Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Dự án ngành thép: Xé quy hoạch, lãng phí tài nguyên

Nhà máy thép mới liên tục ra đời, tưởng là điều đáng mừng đối với ngành công nghiệp nặng nước ta. Nhưng xét kỹ, đó là những nhà máy với công nghệ lạc hậu, tiêu tốn điện năng, gây ô nhiễm môi trường. Quy hoạch ngành thép liên tục bị phá vỡ không chỉ bởi những dự án to như “con voi”, mà cả những dự án bé như “con chuột”. Vấn đề đặt ra có phải ngành thép đang nằm ngoài vòng pháp luật?
Công nghệ lạc hậu

Những nhà máy lạc hậu, có quy mô nhỏ (công suất 5.000-20.000 tấn/năm), sử dụng thiết bị tự chế tạo đã khiến chất lượng sản phẩm thấp, tiêu hao vật tư và năng lượng cao, làm ô nhiễm môi trường và giá thành sản phẩm không có sức cạnh tranh. Đến nay ngành thép vẫn phụ thuộc bên ngoài về nguyên nhiên liệu chính. Để trụ vững trong bối cảnh hội nhập đòi hỏi ngành thép nước ta phải có công nghệ hiện đại, phương pháp quản lý tiên tiến mới có thể phát triển.

TS. Nguyễn Văn Sưa, nguyên Viện trưởng Viện Luyện kim đen (Bộ Công Thương)

Trong cơ cấu, tổng sản phẩm ngành thép là 9 triệu tấn/năm, sản xuất phôi 4 triệu tấn/năm, còn lại là gia công. Theo ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong những năm qua, ngành thép chủ yếu xuất khẩu các sản phẩm gia công với tiêu thụ điện ít như cán nguội, gia công, mạ, bởi tiêu thụ điện cho các khâu này chiếm 1,5% trong giá thành (trung bình 100-120kWh/tấn). Trong khi đó, luyện phôi, thép phế tiêu tốn gấp 4-5 lần gia công thép (trung bình 600kWh/tấn).

Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp thép sử dụng công nghệ tiên tiến, mức tiêu thụ chỉ khoảng 350kWh/tấn. Nhưng thực tế sản xuất thép ở nước ta hiện nay công nghệ lạc hậu và công nghệ mới vẫn sống chung. Trong số 32 doanh nghiệp thuộc VSA chỉ có 4 doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến của thế giới, 10 doanh nghiệp có cải tiến công nghệ, còn lại là công nghệ cũ.

Việt Nam hiện đang sử dụng phổ biến công nghệ luyện phôi chính là lò cao và lò điện. Loại lò cao luyện thép từ gang, than cốc, than mỡ và chuyển thổi oxy, có ưu điểm ít tiêu tốn điện năng, cho ra sản phẩm chất lượng cao. Loại lò này đòi hỏi người điều khiển phải là kỹ sư với những yêu cầu rất khắt khe trong quá trình điều chỉnh nhiệt độ, nguyên liệu, năng lượng… Nhưng nhược điểm của loại lò này là phải hoạt động liên tục, mỗi lần ngừng lò phải khởi động lại sẽ tốn một nguồn điện lớn.

Lò cao còn gây ô nhiễm môi trường do thải ra xỉ than, xỉ quặng. Suất đầu tư ban đầu ở lò cao cũng cao hơn lò điện hồ quang, khi hoạt động phải chủ động được nguyên liệu quặng sắt, than cốc, than mỡ và gang. Hiện nay chỉ có Công ty Gang thép Thái Nguyên chủ động được, vì thế các doanh nghiệp khác đều sử dụng lò điện hồ quang và thép phế để sản xuất thép.

