Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD), ngày 18/01, đã thông báo cho biết sau một năm hồi phục mong manh và không đồng đều, tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới đã bắt đầu chậm lại từ giữa năm 2010 và sẽ tiếp tục chậm lại liên tục trong hai năm 2011 và 2012.
Theo báo cáo "Tình hình và triển vọng kinh tế thế giới 2011" (WESP 2011), do 7 cơ quan kinh tế của Liên hợp quốc (LHQ), gồm Vụ Kinh tế xã hội LHQ (DESA), Hội nghị LHQ về thương mại và phát triển (UNCTAD) và 5 Ủy ban kinh tế-xã hội LHQ ở 5 khu vực trên toàn cầu nghiên cứu và công bố, Tổng sản phẩm thế giới thuần (GDP) sẽ tăng lên 3,1% trong năm 2011 và 3,5% trong năm 2012.
Tuy nhiên, quá trình phục hồi kinh tế thế giới lại có thể gặp những trở ngại, thậm chí, nền kinh tế của một số quốc gia phát triển có thể rơi vào suy thoái và tốc độ tăng trưởng của các quốc gia đang phát triển cũng sẽ chậm lại trong hai năm 2011 và 2012. Báo cáo nhấn mạnh: Sự yếu kém của các nền kinh tế phát triển lớn sẽ trở thành rào cản quá trình phục hồi của thế giới và có nguy cơ đe dọa sự ổn định kinh tế thế giới trong những năm tới.
Báo cáo cho rằng ngoài khả năng tạo việc làm yếu, đặc biệt ở các nền kinh tế phát triển, biến động trên các thị trường tiền tệ cũng đang tạo ra những bất ổn kinh tế vĩ mô mới đe doạ làm phương hại hơn nữa quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu.
Theo đó, trong số các nước phát triển, Mỹ có nguy cơ ngày càng lún sâu hơn và dài hơn vào suy thoái kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai và có thể rơi vào tình trạng suy thoái kép trong năm 2011.
Bên cạnh đó, nguy cơ về một "cuộc chiến" tiền tệ đã hiện hữu do các nước không phối hợp chính sách mở rộng tiền tệ. Hành động in tiền ồ ạt ở Mỹ đã gây sức ép lên đồng đô-la Mỹ, gây chấn động các thị trường tiền tệ thế giới, khiến đồng ơ-rô và đồng yên Nhật tăng giá so với đồng đô-la Mỹ, buộc các nước khu vực đồng tiền này phải can thiệp làm căng thẳng tăng cao, gây hỗn loạn trên các thị trường tiền tệ và thương mại quốc tế, đẩy lùi quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu.
Thêm vào đó, mặc dù mức GDP sẽ dần quay trở lại mức đỉnh điểm của thời kỳ trước khủng hoảng vào năm 2011 song mức độ tăng trưởng trong nhiều quốc gia châu Âu sẽ vẫn rất yếu. Tăng trưởng tại Nhật Bản cũng có thể không mấy khả quan.
Về phía các nước đang phát triển và các nền kinh tế chuyển đổi, tốc độ tăng trưởng khả quan sẽ vẫn tiếp tục hỗ trợ cho quá trình phục hồi của nền kinh tế thế giới nhưng không quá mạnh mẽ trong hai năm 2011 và 2012.
Nguồn: Bloomberg, Xinhua, Euronews