Đang trong mùa xây dựng nhưng lượng thép tiêu thụ lại thấp đến khó tin. Các doanh nghiệp thép điêu đứng vì xuất không xong, trong khi ngân hàng đang gõ cửa đòi nợ.
|
Ông Phạm Chí Cường |
Thừa nhận việc dự báo cung cầu thị trường không chuẩn xác, ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng đây là nguyên nhân quan trọng dẫn tới tình trạng các doanh nghiệp thép rơi vào cảnh “khóc dở, mếu dở” như hiện nay.
+ Một nghịch lý là dù đang trong mùa xây dựng, nhưng lượng tiêu thụ thép hiện nay lại giảm mạnh. Theo ông đâu là nguyên nhân của vấn đề này?
Khó khăn lớn nhất với ngành thép hiện nay là việc đình hoãn các công trình, dự án xây dựng trong mục tiêu kiềm chế lạm phát của chính phủ. Các dự án lớn của nhà nước đều phải rà soát lại, được Nhà nước chấp thuận mới được làm, còn đa phần đều bị cắt giảm, công ty nào cũng bị cắt, Bộ nào cũng bị cắt giảm khá nhiều, đặc biệt là các công trình đang thi công. Đây là nguyên nhân khiến lượng thép tiêu thụ giảm mạnh thời gian qua.
Đây là tháng thứ tư liên tiếp tiêu thụ thép giảm mạnh, tháng 5 chúng ta còn tiêu thụ được 337 ngìn tấn, đến tháng 6 còn hơn 283 nghìn tấn nhưng đến tháng 9 chỉ còn 115 nghìn tấn.
+ Vậy còn tình hình phôi thép như thế nào thưa ông?
Phôi thép cũng không bán được vì doanh nghiệp trong nước không mua, muốn xuất khẩu cũng không xuất khẩu được.
Giai đoạn tháng 7, 8 chúng ta vừa thấy doanh nghiệp xuất khẩu hơn 300 nghìn tấn phôi liền sợ hết phôi trong nước, nên đẩy thuế xuất khẩu lên rất cao. Tháng 6 thuế chuyển từ 0-2% nhưng tới 10/8 thuế đã tăng tiếp 10-20%.
Tôi không rõ vì lý do gì thuế lại tăng tiếp lên 20%, vì tăng đến 10% là doanh nghiệp đã không thể xuất được do giá thép xây dựng cao. Thuế tăng mạnh như vậy làm lượng phôi ứ đọng trong nước rất lớn, hơn nửa triệu tấn phôi không bán được. Các doanh nghiệp sản xuất phôi thiếu tiền thanh toán, nợ nần nhiều, họ gây áp lực lên Hiệp hội đòi giảm thuế xuống 2% hoặc 0%. Chúng tôi cũng đã kiến nghị lên Bộ Công Thương, Bộ thấy tốt nhất là từ nay tới cuối năm, nếu tồn kho dư thừa 400 nghìn tấn và tiêu thụ ở mức này thì một quý nữa cũng chỉ tiêu thụ hết lượng tồn kho.
Số phôi tồn nửa triệu tấn hoàn toàn đủ sức cung ứng cho sản xuất trong nước. Vấn đề bây giờ phải tìm đường xuất, hạ thuế để DN có thể xuất được. Một tấn thép chênh với giá thế giới 10 USD đã quý, nhưng với mức thuế hiện nay phải chênh tới gần 20 USD, không ai có thể xuất được. Bộ Công Thương đã đề nghị giảm thuế xuống 2% từ cuối tháng 9 nhưng Bộ Tài chính mới chỉ giảm xuống 10%.
|
Dự báo kém, chính sách thuế không linh hoạt khiến ngành thép đang rơi vào cảnh điêu đứng (ảnh minh họa) |
Hiện nay giá nguyên liệu cũng rất cao, tới thời điểm này giá bình quân là 600 USD/tấn thép phế, cộng thêm 200 USD luyện nữa mới ra phôi, bán 800 USD/tấn mới không lỗ. Trong khi phôi thế giới chỉ còn 600 – 630 USD/tấn, nếu xuất DN cũng đã chịu lỗ, nhưng xuất đi sẽ đỡ lỗ hơn là để tồn kho như hiện nay.
Cần giải tỏa khó khăn vốn cho DN thép
+ Ngoài việc giảm thuế, theo ông nên có thêm biện pháp nào để hỗ trợ doanh nghiệp?
Theo tôi, nên giải quyết các hạn mức vay cho DN. Ngân hàng phải cho người ta vay đủ để có tiền thanh toán, nguyên liệu, điện rồi trả lương cho công nhân. Giai đoạn vừa qua, ngoài bí bách khó khăn nguồn hàng thì việc vay vốn ngân hàng cũng rất khó. Nói là lãi suất hạ và thủ tục vay dễ hơn, nhưng thực tế việc vay rất khó vì Ngân hàng thấy thép ế, “ngại” cho vay do sợ rủi ro cao.
Để giải quyết khó khăn cho DN, Hiệp hội khuyến nghị ba điểm:
Thứ nhất, phải đẩy mạnh xúc tiến thương mại để xuất khẩu, nếu chỉ tiêu thụ trong nước mà chậm như hiện nay là doanh nghiệp chết. Mà muốn xuất khẩu được phải có chính sách uyển chuyển, thấy dư thừa thì nên hạ thuế, Hiệp hội đề nghị mức giảm thuế là 20%.
