Được cấp giấy phép đầu tư và có quyết định giao đất từ năm 1996, với tổng vốn đăng ký hơn 200 triệu USD, diện tích đất hơn 14.610.882 m2, nhưng đến nay, sau hơn 17 năm, Dự án Sun Steel (Nhật Bản) vẫn chưa được triển khai và đã được chủ đầu tư đề nghị gia hạn nhiều lần.
Lý do, theo Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) Đồng Nai, là vì những vướng mắc trong quá trình đền bù giải tỏa, giải phóng mặt bằng. “Nhưng cũng một phần là do chủ đầu tư Dự án chưa tích cực triển khai. Tới đây, Ban Quản lý sẽ làm việc với chủ đầu tư để xem xét tính khả thi của Dự án”, đại diện Ban quản lý KCN tỉnh Đồng Nai cho biết.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn, một đại diện của Sun Steel cho biết, Công ty vẫn quyết tâm triển khai Dự án và mong muốn xây dựng dự án trên phần diện tích đất đã được giao.
Dự án Sun Steel ban đầu đầu tư ngoài KCN, nhưng hiện thời, phần diện tích của Dự án thuộc KCN Ông Kèo, do Công ty TNHH một thành viên KCN Ông Kèo, thuộc Tập đoàn Tín Nghĩa làm chủ đầu tư từ năm 2008.
“Vừa qua, chủ đầu tư cũng đã phối hợp với chúng tôi để làm việc với các hộ dân thuộc diện giải tỏa, đền bù giải phóng mặt bằng. Chúng tôi hy vọng, cuối năm nay có thể có đất sạch để bàn giao cho Sun Steel”, ông Nguyễn Hữu Thăng, Phó giám đốc Công ty TNHH một thành viên KCN Ông Kèo cho biết.
Dự án KCN Ông Kèo được triển khai trên diện tích trên 823 ha ở Đồng Nai, với tổng vốn đầu tư khoảng 1.770 tỷ đồng. Hiện tại, đã có 14 nhà đầu tư thuê đất trong KCN, với tổng diện tích 272,5 ha, chiếm 56% diện tích đất công nghiệp dành cho thuê, với tổng vốn đầu tư trên 1,6 tỷ USD. Trong số này, có 8 đơn vị đi vào hoạt động.
Trong khi đó, Công ty TNHH Sun Steel (trước đây có tên gọi là Công ty TNHH Sắt thép Vina Tafong) là công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài, được thành lập năm 1996 và năm 1998 bắt đầu đi vào hoạt động, với nhà máy ở Bình Dương. Công ty chuyên sản xuất và tiêu thụ phôi thép, thép gân, thép tròn trơn, thép cuộn cán nguội, thép cuộn tráng kẽm, thép cuộn mạ màu, thép ống…
Không chỉ với Sun Steel, mà thực tế, những vướng mắc trong giải phóng mặt bằng cũng đang làm khó nhiều dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong cả nước. Ngay ở Đồng Nai, Tập đoàn Amata (Thái Lan) cũng đang tìm kiếm một địa điểm đầu tư Dự án Khu công nghiệp - đô thị Amata Express City, với vốn đầu tư 500 triệu USD, nhưng đến nay chưa có kết quả.
Nguồn tin: Baodautu