó, hôm 18/11, Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2011. Theo OECD, kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng thấp hơn, do chính phủ các nước rút bớt kế hoạch kích thích kinh tế và quá trình phục hồi đầu tư diễn ra chậm chạp. OECD dự báo kinh tế thế giới năm 2011 sẽ tăng trưởng 4,2%, thay cho vì mức 4,5% được đưa ra vào tháng 5/2010. Tăng trưởng kinh tế năm 2012 sẽ đạt 4,6%. Riêng với kinh tế Mỹ, theo OECD, năm 2010, nền kinh tế lớn nhất thế giới chỉ tăng trưởng 2,7%, thay vì mức 3,2% đưa ra hồi tháng 5. Tăng trưởng năm 2011 sẽ thấp hơn, đạt 2,2% và sau đó hồi phục lên mức 3,1% vào năm 2012.
Nguồn: VEF