Cũng đầu tư vào dự án sản xuất thép nhưng quy mô lớn hơn, Tập đoàn Hòa Phát đã hoàn thành giai đoạn 3 chỉ với tổng đầu tư 3.800 tỷ đồng.
Liên quan đến dự án đầu tư mở rộng giai đoạn 2 Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, trao đổi với Đất Việt, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) đã đưa ra những con số so sánh giữa dự án này với dự án thép của Tập đoàn tư nhân Hòa Phát.
Theo đó, Tập đoàn Hòa Phát là chủ đầu tư dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép tại Kinh Môn, Hải Dương, với tổng công suất lên đến 1,7 triệu tấn/năm. Giai đoạn 1 của Khu liên hợp được đầu tư từ năm 2008 đến cuối 2009 đi vào hoạt động với tổng đầu tư 2.500 tỷ đồng. Giai đoạn 2 được đầu tư từ cuối năm 2010 và đi vào hoạt động cuối năm 2012 với tổng đầu tư 3.300 tỷ đồng. Giai đoạn 3 với tổng đầu tư 3.800 tỷ đồng cũng đã hoàn thành. Đến quý I/2016, dự án đã đi vào sản xuất đồng bộ cả 3 giai đoạn.
"So sánh hai dự án có thể thấy, riêng giai đoạn 3 của dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép tại Hải Dương công suất lớn hơn dự án đầu tư mở rộng giai đoạn 2 của Gang thép Thái Nguyên (750.000 tấn/năm so với 500.000 tấn/năm) nhưng Tập đoàn Hòa Phát chỉ làm trong 18 tháng và chỉ đầu tư 3.800 tỷ đồng.
Còn Công ty Gang thép Thái Nguyên khởi công dự án từ năm 2007, tổng chi phí đã đội lên từ 3.843 tỷ đồng lên 8.104 tỷ đồng. Đáng lưu ý, mức đầu tư của Hòa Phát được tính theo đơn giá của 2 năm gần đây, trong khi đơn giá của Gang Thép Thái Nguyên đã từ rất lâu.
Rõ ràng, suất đầu tư của Gang thép Thái nguyên là cực lớn, máy móc thiết bị còn bị hỏng hóc, chất lượng còn kém. Dự án lại được Nhà nước ưu ái, hỗ trợ nhiều. Riêng SCIC đã bơm vào dự án đầu tư mở rộng giai đoạn 2 số tiền 1.000 tỷ đồng vào năm 2015 nhưng cuối cùng cũng không đi đến đâu", ông Nguyễn Hoàng Hải chỉ rõ.
Phó Chủ tịch VAFI nhấn mạnh, vấn đề ở đây không phải là thiếu tiền mà có tham nhũng và có vấn đề về trình độ, năng lực, thế nhưng cho đến nay chưa thấy ai bị xử lý, kỷ luật. Hay họ xử lý rồi mà không công bố?, ông Hải đặt câu hỏi.
"Nếu họ cứ chính công vô tư mà làm thì dự án đã xong từ lâu, suất đầu tư còn rẻ hơn Hòa Phát vì họ bắt đầu xây dựng trước Hòa Phát từ rất lâu. Khi Gang thép Thái Nguyên làm giai đoạn mở rộng thì Hòa Phát mới bắt đầu làm giai đoạn 1 dự án ở Kinh Môn, Hải Dương và đến giờ họ đã xong cả 3 giai đoạn, tổng công suất đạt gần 2 triệu tấn/năm, trong khi dự án của Gang thép Thái Nguyên vẫn chỉ là số 0", ông Hải thẳng thắn nói.
Ông Nguyễn Hoàng Hải đề xuất, nên bán toàn bộ cổ phần Nhà nước tại Công ty CP Gang thép Thái Nguyên bằng cách thuê công ty chứng khoán để làm đề án bán cổ phần, các nhà đầu tư quan tâm có thể tham gia đấu giá công khai.
Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Sơn Lâm, Bộ môn kỹ thuật Gang thép, khoa Khoa học và Công nghệ Vật liệu, Viện Khoa học và kỹ thuật vật liệu (Đại học Bách khoa Hà Nội) cũng đặt câu hỏi: Tại sao cũng với số tiền như thế, cũng là thiết bị Trung Quốc nhưng Hòa Phát đã hoàn thành cả 3 giai đoạn và đi vào hoạt động với tổng sản lượng gần bằng cả Tổng Công ty Thép Việt Nam, trong khi dự án của Gang thép Thái Nguyên vẫn còn trơ khung?
Nguồn tin: Đất việt