Thứ hai, cần tiếp tục cải tiến, giải tỏa vốn vay cho các DN thép. Theo chỗ tôi biết, nhiều DN thiếu tiền điện phải vay chợ đen hàng tỷ đồng để trả.
Thứ ba, Nhà nước nên triển khai nhanh các công trình đầu tư, giải ngân dự án để DN có thể mua thép. Hiện Bộ Xây dựng cho phép DN được điều chỉnh giá, duyệt dự toán theo giá mới nhưng thực tế phương án giá mới rất chậm triển khai trong khi giá biến động rất nhanh.
+ Theo ông, việc dự báo không chuẩn xác của Hiệp hội và doanh nghiệp có phải nguyên nhân dẫn đến khó khăn của DN hiện nay?
Đúng là việc dự báo đã không toàn toàn chuẩn xác. Có giai đoạn giá phôi thép thậm chí cao hơn cả giá thép thành phẩm đã dẫn đến hiện tượng xuất ngược phôi, điều chưa từng có ở Việt Nam. Vì lo không đủ phôi sản xuất trong nước, nên Tổng công ty Thép đã vội kiến nghị tăng thuế xuất khẩu phôi lên tới 30-40%.
Một yếu tố không lường được nữa là kinh tế thế giới xuống dốc quá nhanh, giá thép cũng tụt giảm nhanh. Trong khi đó Việt Nam lại điều chỉnh tăng trưởng, hạn chế đầu tư nên nhu cầu thép cũng giảm mạnh.
Năm ngoái giá thép trong nước tăng liên tục và đứng ở mức rất cao (khoảng 19 triệu đồng/tấn). Nhiều tạp chí trên thế giới đã đặt câu hỏi lượng thép tiêu thụ có thực cao như thế không?
Thực tế là tăng trưởng ấy chỉ mang tính bề nổi. Các DN trong nước thấy giá thép thế giới lên cao, thép trong nước cũng rất hứa hẹn, lãi suất vay ngân hàng thấp, thủ tục vay lại đơn giản nên mua số lượng lớn thép. Nhưng lượng thép ấy không được tiêu thụ trên thị trường hoặc đi vào các công trình xây dựng mà lại nằm im trong kho thương mại, chưa kể các DN còn tích trữ phôi với số lượng lớn.
Tổng hợp 9 tháng, tổng sản xuất của Hiệp hội chưa đến mức thấp, vẫn có tăng trưởng nhưng tăng trưởng với mức tăng thấp.
+ Theo ông, tiêu thụ thép trong ba tháng cuối năm liệu có được cải thiện?
Hiện nay phôi gần như không giao dịch, nếu có cũng chỉ là nhập hợp đồng cũ. Thép cây, thép cuộn hiện bán khoảng 14 triệu đồng/tấn. Trước đó hồi tháng 7 chúng ta bán 17 triệu đồng/tấn thép cây với giá phôi nhập xấp xỉ 1.100 USD/tấn, nhưng hiện nay giá phôi chỉ còn 600 triệu USD/tấn, DN bán thép chịu lỗ rất lớn. Bao nhiêu lãi đầu năm đã phải bù hết cho đợt lỗ này.
Tôi nghĩ tiêu thụ thép từ giờ tới cuối năm sẽ không cao do đầu tư tiếp tục giảm. Lượng thép tiêu thụ tới nay là 2,3 triệu tấn, cộng thêm 500 nghìn tấn dự đoán và 600 nghìn tấn ngoài hiệp hội, cả năm lượng tiêu thụ khoảng 3,2 triệu tấn, thấp hơn năm ngoái.
Tuy nhiên, giá thép sẽ ổn định, không tăng, giá phôi cũng sẽ không tăng đột biến, mức giá phôi như hiện nay có thể đã là đáy. Xu hướng chung ở các nước là lượng tiêu thụ đều giảm, đặc biệt khi kinh tế Mỹ dự báo khó phục hồi.
Người tiêu dùng đang “lời” 5 triệu đồng/tấn thép
+ Giá thép như hiện nay người tiêu dùng được lợi bao nhiêu, thưa ông?
Người tiêu dùng mỗi tấn thép rẻ được 5 triệu đồng, quay lại thời điểm quý IV/2007. Mức giá hiện nay rất có lợi cho người tiêu dùng, nhưng DN thép rất khổ, bởi giá thép không bù đắp được lãi suất ngân hàng phải gánh.
Nếu lạm phát giảm xuống dưới hai con số, tiêu thụ thép có thể sẽ trở lại bình thường. Nhưng nếu lạm phát vẫn ở mức cao sẽ ảnh hưởng đến tiêu thụ thép trong cả năm 2009 nữa.
+ Xin cảm ơn ông!
Hiện nay mỗi tấn thép sản xuất cần tiêu thụ hết khoảng 500 kwh. Giá điện tăng sẽ ảnh hưởng dến sản xuất và giá đầu ra của thép, vì điện hiện chiếm 10% giá thành sản phẩm thép. Nhưng do chưa có phương án tăng chính thức nên chúng tôi chưa tính toán được cụ thể ảnh hưởng tới ngành thép như thế nào. (Ông Phạm Chí Cường) |
Toquoc