Đó là khẳng định của ông Indronill Sengupta, Giám đốc các dự án tại Đông Nam Á, thuộc Tập đoàn thép Tata (Ấn Độ), trong buổi gặp với phóng viên Báo Đầu tư mới đây.
Trước đó, ngày 2/8, Ban quản lý Khu kinh tế Vũng Áng đã có văn bản gửi Tập đoàn Tata và Tổng công ty Thép Việt Nam (VNS) thông báo, Dự án Thép liên hợp Tata Hà Tĩnh do hai đối tác trên là chủ đầu tư chưa đủ điều kiện để cấp giấy chứng nhận đầu tư. Ban quản lý đề nghị các nhà đầu tư phải hoàn tất các nội dung liên quan trước ngày 31/8/2010. Nếu không, 725 ha tại Khu kinh tế Vũng Áng đang được dành cho Dự án Thép liên hợp Tata Hà Tĩnh có thể bị thu hồi để bố trí cho các dự án khác.
“Chúng tôi đã gửi thư tới Chính phủ để giải thích những việc mà Tập đoàn Tata đã làm thời gian qua đối với Dự án Thép liên hợp Tata Hà Tĩnh. Trên thực tế, các yêu cầu mà Chính phủ đặt ra với Dự án vào tháng 5/2010 (liên quan đến nguyên liệu, mặt bằng cho dự án, nguồn nước cung cấp, đánh giá tác động môi trường, phương án giao thông, vấn đề thu xếp vốn cho đối tác Việt Nam trong liên doanh…) đã được giải quyết khoảng 50%. Một nửa công việc còn lại đang chờ sự hồi âm của các bộ, ngành được giao xử lý các vấn đề liên quan đến dự án sau cuộc họp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư vào cuối tháng 7 vừa qua. Vì thế, chúng tôi chưa biết phải xử lý thế nào với thông báo của Ban quản lý Khu kinh tế Vũng Áng”, ông Indronill Sengupta nói.
Trước đó, tháng 5/2007, Tập đoàn Tata và VNS đã ký biên bản ghi nhớ để thực hiện Dự án Nhà máy Thép liên hợp Hà Tĩnh, với công suất dự kiến lên tới 4,5 triệu tấn thép cao cấp mỗi năm. Theo đó, VNS và Tata sẽ phối hợp triển khai báo cáo nghiên cứu khả thi và hoàn tất việc thu xếp vốn. Tata sẽ nắm tối thiểu 65% và VNS giữ tối đa 35% cổ phần trong dự án này. Ngoài ra, Tata cũng có cơ hội tham gia 30% cổ phần trong Công ty cổ phần Quặng sắt Thạch Khê.
“Theo kế hoạch, cần 16 tháng để hoàn tất báo cáo nghiên cứu khả thi (FS), nhưng chúng tôi đã hoàn tất chỉ sau 14 tháng. Việc thu xếp vốn cho VNS cũng đang được thực hiện. Tuy nhiên, trong thời gian chúng tôi đang làm nghiên cứu khả thi, địa phương lại cấp phép một phần diện tích đất mà chúng tôi đã có đề nghị cho đối tác khác. Vì vậy, sau khi hoàn tất nghiên cứu khả thi, dự án lại phải lo đi tìm đất và tới cuối quý III, đầu quý IV năm 2009, chuyện đất cát mới ổn”, ông Indronill Sengupta cho biết thêm.
Cũng để thực hiện báo cáo nghiên cứu khả thi của Dự án, Tập đoàn Tata đã chi tổng cộng 5 triệu USD, trong đó có 2 triệu USD để lập mô hình thử nghiệm sản xuất do hàm lượng kẽm (Zn) trong quặng sắt Thạch Khê ở mức cao hơn bình thường.
Liên quan đến yêu cầu Tập đoàn Tata phải chịu chi phí bồi thường, tái định cư, giải phóng mặt bằng cho diện tích dự án mà các cơ quan hữu trách đề cập như một trong số vấn đề còn tồn tại trước khi cấp phép, đại diện của Tập đoàn Tata cũng cho hay, việc đền bù, giải phóng mặt bằng thuộc trách nhiệm của Khu kinh tế Vũng Áng theo quy định hiện hành và được xem như một ưu đãi về tài chính cho các dự án có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam mà nếu không có, thì dự án khó có tính khả thi.
Phía đại diện của Tata cũng cho biết, họ sẵn sàng làm việc với các cơ quan liên quan để có được giải pháp thích hợp cho vấn đề nguồn vốn phục vụ tái định cư và giải phóng mặt bằng liên quan khi giấy phép đầu tư được cấp.
Nguồn: baodautu.vn