Theo thống kê của Bộ Công thương, tổng công suất của các dự án thép đã được cấp giấy phép đầu tư đến nay lên đến 40 triệu tấn.
Hiện nay, một số chủ đầu tư vẫn đang xin mở rộng quy mô công suất nhà máy. Với trình độ công nghệ của ngành thép nước ta hiện nay, cần tiêu tốn khoảng 700 kWh điện để sản xuất được một tấn thép xây dựng thành phẩm. Như vậy, ngành điện cần phải sản xuất thêm ít nhất 30 tỷ kWh điện (tính cả phần tổn thất) để đáp ứng cho nhu cầu của các nhà máy thép hiện nay, tương đương gần 40% sản lượng của hệ thống điện.
Sản lượng điện, hiệu quả sản xuất công nghiệp -tỷ lệ nghịch
Mười năm trước, lĩnh vực sản xuất không phải là khách hàng lớn nhất của ngành điện, khi mức tiêu thụ điện chỉ chiếm khoảng 40% tổng sản lượng của toàn hệ thống. Nhưng nay theo số liệu thống kê sáu tháng đầu năm 2010 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy, tỷ lệ điện cấp cho công nghiệp và xây dựng đã vọt lên 51,65%, trong đó chỉ riêng 5 năm vừa qua, mức tiêu thụ điện của khu vực này đã tăng gần 7%. Thoạt nhìn, đây là dấu hiệu tích cực bởi nó phản ánh cơ cấu kinh tế đang chuyển dịch dần sang khu vực công nghiệp - xây dựng. Nhưng trên thực tế, phần đóng góp của công nghiệp, xây dựng hiện chỉ chiếm 42,6% giá trị tăng thêm của GDP, thì sự gia tăng về tỷ lệ dùng điện nói trên lại đặt ra mối lo về hiệu quả sử dụng năng lượng.
Trong hơn một thập kỷ qua, tốc độ gia tăng sản lượng điện tiêu thụ của Việt Nam thường cao hơn so với mức tăng giá trị sản lượng của công nghiệp. Đây là bằng chứng rõ nét cho thấy cường độ tiêu thụ năng lượng của ngành công nghiệp đang tăng quá mạnh trong khi giá trị tăng thêm của ngành này những năm vừa qua có chiều hướng giảm. Có thể thấy rõ điều này tại các dự án của ngành luyện cán thép.
Đã đến lúc nói không với các dự án thép?
Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, cho biết: Hiện nay các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước mới chú trọng phát triển sản xuất thép thành phẩm, chưa chú ý phát triển luyện phôi. Do vậy, nhiều nhà máy sản xuất thép chỉ dừng ở mức gia công, với chi phí phôi chiếm tới hơn 90% giá thành thép xây dựng. Hiệu quả sản xuất phôi thép từ phế liệu và quặng sắt có thể giảm chi phí phôi xuống còn 60 - 70% tổng chi phí, nhưng mức tiêu hao năng lượng cũng như khấu hao cũng lớn hơn.
Nếu trừ đi phần khấu hao máy móc thiết bị, nguyên liệu, là những yếu tố đầu vào, thì giá trị tăng thêm của ngành thép không đáng kể. Trong khi đó, theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, với nhu cầu sử dụng năng lượng hiện nay của các ngành công nghiệp và trữ lượng tài nguyên thiên nhiên thì đến năm 2015 nước ta sẽ phải nhập khẩu nguyên liệu sản xuất nhiệt điện.
Sản xuất thép cũng không phải là ngành có mức độ lan tỏa cao vì hoạt động của ngành này khá độc lập, không cần sự hỗ trợ của nhiều lĩnh vực công nghiệp phụ trợ khác, nên nó sẽ không giúp ích nhiều cho sự phát triển của ngành công nghiệp nói chung. Trong khi đó gánh nặng mà ngành thép mang lại cho nền kinh tế thì không nhỏ. Ngoài việc gia tăng sức ép về cung - cầu năng lượng, đe dọa đến vấn đề an ninh năng lượng của quốc gia, sự phát triển quá mức cần thiết của ngành này còn để lại những di hại về môi trường. Cứ sản xuất mỗi tấn thép từ quặng sắt, sẽ thải ra môi trường 1-1,2 tấn xỉ quặng và nhiều loại khí, bụi gây ô nhiễm môi trường khác…
Thực tế, việc chấp nhận ồ ạt những dự án luyện, cán thép lớn thời gian qua đang biến thành tích thu hút vốn đầu tư nước ngoài của các địa phương trở thành những hiểm họa đối với sự phát triển bền vững trong thời gian tới.
Nguồn: KTĐT