Theo ông Phạm Chí Cường - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thép VN (VSA), các yếu tố để có thể loại dự án thép Cà Ná ra khỏi quy hoạch đã đủ. Số phận siêu dự án thép Cà Ná dù chưa chính thức được định đoạt, song nhiều ý kiến của các chuyên gia kinh tế cho rằng, sau sự cố về môi trường tại các tỉnh miền Trung liên quan đến dự án thép Formosa, Bộ Công Thương cần cân nhắc đưa ra khỏi quy hoạch dự án thép Cà Ná, bởi những tác động đến môi trường và thị trường thép.
Dự án không khả thi
Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động chiều ngày 9.3 trước thông tin Thủ tướng Chính phủ đang xem xét việc có hay không đưa dự án thép Cà Ná ra khỏi quy hoạch ngành thép, ông Trương Thanh Hoài - Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công thương) cho biết, Bộ Công thương chưa nhận được văn bản chính thức chỉ đạo về việc này. Tuy nhiên, theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công thương, Vụ Công nghiệp nặng đã hoàn thiện dự thảo quy hoạch ngành thép và đã đưa lên website của bộ để lấy ý kiến góp ý của các nhà khoa học, các bộ ngành liên quan và quần chúng nhân dân.
Đồng thời cuối tháng 12.2016, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã ký phê duyệt nhiệm vụ và đề cương đánh giá dự thảo quy hoạch hệ thống sản xuất thép đến năm 2025, định hướng đến 2035. Trong đó, bộ trưởng giao Vụ Công nghiệp nặng chủ trì, thuê tư vấn nước ngoài thẩm định và góp ý kiến xây dựng dự thảo ngành thép. Hiện đã có 2 đơn vị tư vấn nước ngoài là Deloite (Nhật) và Roland Berger (Đức) được đánh giá có đủ năng lực để thẩm định quy hoạch.
Ông Hoài cho biết: Quan điểm của Bộ Công thương là xây dựng quy hoạch mềm, sau đó, chủ đầu tư nào quan tâm sẽ phải qua các bước lập dự án đầu tư, báo cáo đánh giá tác động môi trường. Theo quy định hiện hành của Chính phủ, việc thẩm định dự án và phê duyệt chủ trương đầu tư do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì với sự tham gia của các bộ ngành liên quan theo một quy trình nghiêm ngặt.
“Không thể có chuyện được đưa vào quy hoạch là có thể triển khai dự án. Hoặc ngược lại, nhiều chủ đầu tư trong quá trình xem xét tìm hiểu dự án thấy không phù hợp, họ cũng tự động rút lui” - ông Hoài khẳng định. Thậm chí theo Luật Quy hoạch mới chuẩn bị được đưa ra trình Quốc hội, sẽ theo hướng bỏ các quy hoạch ngành, mà chỉ xem xét cụ thể từng dự án.
Tuy nhiên, liên quan đến dự án thép Cà Ná gây nhiều tranh cãi trong dư luận thời gian qua, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thép VN (VSA) ông Phạm Chí Cường đồng tình khi cho rằng tại thời điểm Tập đoàn Hoa Sen xin đầu tư dự án thép Cà Ná quy mô ban đầu lên tới 16 triệu tấn/năm đã là sự đầu tư khá phiêu lưu. Sau đó, do nhiều ý kiến dư luận không đồng tình, dự án thép Cà Ná đã rút xuống còn 4,5 triệu tấn/năm chia làm 3 giai đoạn.
Theo phân tích của ông Phạm Chí Cường, dự án thép Cà Ná hội đủ nhiều yếu tố để không nên đưa vào quy hoạch. Cụ thể, xét về điều kiện tự nhiên, lập dự án có công suất lớn tại đây sẽ khó khả thi vì khu vực Ninh Thuận rất khô hạn, không đủ nguồn nước để lập dự án chế biến thép quy mô lớn, trước đây Tập đoàn Hoa Sen cho rằng sẽ lọc nước biển để xử lý môi trường, song điều này sẽ dẫn tới chi phí cao khó khả thi.
Thêm vào đó, hiện công suất của các nhà máy thép đang dư thừa, Trung Quốc đang có chủ trương hạ giá thép để cạnh tranh với các nước trong khu vực, bên cạnh đó, khu vực miền Trung trở ra đã có dự án thép đặt tại Dung Quất của Cty Hòa Phát. Vì vậy nếu xét về thị trường thì cả trong và ngoài nước đều không thuận. Chưa kể, để bổ sung dự án thép Cà Ná vào quy hoạch, Bộ Công thương cho rằng, dự án tiếp nối dự án thép trước đây của Vinashin Lion đã bị rút giấy phép, tuy nhiên, trên thực tế, dự án thép này đã bị loại ra khỏi quy hoạch và Thủ tướng Chính phủ khi đó đã cho chuyển mục đích làm thép thành làm khu công nghiệp Cà Ná.
Tác động đến môi trường cần được nghiên cứu kỹ trước khi quyết định xây dựng Nhà máy thép Cà Ná. Trong ảnh là hiện tượng cá chết hàng loạt trên biển Kỳ Anh (Hà Tĩnh) được cho là do bị nhiễm độc nguồn nước. Ảnh: INFONET
Yêu cầu Bộ Công thương làm rõ 6 vấn đề
Trong một diễn biến mới nhất, ngày 9.3, trả lời phỏng vấn báo chí, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho hay Thủ tướng chưa quyết về số phận của dự án thép Cà Ná mà yêu cầu các bộ, ngành liên quan phải làm rõ 6 vấn đề. Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu cân nhắc các vấn đề gồm: Quy hoạch ngành thép, cung cầu thị trường, điện năng, nước, cạnh tranh sản phẩm (sản phẩm đưa ra thị trường có cạnh tranh được với sản phẩm Trung Quốc hay không), cơ cấu sản phẩm, nguồn cung ứng nguyên liệu đầu vào, công nghệ, thiết bị.
Trước đó tại cuộc họp với các bộ, ngành liên quan vào ngày 8.3, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ phải nghiên cứu, báo cáo. Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương có báo cáo đánh giá kỹ về dự án; Bộ Khoa học & Công nghệ báo cáo về vấn đề công nghệ, chất lượng dự án; đồng thời Bộ Tài nguyên & Môi trường có đánh giá về tác động môi trường... “Khi nào các bộ có báo cáo, Thủ tướng mới xem xét” - ông Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Theo quy định, thẩm quyền quy hoạch khi cân đối cung cầu thuộc về Bộ Công thương, còn nhà đầu tư muốn rót vốn vào dự án trên 5.000 tỉ đồng thì phải có ý kiến của Thủ tướng. Với quan điểm không vì kinh tế mà đánh đổi môi trường, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay, khi kết luận đối với dự án thép Cà Ná là phải có căn cứ trên cơ sở các báo cáo đánh giá được làm chặt chẽ, thận trọng. Khẳng định yêu cầu phát triển của địa phương và của ngành là đúng đắn, nhưng với mục tiêu phát triển bền vững, hiệu quả, không để xảy ra những hệ lụy không lường trước được, hài hòa giữa Nhà nước, nhà đầu tư.
Đại diện Bộ Công thương cũng cho biết sẽ tuân thủ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, dự kiến trong quý III năm nay, Bộ Công thương sẽ chính thức trình Chính phủ bản dự thảo quy hoạch đã sửa đổi, bổ sung.
Nguồn tin: Lao động