Công nghệ lò điện có ưu điểm là tái sử dụng được sản phẩm đã qua sử dụng, không ô nhiễm môi trường và chu trình sản xuất ngắn. Sản phẩm làm ra có chất lượng, năng suất cao. Do vậy, lò điện vẫn là công nghệ phù hợp nhất với ngành công nghiệp sản xuất thép nước ta. Nhưng lò điện lại tiêu tốn điện, trung bình 350-600kWh điện cho 1 tấn phôi, 850-900kWh điện cho 1 tấn phôi đối với lò điện trung tần. Điều đáng nói, loại lò điện trung tần đang được sử dụng phổ biến ở các doanh nghiệp luyện phôi nhỏ do suất đầu tư thấp, giá thành công nghệ rẻ (công suất trên dưới 1 triệu tấn), nhập từ Trung Quốc do các nhà máy luyện phôi nước này thải ra.

Bất ổn quy hoạch

Theo VSA, hiện nay các đầu tư mới, mở rộng sản xuất của các doanh nghiệp như thép Miền Nam, Hòa Phát, Thép Việt, Posco đều ứng dụng công nghệ hiện đại của Italia với mức tiêu tốn năng lượng ít, năng suất cao, chất lượng phù hợp với năng lực, môi trường sản xuất trong nước. Những nhà máy luyện phôi mới xây dựng trong 2 năm trở lại đây đều có công suất 500.000 tấn/năm.

Có thể nói, diện mạo ngành thép đang sáng sủa hơn nhờ đầu tư lớn, công nghệ hiện đại thay cho bức tranh lộn xộn, vụn vặt, manh mún. Nhưng đáng tiếc chỉ có 4-5 trong hàng trăm doanh nghiệp thép đầu tư công nghệ đến nơi đến chốn. Những nhà máy thép công suất nhỏ (vài chục ngàn tấn/năm) vẫn tồn tại, bất chấp vi phạm quy hoạch ngành và hiệu quả kinh tế-xã hội, môi trường.

Cả nước hiện nay có 65 dự án sản xuất gang thép công suất 100.000 tấn/năm trở lên (chưa kể các dự án của Tổng công ty Thép quản lý). Trong đó có 58 dự án trong nước, liên doanh và 7 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 41.623 tỷ đồng và 19,8 tỷ USD (chưa kể những nhà máy công suất vài chục ngàn tấn/năm). Đáng lưu ý trong số các dự án trên chỉ 17 dự án trong quy hoạch, 16 dự án được bổ sung quy hoạch, còn lại 32 dự án do các địa phương tự cấp phép không theo quy hoạch, chưa có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ và không thỏa thuận với Bộ Công Thương theo quy định.

Tính đến nay, ngành thép đã đáp ứng gần 70% nhu cầu về phôi thép vuông, 50% thép cán nguội, 100% thép cán xây dựng, góp phần đảm bảo bình ổn nhu cầu sản xuất và tiêu thụ. Theo dự kiến, đến năm 2015 nước ta cần khoảng 15 triệu tấn thép, năm 2020 là 20 triệu tấn. Nếu các dự án thực hiện đúng công suất thiết kế (35,29 triệu tấn/năm), cung sẽ vượt cầu khoảng 1,5-1,8 lần (đặc biệt là thép tấm, lá).

Hiện nay, 3 dự án sản xuất thép tấm cán nóng có trong quy hoạch gồm: Nhà máy thép liên hợp Hà Tĩnh, Khu liên hợp Cà Ná - Ninh Thuận và Nhà máy thép tấm cán nóng Bà Rịa - Vũng Tàu, nhưng khả năng tiếp tục triển khai đang gặp nhiều khó khăn. Nếu 3 dự án này hoàn thành, sản lượng thép sẽ đạt khoảng 26 triệu tấn/năm (so với cầu vẫn vượt 1,2-1,3 lần). Thời gian gần đây, dù VSA đã nhiều lần lên tiếng phản đối song vẫn có nhiều dự án thép được cấp mới và đều là những dự án “khủng” về công suất, vốn đầu tư. Tuy nhiên, đa số những dự án này đình hoãn liên tục ngày khởi công và đua nhau xin nâng công suất.

Vai trò quản lý ngành?

