Sau 5 năm kể từ ngày đề xuất, dự án xây dựng nhà máy sản xuất thép với tổng vốn 5 tỷ USD của Tata Steel, một bộ phận thuộc tập đoàn Tata (Ấn Độ), vẫn đang rơi vào bế tắc khi chính quyền địa phương và nhà đầu tư chưa đạt được thỏa thuận trong việc bỏ ra chi phí giải phóng mặt bằng và tái định cư.
Trong một động thái gần đây, một đại diện của Tata Steel tại khu vực Đông Nam Á, ông Indronil Sengupta cho biết Tata Steel đã đồng ý ứng trước một khoản tiền cho việc giải phóng mặt bằng.
Số tiền đó, theo ông Sengupta là “lớn hơn bất cứ số tiền nào mà các nhà đầu tư khác trước đó cam kết chi trả tại khu kinh tế này”. Tuy nhiên, người đại diện của Tata Steel không tiết lộ số tiền đó là bao nhiêu.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, nhà đầu tư không phải bỏ ra chi phí giải phóng mặt bằng và xây dựng khu tái định cư mà đó là phần việc của cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, ông Nguyễn Đình Vận, Phó trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Vũng Áng, cho biết để giải phóng mặt bằng một diện tích rộng tới 750 ha cần một chi phí khoảng 5.000 tỷ đồng. Đây là một chi phí rất lớn mà ngân sách của tỉnh không thể đáp ứng được.
Chính vì vậy, chính quyền địa phương đã đề nghị Tata Steel hỗ trợ toàn bộ chi phí đó và số tiền đó sẽ được trừ vào tiền thuê đất. Nhưng Tata Steel đã liên tục từ chối và cho rằng đó không phải là trách nhiệm của nhà đầu tư. Chính vì bất đồng đó mà 5 năm qua, dự án thép của Tata Steel vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Việc Tata Steel đề nghị ứng trước một khoản tiền dành cho công tác giải phóng mặt bằng có thể coi như một sự nhượng bộ của nhà đầu tư nhằm giải quyết vấn đề giải phóng mặt bằng đã tồn tại nhiều năm. Mặc dù vậy, ông Sengupta vẫn cho rằng việc giải phóng mặt bằng vẫn thuộc trách nhiệm chính của cơ quan nhà nước.
“Hiện tại quyết định cấp giấy chứng nhận đầu tư hay không thuộc về cơ quan nhà nước và nhà đầu tư sẽ không có thêm đóng góp gì nữa,” ông Sengupta nói.
Nhằm tháo gỡ những vướng mắc của dự án, Chính phủ đã thành lập một tổ công tác đặc biệt kết hợp với tỉnh Hà Tĩnh để tính toán xem ngân sách nhà nước có thể sử dụng tối đa là bao nhiêu cho chi phí giải phóng mặt bằng. Kết quả tính toán cuối cùng hiện nay vẫn chưa được xác định, nhưng theo ông Vận thì Tata Steel vẫn phải bỏ tiền ra để hỗ trợ.
“Việc sử dụng tiền ngân sách cũng chỉ là một phần vì ngân sách có hạn. Nếu số tiền Tata bỏ ra quá ít để hỗ trợ chi phí thì khó mà giải phóng mặt bằng được,” ông Vận nói.
Dự án thép của Tata được đề xuất lần đầu tiên vào năm 2007 với tổng vốn là 5 tỷ đô la và công suất là 4,6 triệu tấn một năm. Trên thực tế, dự án thép này sẽ được đầu tư thông qua liên doanh giữa Tata Steel, Tổng công ty Thép Việt Nam và Tập đoàn Xi măng Việt Nam. Nhưng Tata sẽ nắm cổ phần chi phối với tỷ lệ là 65%.
Do việc đàm phán về chi phí giải phóng mặt bằng kéo dài nhiều năm mà không có kết quả, cuối năm ngoái Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất với Tata Steel về việc di chuyển địa điểm đầu tư vào trong khu kinh tế Dung Quất tại Quảng Ngãi, nơi mà tập đoàn E-United của Đài Loan cũng đang chuẩn bị xây dựng một dự án thép với công xuất 7 triệu tấn một năm.
Sau một thời gian ngắn khảo sát, Tata Steel đã chính thức trả lời họ không coi Dung Quất là một điểm đầu tư và quyết định tiếp tục theo đuổi dự án tại khu kinh tế Vũng Áng. Theo ông Lê Văn Dũng, phó trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất, thì lý do mà Tata Steel đưa ra là Vũng Áng gần với mỏ quặng sắt Thạch Khê, mỏ quặng sắt được cho là có trữ lượng lớn nhất Đông Nam Á.
Và để đảm bảo cho nguồn nguyên liệu đầu vào, ngay từ khi bắt đầu đề xuất dự án tại Việt Nam Tata Steel cũng đã đề xuất tham gia vào việc khai thác quặng từ mỏ Thạch Khê.
Điều này cũng cho thấy quyết tâm của Tata Steel sẽ xây dựng một nhà máy thép tại Vũng Áng, nhưng cho dù quyết tâm thế nào đi nữa thì dự án này vẫn sẽ tiếp tục giậm chân tại chỗ nếu như cả chính quyền địa phương và nhà đầu tư không đi đến được một sự đồng nhất trong vấn đề giải phóng mặt bằng.
Nguồn tin: vneconomy.