Góp ý cho các kiến nghị của Bộ Công thương về Dự án Mở rộng giai đoạn II Gang thép Thái Nguyên, Bộ Tài chính đã không đồng tình với rất nhiều đề nghị ưu đãi được đưa ra. Rõ ràng, việc tiếp tục triển khai dự án này theo cách nào đang là bài toán làm đau đầu các bên.
Trong Công văn 4199/BTC-TCT góp ý cho các kiến nghị của Bộ Công thương về Dự án Mở rộng giai đoạn II Gang thép Thái Nguyên của Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (Tisco), về đề nghị cho hưởng chính sách miễn thuế nhập khẩu với các loại vật tư, thiết bị công cụ, dụng cụ còn lại cho giai đoạn thi công tiếp theo của Dự án với số tiền khoảng 65,5 tỷ đồng, Bộ Tài chính đã đề nghị thực hiện theo quy định hiện hành của Luật Thuế xuất nhập khẩu. Trước đó, Dự án đã được hưởng chính sách ưu đãi về thuế nhập khẩu với thiết bị.
Tại kiến nghị của mình, Bộ Công thương cho hay, Dự án được triển khai từ năm 2005, được hưởng ưu đãi miễn thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị theo quy định tại Nghị định 149/2005/NĐ-CP, Nghị định 108/2006/NĐ-CP, Nghị định 24/2007/NĐ-CP. Hiện chủ đầu tư đang tích cực triển khai các công việc để sớm tái khởi động Dự án, nên việc miễn thuế nhập khẩu để giảm áp lực vốn cho Dự án được Bộ Công thương cho là cần thiết.
Tisso đã đưa ra hàng loạt điều kiện giả định để Dự án đạt hiệu quả đầu tư tài chính với IRR là 10,78. Ảnh: Thanh Hương
Đối với đề nghị cho được miễn thuế nhà thầu khoảng 133 tỷ đồng, Bộ Tài chính đã viện dẫn rất nhiều văn bản hiện hành để cho rằng, theo quy định tại Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế giá trị gia tăng, doanh nghiệp nước ngoài phát sinh doanh thu từ việc thực hiện hợp đồng cung ứng, dịch vụ gắn với hàng hóa tại Việt Nam có nghĩa vụ nộp thuế với phần doanh thu này. Bởi vậy, “đề nghị này của Bộ Công thương không có căn cứ pháp lý để thực hiện”, Bộ Tài chính khẳng định.
Không chỉ có vậy, Bộ Tài chính cũng thẳng tay bác đề nghị của Bộ Công thương liên quan đến Ngân hàng Phát triển Việt Nam về khoản nợ gốc, xóa nợ lãi trong thời gian dừng thi công, điều chỉnh thời gian cho vay, điều chỉnh thời gian trả nợ. “Đề nghị thực hiện theo quy định hiện hành để đảm bảo yêu cầu an toàn nợ công”, là trả lời được Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn khẳng định trong góp ý về các đề xuất của Bộ Công thương.
Trước đó, tại kiến nghị của mình, Bộ Công thương đã đề nghị khoanh nợ gốc, đồng thời miễn 100% lãi vay trong thời gian Dự án dừng thi công từ tháng 7/2012 đến hết tháng 3/2016, với số tiền ước tính khoảng 386 tỷ đồng. Bộ Công thương cũng đề nghị cho áp dụng mức lãi suất 5,5% với các khoản vay nhận nợ bằng VND; cho điều chỉnh thời gian vay (23 năm, không tính thời gian ngừng thi công), thời gian trả nợ các hợp đồng tín dụng đã ký (15 năm, từ năm 2019).
Đối với khoản vay của Ngân hàng VietinBank, Bộ Công thương cũng đề nghị khoanh nợ gốc, đồng thời miễn tối thiểu 50% các khoản lãi vay trong thời gian Dự án dừng thi công, từ tháng 7/2012 đến hết tháng 3/2016. Ngoài ra, Bộ này cũng đề xuất áp dụng mức lãi suất 8,5% cho các khoản vay nhận nợ bằng VND và lãi suất 3,5% cho các khoản vay nhận nợ bằng USD.