Mới đây, Bộ Công Thương cho phép Công ty Guang Lian (Quang Liên) Steel Việt Nam nâng công suất nhà máy thép đầu tư tại Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi) từ 5 triệu tấn lên 7 triệu tấn sản phẩm/năm. Vốn đầu tư nhà máy cũng được tăng lên mức 4,5 tỷ USD. Đây là lần điều chỉnh vốn và nâng công suất thứ 3 của Nhà máy thép Guang Lian Dung Quất kể từ khi dự án được cấp phép vào năm 2006.

Tháng 8-2007, Vinashin ký ghi nhớ với Tập đoàn Lion Group (Malaysia) về dự án nhà máy liên hợp với vốn đầu tư đến 7,3 tỷ USD, trong đó giai đoạn 1 đầu tư 2,8 tỷ USD. Tuy nhiên, sau khi chi gần 300 triệu USD giải phóng mặt bằng, khu đất của nhà máy vẫn hoang phế và dự án này đã bị rút giấy phép.

Đến nay cả nước có hơn 200 dự án thép các loại. Riêng quý I-2011 đã có thêm 30 dự án cán thép, 20 dự án sản xuất phôi. Nhiều nhà máy đang khởi công, chuẩn bị khởi công hoặc đã khởi công nhưng Bộ Công Thương và VSA không biết. Thí dụ Nhà máy thép Việt Đức (Vĩnh Phúc) đã sản xuất được vài năm nhưng cơ quan chức năng tỉnh cũng không biết nhà máy khởi công lúc nào, hoạt động ra sao?

Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch VSA

Một dự án thép “khủng” khác là Khu gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương, do Tập đoàn Formosa đầu tư trong giai đoạn 1 gồm nhà máy liên hợp gang thép công suất 7,5 triệu tấn/năm, cảng nước sâu Sơn Dương công suất 30 triệu tấn hàng hóa/năm.

Dự kiến, thời gian xây dựng giai đoạn 1 khu gang thép là 4 năm, cảng 3 năm. Khi đi vào hoạt động, nơi này trở thành một trong những liên hợp gang thép lớn nhất Đông Nam Á, cung cấp khoảng 7,5 triệu tấn thép/năm, tạo việc làm cho gần 10.000 lao động. Trong giai đoạn 2, Formosa dự kiến đầu tư thêm 8 tỷ USD nâng công suất nhà máy thép lên 15 triệu tấn/năm và cảng lên 60 triệu tấn/năm, tàu có trọng tải từ 200.000-300.000 tấn có thể vào.

Ngoài chuyện vượt quy hoạch, dư thừa công suất thép, người ta còn tự hỏi Formosa sẽ lấy quặng, than cốc và than mỡ ở đâu để cung cấp cho khu liên hợp. Nếu nhập từ nước ngoài với tốc độ tăng liên tục của giá nguyên, nhiên liệu thế giới như hiện nay, hiệu quả của dự án thực sự là một câu hỏi khó. Cả Quang Liên, Formosa đều không phải là những thương hiệu làm thép có danh tiếng. Quang Liên là một doanh nghiệp sản xuất thép nhỏ, Formosa là tập đoàn chuyên về dầu khí. Họ sang đầu tư tại Việt Nam toàn những dự án khổng lồ, khu liên hợp trong khi chuyên môn, đẳng cấp về thép còn là câu hỏi.

Làm thế nào những “con voi” ấy vượt qua được hàng rào quy hoạch để được cấp phép? Bất chấp yêu cầu không tiếp tục cấp phép ngoài quy hoạch của Chính phủ, Bộ Công Thương và các địa phương vẫn thoải mái cấp phép cho dự án thép mới. Phải chăng “phép vua thua lệ làng” trong quy hoạch ngành thép? Với các dự án hiện nay, ngoài dư thừa công suất còn gây ra là những hậu quả khó lường: ô nhiễm môi trường, thiếu điện, lãng phí tài nguyên do những dự án thép “khủng” cứ treo từ năm này qua năm khác.

Nguồn tin: SÀI GÒN ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH

ĐỌC THÊM