Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Dự án gang thép nghìn tỷ "đắp chiếu": SCIC phải "rút ngay" 1.000 tỷ đồng vốn tại TISCO

 SCIC đề nghị TISCO bổ sung nội dung về việc thông qua phương án rút toàn bộ vốn của SCIC theo phương thức rút vốn làm giảm quy mô vốn điều lệ vào chương trình Đại hội cổ đông thường niên năm 2017.

Dự án Gang thép Thái Nguyên mở rộng "đắp chiếu" chờ nhà thầu Trung Quốc. Ảnh: TL

Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vừa có công văn gửi CTCP Gang thép Thái Nguyên (TISCO – mã TIS) đề nghị TISCO bổ sung nội dung về việc thông qua phương án rút toàn bộ vốn của SCIC theo phương thức rút vốn làm giảm quy mô vốn điều lệ vào chương trình Đại hội cổ đông thường niên năm 2017.

Theo SCIC, đề nghị này xuất phát từ chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ tại các Thông báo số 383/TB-VPCP ngày 29/11/2016, Thông báo số 25/TB-VPCP ngày 20/1/2017 và Thông báo số 163/TB-VPCP ngày 28/3/2017 và Bộ Tài chính tại Công văn 344/BTC-TCDN ngày 7/4/2017 về việc rút ngay 1.000 tỷ đồng vốn của SCIC đầu tư tại TISCO.

Hiện SCIC đang nắm giữ 35,21% vốn điều lệ của TISCO, tương ứng 100 triệu cổ phần. Đây là số cổ phần TISCO phát hành riêng lẻ cho SCIC năm 2015. Sau phát hành TISCO tăng vốn điều lệ lên 2.840 tỷ đồng. Mục đích phát hành tăng vốn để thanh toán cho các hạng mục đầu tư của dự án Cải tạo mở rộng giai đoạn 2.

Khoản tiền này đang được gửi có kỳ hạn tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Hoàng Mai với lãi suất tiền gửi 5,3 - 5,5%/năm. Việc mang tiền đi gửi ngân hàng được TISCO lý giải trong báo cáo tài chính do trong năm 2016 không phát sinh việc thanh toán cho dự án Cải tạo mở rộng giai đoạn 2 nên số vốn trên vẫn chưa được sử dụng để thanh toán cho dự án này.

Dự án cải tạo và mở rộng sản xuất Công ty Gang thép Thái Nguyên – giai đoạn 2 là 1 trong 12 dự án nghìn tỷ thuộc Bộ Công Thương đầu tư kém hiệu quả. Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trước đó là “không ném tiền” cứu dự án, việc xử lý các tồn tại, yếu kém theo nguyên tắc khẩn trương, triệt để, tổn thất ít nhất tài sản của Nhà nước.

Dự án được triển khai thực hiện từ năm 2007 tuy nhiên đến thời điểm hiện tại các hạng mục chính của dự án tại khu vực Lưu Xá vẫn chưa hoàn thành. Tổng chi phí đầu tư của dự án tới thời điểm 31/12/2016 là 4.635,5 tỷ đồng trong đó chi phí lãi vay được vốn hoá là 1.435,4 tỷ đồng.

Báo cáo mới đây của TISCO cho biết, liên quan đến dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2, tổng số vốn giải ngân cho dự án là hơn 4.563 tỷ đồng, trong đó ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) là hơn 1.404 tỷ đồng, ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank) hơn 1.869 tỷ đồng, phía chủ đầu tư hơn 1.290 tỷ đồng.

Theo quy định trong hợp đồng tín dụng TISCO đã ký với VDB và Vietinbank thì từ 1/1/2017 chủ đầu tư TISCO bắt đầu phải trả nợ gốc và lãi vay ân hạn, bình quân mỗi tháng 45,5 tỷ đồng cho cả 2 ngân hàng tính trên số dư nợ tính đến 30/11/2016.

Nguồn tin: Bizlive

ĐỌC THÊM