Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Dự án thép nghìn tỷ Thái Nguyên: Ai dám mua?

Việc đánh giá lại dự án chỉ là bước đầu, quan trọng và khó nhất là liệu có nhà đầu tư nào chịu bỏ vốn ra tiếp nhận dự án hay không.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa đồng ý về nguyên tắc cho phép Bộ Công Thương lựa chọn nhà thầu tư vấn độc lập đánh giá Dự án đầu tư mở rộng giai đoạn 2 - Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO) theo hình thức chỉ định thầu.

Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên thanh toán, hạch toán chi phí thuê tư vấn độc lập trên theo quy định hiện hành.

Du an thep nghin ty Thai Nguyen: Ai dam mua?
Cỏ dại mọc um tùm tại dự án mở rộng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2. Ảnh: Tuổi trẻ

Bình luận về thông tin này, ông Phạm Chí Cường, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng, việc đánh giá lại dự án nhà máy gang thép Thái Nguyên mở rộng đây là việc làm đúng đắn và cần thiết, đặc biệt sau khi Chính phủ quyết định không tiếp tục rót vốn nhà nước vào nữa.

"Đây là một quyết định của tập thể lãnh đạo Chính phủ. Sau khi họp với các bộ có liên quan, Chính phủ đã khẳng định không tiếp tục rót vốn ngân sách nhà nước vào nữa mà giao cho Tổng Công ty Thép Việt Nam và Bộ Công thương tính toán, đánh giá lại dự án rồi có thể bán lại hoặc kêu gọi vốn đầu tư của các nhà đầu tư mới.

Trong bối cảnh thế giới đang dư thừa thép, nhất là Trung Quốc đang dư thừa công suất, Việt Nam nên thận trọng với các dự án thép, trên cơ sở theo dõi thị trường thế giới biến động cần xem xét dự án có làm được hay không, nếu làm có hiệu quả không...", ông Cường nói.

Việc đánh giá lại dự án nhà máy gang thép Thái Nguyên mở rộng chưa phải là dấu hiệu cho thấy đã có lời giải cho dự án này vốn đã "trùm mền" gần chục năm nay này, ông Cường khẳng định. Đây chỉ là bước đầu rất sơ khai để tính toán lại giá trị của dự án, thiết bị máy móc sau 7-8 năm hư hỏng ra sao, giá trị thực tế thế nào..., còn thiếu bao nhiêu vốn, trên cơ sở đó mới kêu gọi vốn.

"Cho nên từ giai đoạn thuê tư vấn đánh giá lại dự án đến khi có phương án xử lý dự án còn rất dài. Điều quan trọng và khó khăn nhất là có người nào chịu bỏ vốn ra tiếp nhận dự án hay không", ông Cương nhấn mạnh.

Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết thêm, trước đây thông tin có tiếp tục rót vốn nhà nước vào dự án  nhà máy gang thép Thái Nguyên mở rộng hay không vẫn còn mập mờ. Thậm chí, có thông tin cho rằng, nếu Nhà nước tiếp tục rót vốn thì có thể tính toán sao cho tiết kiệm nhất, rồi không dùng nhà thầu Trung Quốc nữa mà dùng nhà thầu Việt Nam...

"Tuy nhiên, do Việt Nam đã ký với Trung Quốc hợp đồng tổng thầu EPC (thiết kế, cung cấp thiết bị và thi công) nên không dễ làm theo cách đó. Bây giờ nếu thay đổi coi như phía Việt Nam phá hợp đồng và phải đền bù. Do đó, Việt Nam phải đàm phán với phía Trung Quốc và cái đó cũng không phải dễ.

Giả sử, nếu việc đàm phán có thành công, Trung Quốc chấp nhận đền bù thì giá trị của nhà máy lại phải tăng lên, nghĩa là vốn đầu tư tiếp tục đội lên. Liệu có nhà đầu tư mới nào chịu mua lại dự án sau khi vốn đầu tư đã bị đội lên gấp đôi, giờ lại phải đền bù hợp đồng?

Đó là chưa kể việc phải xem xét mối liên hệ giữa giai đoạn 1 với giai đoạn mở rộng của Nhà máy Gang thép Thái Nguyên... Tóm lại, rất nhiều vấn đề đằng sau đó và cuối cùng là ai chịu mua?", ông Phạm Chí Cường lo ngại.
 

PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi, Trưởng khoa Kinh tế, Đại học Nông lâm TP.HCM:

Lựa chọn nhà thầu để tư vấn độc lập đánh giá dự án mở rộng là cần phải làm ngay, để có đầy đủ thông tin đáng tin cậy và có quyết định chọn phương án giải quyết dự án "trùm mền" quá lớn của TISCO. Do đó cần lựa chọn nhà thầu có năng lực và minh bạch, nên cần thiết cho đấu thầu để lựa chọn theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo tính cạnh tranh và chọn được nhà thầu chất lượng thay vì chỉ định thầu.

Chờ kết quả của nhà thầu đánh giá dự án như thế nào, chúng ta sẽ có phương án giải quyết tối ưu, tối thiểu hóa thiệt hại của dự án.

Theo tôi, phương án tốt nhất và có tính khả thị là bán hoặc liên doanh với những nhà sản xuất thép nước ngoài, họ đang sản xuất vả kinh doanh thành công trên thế giới hiện nay. TISCO phải chủ động tìm kiếm đối tác này ngay bây giờ. Công nghệ và chất lượng sản phẩm sẽ được giải quyết nếu nhà sản xuất mới mua hoặc liên doanh. Tôi không ủng hộ việc cho TISCO tiếp tục đầu tư với nhiều ưu đãi như vay và lãi vay...

 

Nguồn tin: Đất việt

ĐỌC THÊM