Tập đoàn Lion Group của Malaysia và Tập đoàn Công nghiệp (CN) Tàu thuỷ (Vinashin) đã khởi công xây dựng dự án thép Cà Ná tại khu CN Dốc Hầm, xã Phước Diêm (huyện Thuận Nam, Ninh Thuận) vào ngày 23.11.2008. Thế nhưng, sau đó dự án này "giậm chân tại chỗ" cho đến nay.
Trong khi đó, dân vùng dự án chưa nhận tiền đền bù đất, lại đi vay ngân hàng để xây dựng nhà cửa ở nơi mới, dẫn đến nợ vốn, lãi vay chồng chất.
Nợ nần chồng chất
Dự án Khu liên hợp thép Cà Ná với vốn đầu tư 9,8 tỉ USD, quy mô tổng diện tích khoảng 1.650ha mặt đất và 330ha mặt nước biển, công suất 14,42 triệu tấn thép thô/năm. Trong đó, giai đoạn 1 (2008-2011) sẽ đưa vào hoạt động tổ hợp nhà máy thép có công suất 4,5 triệu tấn thép cuộn cán nóng/năm.
Đây là một trong những dự án lớn nhất của ngành thép Việt Nam. Thế nhưng, sau gần 2 năm động thổ, nơi xây dựng dự án vẫn chỉ là bãi đất hoang hoá. Công tác giải phóng mặt bằng, đền bù giải toả chỉ thực hiện chưa đến 50%; việc đền bù giải toả cho người dân vùng dự án cũng chưa đến 50% số hộ. Điều đáng nói là, số hộ dân phải nhường đất cho dự án, nhưng chưa nhận tiền đền bù lâm vào cảnh khó khăn do không còn đất sản xuất, nợ vay ngân hàng chồng chất.
Vùng dự án xây dựng Nhà máy thép Cà Ná vẫn đang bỏ hoang. |
Ở 2 thôn Thương Diêm 1 và Thương Diêm 2 (xã Phước Diêm) có gần 100 hộ dân bị thu hồi đất, đã đem quyết định đền bù của nhà đầu tư đến ngân hàng thế chấp để vay vốn sản xuất, xây dựng nhà ở nơi mới. Khi chủ đầu tư tiến hành giải ngân đền bù thì dân sẽ lấy số tiền đó trả lại vốn vay cho ngân hàng. Ngành ngân hàng cũng tin tưởng vào dự án sẽ thực hiện theo đúng cam kết nên “vô tư” cho dân vay vốn với số tiền lớn từ 50 triệu đến 100; 200 triệu đồng/hộ.
Khi biết được dự án “giậm chân tại chỗ”, người dân đau đầu vì bỗng dưng “ôm” nợ nần! Chỉ tính riêng thôn Thương Diêm 1, người dân đã thế chấp quyết định thu hồi đất vay vài tỉ đồng. Những hộ chăn nuôi gia súc ở đây cũng lâm vào cảnh lao đao vì không có chỗ chăn nuôi nên đã bán sạch gần 2.200 con bò, dê, cừu...
Hiện nhiều người phải bỏ làng ra đi kiếm kế sinh nhai; nhiều hộ dân kêu bán nhà để trả nợ ngân hàng. Ông Nguyễn Văn An (thôn Thương Diêm 1) kêu trời: “Trong khi chờ tiền đền bù thu hồi đất gần 500 triệu đồng, gia đình tôi đã vay ngân hàng 200 triệu đồng xây dựng nhà mới để an cư lạc nghiệp. Không ngờ, dự án không triển khai, tôi không nhận được tiền đền bù, trong khi lãi vay ngày càng nhiều, chắc tôi lại phải bán căn nhà này để lo tiền trả nợ thôi!”.
Xử lý cách nào?
Trước thực trạng, dự án thép “treo” kéo dài, UBND tỉnh Ninh Thuận đã giao cho Sở KHĐT làm việc trực tiếp Tập đoàn Lion Group về vấn đề triển khai dự án. Và tập đoàn này đã viện dẫn lý do khủng hoảng kinh tế nên gặp khó khăn về tài chính. Trong khi đó, Vinashin cũng đang khó khăn về tài chính, phải tái cơ cấu theo yêu cầu của Chính phủ, không được phép triển khai các dự án ngoài ngành. Đến cuối tháng 12.2009, tỉnh Ninh Thuận đồng ý ưu tiên cho chủ đầu tư không thực hiện hợp phần cảng hàng hoá để tập trung xây dựng nhà máy. Các hạng mục khác phải đầu tư, gia hạn đến tháng 1.2010, nếu không thực hiện sẽ thu hồi giấy phép. Thế nhưng, đến nay dự án vẫn bất động!
Ông Phạm Đồng - Giám đốc Sở KHĐT tỉnh Ninh Thuận - cho biết: Từ thực tế khó khăn của chủ đầu tư cho thấy việc tiếp tục triển khai dự án thép Cà Ná là hoàn toàn bất khả thi. Để “cứu” dự án khỏi bị chết, hiện UBND tỉnh đang tìm giải pháp tháo gỡ bằng cách sử dụng diện tích dự án để điều chỉnh thành dự án khác. Đồng thời nhờ trung ương, trực tiếp là các bộ, ngành kêu gọi các nhà đầu tư khác có thế mạnh, thực sự có năng lực tài chính để thay thế Tập đoàn Lion Group và Vinashin tiếp tục triển khai thực hiện dự án mới có hiệu quả. UBND tỉnh cũng động viên nhân dân trong vùng dự án yên tâm chờ nhà đầu tư khác giải quyết tiền đền bù đất đai; trực tiếp làm việc với ngân hàng để khoanh nợ, dãn nợ vốn vay cho dân,...
Nguồn: (LĐ)