Dự án Mỏ sắt Thạch Khê đang khiến dư luận băn khoăn vì khả năng đảm bảo an toàn môi trường. Tuy nhiên, đại diện đơn vị này đã lên tiếng trấn an rằng dự án đảm bảo kiểm soát tốt vấn đề môi trường và cơ quan chức năng sẽ tiến hành giám sát định kỳ ít nhất 6 tháng 1 lần.
Thất thu hàng nghìn tỉ đồng mỗi năm
Dự án mỏ sắt Thạch Khê được xây dựng theo Quy hoạch phát triển tổng thể Kinh tế - Xã hội tỉnh Hà Tĩnh được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2185/QĐ-TTg ngày 5.12.2014 và Quyết định số 1786/QĐ-TTg ngày 27.11.2012 nhằm phát huy được nguồn tài nguyên sẵn có để phát triển kinh tế - xã hội; đáp ứng nhu cầu nguyên liệu quặng chất lượng cao, giá rẻ cho các cơ sở sản xuất thép trong nước, góp phần bình ổn giá thép và tăng tính cạnh tranh với thép nhập khẩu. Không chỉ vậy, kết quả nghiên cứu cho thấy, mỏ sắt Thạch Khê có nhiều điều kiện khai thác thuận lợi, với hệ số bóc đất thấp, trữ lượng lớn khoảng 540 triệu tấn với hàm lượng 59,8% sắt, đủ điều kiện cho luyện kim. Với chất lượng quặng như vậy, nếu không được tận dụng quả là một sự lãng phí tài nguyên rất lớn.
Tuy nhiên, trên thực tế, dự án đang tạm dừng triển khai từ năm 2011 đến nay do gặp vướng mắc về vốn góp của các cổ đông, khó khăn trong huy động vốn. Giám đốc Công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê (TIC) Nguyễn Quốc Hưng cho biết, Tập đoàn Than-khoáng sản Việt Nam (TKV) đã góp vào dự án hơn 1.000 tỉ đồng, Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Khai thác khoáng sản Thăng Long góp hơn 400 tỉ đồng cùng 3 nhà đầu tư khác. TKV hoàn toàn có đủ khả năng hoàn thành dự án ngay kể cả khi các cổ đông khác rút vốn”.
Ông Hưng cũng chia sẻ thêm rằng mỏ sắt Thạch Khê có trữ lượng sắt lớn nhất Việt Nam hiện nay, nếu dự án dừng lại sẽ khiến nguồn cung cấp quặng sắt cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước trở nên khan hiếm, từ đó có thể đẩy giá thành quặng nhập tăng cao, khiến giá thành thép có thể biến động xấu. Chưa kể trong trường hợp dự án dừng lại, sẽ làm giảm nguồn thu ngân sách cho nhà nước, địa phương (trên 1.500 tỉ đồng/năm trong giai đoạn I, trên 2.800 tỉ đồng/năm trong giai đoạn II); Nhà nước còn phải bổ sung nguồn để xử lý những tồn tại về tài chính, an sinh xã hội, đất đai, hoàn thổ, công trình đầu tư xây dựng dở dang...
Trong khi đó, môi trường biển ở đây lại không phù hợp với việc phát triển dịch vụ du lịch tắm biển vì với mỏ sắt lớn như vậy chẳng khác nào tắm biển cạnh “cột thu lôi tự nhiên” mỗi khi giông sét. Thực tế, khu vực này đã có nhiều gia súc bị sét đánh chết - ông Hưng nhận định.
Đảm bảo môi trường
Trước những lo ngại về vấn đề môi trường, ông Hưng cho biết, Dự án đã được cơ quan chức năng phê duyệt các thủ tục pháp lý về bảo vệ môi trường theo đúng quy định của pháp luật, Bộ TNMT cũng đã thông qua việc thành lập Tổ giám sát môi trường và có sự tham gia của Sở TNMT Hà Tĩnh để giám sát định kỳ. Trong các lần kiểm tra, kết quả cho thấy đơn vị đã thực hiện cơ bản đầy đủ công tác bảo vệ môi trường. Kết quả quan trắc môi trường định kỳ từ năm 2009 đến nay cũng đều cho kết luận các chỉ số môi trường nằm trong phạm vi tiêu chuẩn quy định.
Về vấn đề tháo khô, thoát nước mỏ, ngay từ đầu đã có giải pháp thoát nước phù hợp với từng giai đoạn. Ông Hưng cho biết, bãi thải lấn biển được sử dụng cho mục đích chứa chất thải rắn thông thường (cát, đá), không có độc tố gây hại; công tác đổ thải chỉ được tiến hành khi hoàn thành công tác xây dựng đê chắn theo từng block nên không xảy ra hiện tượng trôi dòng vật liệu làm ảnh hưởng đến môi trường biển. Mặt khác, bãi thải có diện tích 923ha, dung tích chứa 171 triệu mét khối, sẽ khắc phục được nhược điểm khi đổ thải cao trên đất liền (giảm được chiều cao; giảm lượng bụi phát thải; tạo thêm được quỹ đất trong tương lai…).
Ngoài ra, để tạo thêm hiệu quả bảo vệ môi trường, sau khi tiến hành đổ thải đều trồng cây phủ xanh tầng thải để khắc phục hiện tượng cát bay, cát chảy.
Nguồn tin: Lao động