- Theo ý kiến của 43 chuyên gia nói trên, kinh tế Mỹ năm 2011 sẽ chỉ tăng 2,7%, cao hơn không đáng kể so với mức 2,6% dự báo cho năm 2010. Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế Mỹ phải đạt trung bình khoảng 5%/năm thì mới có thể giảm tỷ lệ thất nghiệp 1%.
- Chi tiêu tiêu dùng sẽ tăng 2,5% trong năm 2011, cao hơn chút ít so với mức tăng mà các nhà kinh tế dự báo cho năm nay. Tuy nhiên, con số này sẽ phải cao gấp 2 lần mức đó mới có thể đủ sức đưa tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống. Cách đây 3 tháng, các chuyên gia vẫn tỏ ra lạc quan hơn về triển vọng kinh tế Mỹ năm 2011. Khi đó, họ dự đoán chi tiêu tiêu dùng sẽ tăng 3%.
- Tỷ lệ lạm phát của Mỹ sẽ chỉ ở mức 1,7% trong năm tới, cao hơn chút ít so với mức 1,2% dự báo cho năm nay và đó là mức lạm phát tối thiểu mà FED cho là cần thiết đối với một nền kinh tế lành mạnh.
- Người dân Mỹ sẽ tiếp tục tăng tiết kiệm và giảm chi tiêu, với tỷ lệ tiết kiệm dự báo vào khoảng 5,4% thu nhập sau thuế trong năm tới. Con số này chỉ thấp hơn chút đỉnh so với mức 5,7% dự báo cho năm 2010 nhưng vẫn cao hơn rất nhiều so với mức -1% trước khi xảy ra khủng hoảng tài chính.
- Riêng về thị trường việc làm, các nhà kinh tế cho rằng tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ sẽ chỉ giảm nhẹ từ mức 9,6% hiện nay xuống 9% vào cuối năm 2011. Trên thực tế, một số chuyên gia hiện cho rằng con số này sẽ không giảm xuống mức bình thường trong lịch sử 5,5-6% cho đến ít nhất là năm 2018, lâu hơn nhiều so với những dự đoán trước đây. Tuần trước, số người nộp đơn xin trợ cấp thấp nghiệp của Mỹ đã giảm xuống mức mức thấp nhất kể từ tháng 7/2010, một dấu hiệu cho thấy thị trường việc làm của Mỹ có thể đang trên đà phục hồi.
Trong đợt khảo sát tiến hành hồi tháng 7/2010, các chuyên gia dự báo tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ sẽ đứng ở mức 8,7% vào cuối năm tới, cao hơn so với dự báo 8,4% của đợt khảo sát trước đó. Nỗi thất vọng của các cử tri về tình trạng thất nghiệp có nguy cơ khiến Đảng Dân chủ mất quyền kiểm soát Hạ viện, và có thể là cả Thượng viện, trong các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào ngày 2/11 tới. Quốc hội mới của Mỹ có thể sẽ không thông qua các chương trình chi tiêu mới nhằm tiếp thêm sinh lực cho nền kinh tế và thị trường việc làm, trong khi Cục Dự trữ Liên bang (FED) cũng đang cạn dần những lựa chọn chính sách.
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế được hỏi ý kiến đã loại trừ khả năng xảy ra suy thoái kép và cho rằng nguy cơ giảm phát là rất xa vời. Chủ tịch FED Ben Bernanke đã bày tỏ lo ngại về tình trạng giảm phát và đây được coi là một lý do sẽ thúc đẩy FED đưa ra một chương trình thu mua trái phiếu mới tại cuộc họp ngày 3/11 tới nhằm đưa lãi suất cho vay giảm xuống, thúc đẩy nhu cầu vay vốn và chi tiêu. Các chuyên gia kinh tế có quan điểm rất khác nhau về việc liệu FED có làm như vậy hay không, trong khi cực lực phản đối việc chính phủ Mỹ tiếp tục triển khai một đợt chi tiêu mới để kích thích tăng trưởng. Theo họ, kinh tế Mỹ đang tăng trưởng ổn định, với tốc độ chỉ thấp hơn dự báo trước đây.
Tuy nhiên, một nửa số chuyên gia được hỏi ý kiến cũng cho rằng nếu biện pháp thu mua trái phiếu của FED làm giảm lãi suất, người dân Mỹ sẽ chi tiêu nhiều hơn, các công ty tuyển dụng lao động nhiều hơn và kích thích tăng trưởng kinh tế. Trong khi đó, 50% còn lại lo ngại rằng việc FED tiếp tục hạ lãi suất có thể châm ngòi cho một đợt lạm phát phi mã hoặc một làn sóng đầu cơ hàng hóa, trái phiếu và các tài sản khác. Lãi suất trái phiếu dài hạn và các khoản vay thế chấp của Mỹ đã giảm mạnh kể từ đầu năm nay, nhưng nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn tỏ ra èo uột. Lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm đã giảm từ 4% xuống 2,6% trong tháng 4/2010 và lãi suất vay thế chấp cố định 30 năm hiện chỉ ở mức 4,23%, cao hơn chút ít so với mức thấp kỷ lục trong nhiều thập kỷ qua.
Các nhà kinh tế được hỏi ý kiến cũng không thống nhất về việc nên làm gì với nền kinh tế Mỹ hiện đang chao đảo. Theo kết quả điều tra, 2/3 số chyên gia được hỏi ý kiến cho rằng Quốc hội Mỹ không nên đưa ra thêm các chương trình chi tiêu để thúc đẩy kinh tế. Một số người lo ngại rằng những biện pháp hỗ trợ như vậy sẽ không thể phát huy hiệu quả, còn những người khác cho rằng việc tăng chi tiêu có thể sẽ phải mất quá nhiều thời gian để đưa nền kinh tế hồi sinh. Bên cạnh đó, có lo ngại rằng việc Chính phủ Mỹ tăng chi tiêu sẽ làm gia tăng thâm hụt ngân sách, vốn đã tăng lên 1.300 tỷ USD. Điều đó có nghĩa là Oasinhtơn sẽ phải đi vay 0,37 USD cho mỗi USD mà nước này chi tiêu. Chính phủ Mỹ dự báo, thâm hụt ngân sách sẽ tăng lên 1.400 tỷ USD trong năm tới và tổng cộng 8.470 tỷ USD trong thập kỷ tới.
Ngay cả những người Mỹ vẫn đang có việc làm cũng không dám tiêu xài thoải mái như trước đây. Ông Albert Niemi, Hiệu trưởng Trường Kinh doanh Cox thuộc Southern Methodist University, cho biết: "Giá trị tài sản của các gia đình Mỹ đã bị bốc hơi 14.000 tỷ USD trong cuộc suy thoái vừa qua. Điều này, cùng với việc nguồn tín dụng bị thắt chặt, sẽ gây áp lực lên chi tiêu tiêu dùng trong nhiều năm tới".
Nguồn: AP