Thay vì triển khai Khu liên hợp thép Cà Ná, Ninh Thuận sẽ xây dựng một khu công nghiệp (KCN), với mục tiêu thu hút đầu tư vào lĩnh vực năng lượng xanh.
Ngay sau khi được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển đổi Dự án Khu liên hợp sản xuất thép Cà Ná thành KCN Cà Ná và bổ sung KCN này vào Danh mục các KCN dự kiến ưu tiên thành lập mới đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, tỉnh Ninh Thuận đã chuẩn bị các thủ tục cần thiết để có thể ra quyết định chính thức về việc thành lập KCN này.
Theo thông tin từ bà Trương Thị Liễu, Phó ban Quản lý các KCN tỉnh Ninh Thuận, rất nhiều thủ tục cần phải thực hiện và sẽ mất khá nhiều thời gian. Tuy nhiên, bà Liễu cho biết, các cơ quan chức năng của Ninh Thuận sẽ cố gắng để trong vòng 2 - 3 tháng, có thể hoàn tất mọi thủ tục. Khi đó, Công ty cổ phần Năng lượng Đại Dương, đơn vị đã được chấp thuận về nguyên tắc việc đầu tư xây dựng KCN này, sẽ bắt đầu tiến hành lập dự án đầu tư và nếu được phép, sẽ triển khai xây dựng hạ tầng KCN rộng 1.000 ha này.
“Lĩnh vực mà chúng tôi ưu tiên thu hút đầu tư trong KCN Cà Ná là năng lượng, đặc biệt là năng lượng xanh”, bà Liễu nói và cho biết, năng lượng mặt trời, phong điện, thậm chí cả năng lượng từ sóng biển, sẽ được khuyến khích đầu tư vào KCN Cà Ná.
Theo thông tin của Báo Đầu tư, Ninh Thuận có tiềm năng lớn về phát triển năng lượng tái tạo. Ngoài hai nhà máy điện hạt nhân mà Chính phủ dự kiến xây dựng ở tỉnh này, với công suất 4.000 MW, thời gian gần đây, rất nhiều nhà đầu tư đã tới Ninh Thuận để tìm hiểu cơ hội đầu tư vào phong điện, năng lượng mặt trời. Các nhà đầu tư, theo bà Liễu, đến từ nhiều quốc gia, như Bỉ, Hà Lan, Hàn Quốc...
Tuần trước, Tập đoàn IMPSA của Argentina đã tới tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Ninh Thuận và một trong những lĩnh vực mà tập đoàn này quan tâm là phong điện. Ông Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh, khi tiếp tập đoàn này đã khẳng định, luôn tạo mọi điều kiện cho các nhà đầu tư đến Ninh Thuận.
Không chỉ là tìm kiếm, rất nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo đã hiện thực hóa các cơ hội của mình ở Ninh Thuận. Trung tuần tháng 3/2011, nhà đầu tư Bỉ - Enfinity - đã được cấp chứng nhận đầu tư triển khai Dự án Nhà máy Điện năng lượng tái tạo Phước Nam, với vốn đầu tư 250 triệu USD. Ngoài dự án này, Enfinity còn đề xuất dự án năng lượng mặt trời, công suất 300 MW, vốn đầu tư 900 triệu USD, nhưng chưa được chấp thuận. Trước đó, nhiều dự án phong điện cũng đã được Ninh Thuận cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Với tiềm năng lớn, Ninh Thuận đang đặt rất nhiều kỳ vọng vào việc phát triển năng lượng tái tạo. Một khi KCN Cà Ná được hình thành, với mục tiêu thu hút đầu tư vào năng lượng xanh, cơ hội cho các nhà đầu tư là không nhỏ và lợi ích mang lại cho Ninh Thuận cũng rất lớn.
Nếu đặt hai bài toán Khu liên hợp thép và KCN Cà Ná bên cạnh nhau, khó có thể nói bên nào “nặng cân” hơn. Nhưng rõ ràng, sự chuyển hướng sang một lĩnh vực đầu tư khác, khi Dự án thép Cà Ná không thể triển khai, là một bước đi thích hợp. Đổi thép lấy điện là một lựa chọn khôn ngoan, dù hiện tại tất cả chỉ mới là kế hoạch.
Dự án Khu liên hợp sản xuất thép Cà Ná, công suất 14 triệu tấn/năm, do Công ty liên doanh TNHH Vinashin - Lion làm chủ đầu tư, có tổng vốn đăng ký 9,8 tỷ USD, được cấp giấy chứng nhận đầu tư từ tháng 9/2008 và khởi công vào tháng 11/2008. Tuy nhiên, do triển khai chậm tiến độ, nên tháng 2 năm nay, siêu dự án này đã bị thu hồi giấy chứng nhận đầu tư.
Khẳng định nhà đầu tư Lion Group (Malaysia) không có năng lực tài chính để triển khai Dự án, UBND tỉnh Ninh Thuận đã đề xuất chuyển đổi Khu liên hợp thép Cà Ná thành KCN Cà Ná và đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.
Nguồn tin: Baodautu.vn