Trong báo cáo tài chính năm 2015 của Tisco, số dư nợ gốc cho nhiều khoản vay ngắn hạn tại các ngân hàng BIDV, VietinBank, MB, Indovina… thời điểm 31/12/2015 là 2.789 tỷ đồng, với lãi suất từ 6,7% đến 9,5%. Các khoản vay dài hạn có dư nợ gốc tại thời điểm 31/12/2015 tại các ngân hàng MB, BIDV, VietinBank là 4.013 tỷ đồng với lãi suất lên tới 12-15%. Với khoản vay lớn như vậy, chỉ tính riêng khoản lãi mà Tisco phải trả trong năm 2014 và 2015 đã là 260 tỷ đồng, chưa kể nợ gốc.
Trong năm 2015, Tisco đã phát hành 1.000 tỷ đồng cổ phiếu riêng lẻ cho Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), với mục đích tăng nguồn vốn cho Dự án Mở rộng giai đoạn II Gang thép Thái Nguyên, nhưng đã không phát sinh việc thanh toán, nên số tiền này vẫn chưa dùng đến. Tổng giá trị đầu tư của Dự án đã thực hiện đến thời điểm 31/12/2015 là 4.438 tỷ đồng.
Tháng 3/2016, Tisco đã đưa ra báo cáo sau khi tiến hành rà soát lại Dự án. Theo đó, tổng mức đầu tư của Dự án Mở rộng giai đoạn II Gang thép Thái Nguyên sau khi được rà soát lại đã nâng lên 9.030 tỷ đồng. Con số này dựa trên việc Tisco thuê Tổng công ty Tư vấn Xây dựng Việt Nam (VNCC) lập dự toán và Viện Kinh tế xây dựng thẩm tra trên cơ sở kết quả đàm phán và các báo giá tạm tính của nhà thầu Trung Quốc là Tập đoàn Luyện kim Trung Quốc (MCC). Với tổng mức đầu tư này, tỷ suất sinh lời nội tại (IRR) và thời gian thu hồi vốn đều không đạt.
Kèm theo đó, Tisco cũng đưa ra hàng loạt điều kiện giả định để Dự án đạt hiệu quả đầu tư tài chính với IRR là 10,78%, thu hồi vốn trong 17 năm. Cụ thể, tổng mức đầu tư sẽ còn là 7.871 tỷ đồng, nhưng kèm theo các cơ chế đặc thù cho Dự án như miễn một số khoản thuế, cơ chế tín dụng, khoanh/giảm lãi, điều chỉnh lãi suất, thời gian vay, trả nợ ngân hàng hay không tính thuế giá trị gia tăng trong tổng mức đầu tư. Các đề xuất này cũng đã được Bộ Công thương, SCIC ủng hộ.
Dẫu vậy, như Báo Đầu tư số 42 (ra ngày 6/4/2016) đã thông tin, để khởi động lại Dự án, MCC cũng đưa ra yêu cầu bồi thường hàng trăm tỷ đồng, như 105 tỷ đồng cho thời gian kéo dài dịch vụ kỹ thuật từ tháng 6/2012 đến khi tái khởi động lại; 86,4 tỷ đồng là chi phí bàn giao, bảo quản, kiểm tu, sửa chữa tại hiện trường. Ngoài ra, còn có 27,6 tỷ đồng tăng thêm để khắc phục khuyết tật phần xây dựng đã thi công do Dự án kéo dài tiến độ; 41,5 tỷ đồng phát sinh của dịch vụ sau bán hàng; 225 tỷ đồng thuế giá trị gia tăng phần P trong gói thầu EPC số 01 hay 20 tỷ đồng tăng thêm của chi phí quản lý Dự án cho phần công việc tiếp tục còn thực hiện đến khi đưa Dự án vào sản xuất.
Tuy nhiên cho tới nay, chưa có quyết định cuối cùng nào được đưa ra về hướng tiếp theo của Dự án này.
Nguồn tin: Đầu tư