-CTCK Sacombank - SBS vừa đưa ra những phân tích và dự báo rất đáng chú ý về 3 ngành quan trọng là thép, dược và sữa.
Ngành thép - rủi ro cao
Diễn biến chậm của ngành trong quý 2 gây khó khăn cho tiến độ thực hiện kế hoạch kinh doanh được các công ty thép đưa ra tại thời điểm đại hội cổ đông khi mà hầu hết các dự báo đều cho rằng giá thép sẽ tiếp tục giữ ở mức cao cho đến hết quý 2. Sự bất thường của ngành thép có thể khiến lợi nhuận các doanh nghiệp mất đi 1 quý so với đánh giá đầu năm.
Dựa trên tình hình hiện tại thì một số công ty đưa ra kế hoạch thận trọng vẫn có khả năng hoàn thành cao như SMC, POM trong khi các doanh nghiệp khác có thể khó khăn hơn.
Xu hướng khó dự báo dẫn đến việc đầu tư doanh nghiệp ngành thép hiện có mức độ rủi ro cao. Giá cổ phiếu các công ty thép đang thể hiện mối tương quan cao đối với giá bán thép trên thị trường, do đó đây là yếu tố nhà đầu tư có thể theo dõi như một chỉ báo đầu tư đối với cổ phiếu ngành thép. Triển vọng đầu tư ngắn hạn hiện tại kém khả quan và thời điểm có thể xem xét lại là đầu quý 4.
Bên cạnh đó, như đã trình bày trên, diễn biến giá bán thép cần được theo dõi thường xuyên như một chỉ báo với khả năng phục hồi bền vững sẽ khuyến khích đầu tư ngắn hạn vào ngành này.
Ngành sữa (VNM) - tiềm năng đầu tư vẫn còn
Theo báo cáo cập nhật VNM được thực hiện đầu tháng 04/2010, dự báo tăng trưởng của VNM trong 2010 xấp xỉ 35 – 37% trong đó tăng trưởng sản lượng 25 – 27%. Sự gia tăng giá nguyên liệu thời gian gần đây (khoảng 6 - 10%) vẫn chưa tác động đến kết quả kinh doanh quý 2, trong khi với vị thế dẫn đầu ngành và chi phối, VNM có thể tiếp tục điều chỉnh tăng giá bán sữa (theo tình hình chung của thị trường) nhằm duy trì biên lợi nhuận.
Hiện tại, thị giá VNM vẫn nằm dưới mức mục tiêu cho thấy cơ hội cũng như tiềm năng đầu tư vẫn còn. Chỉ số Beta thấp hơn thị trường cho thấy đây là cổ phiếu có tính phòng vệ tốt trong khi tốc độ tăng trưởng vẫn rất cạnh tranh so với nhiều ngành khác. Đây vẫn là cổ phiếu tốt cho mục tiêu đầu tư cả ngắn hạn và dài hạn
Ngành dược – Không có những biến động đáng kể trong quý 2
Chỉ số giá thuốc và dịch vụ y tế tăng nhẹ 1.84% trong 6 tháng đầu năm và bình quân 3.2% so với trung bình 6tháng 2009. Do sự ổn định của giá thuốc, tăng trưởng kết quả kinh doanh các doanh nghiệp dược trong quý 2 chủ yếu đến từ sản lượng trong đó, lượng sản phẩm bán ra thường lớn hơn quý 1 (do thời gian hoạt động của quý 1 ít hơn).
Dự báo mức tăng trưởng trung bình có thể đạt từ 10 – 15% so với quý 1, tương ứng mức tăng về doanh thu và lợi nhuận. Một số doanh nghiệp có thể chênh lệch do vấn đề hạch toán.
Chỉ số PE ngành hiện khá thấp, trung bình 8 lần (ngoại trừ DHG và DVD khoảng 10 lần) trong khi hoạt động kinh doanh ổn định với tốc độ tăng trưởng dự báo 15%/năm cho thấy việc đầu tư dài hạn ngành dược khá tốt.
Tuy nhiên, lượng cổ phiếu giao dịch tự do trên thị trường chiếm tỷ trọng nhỏ dẫn đến thanh khoản thấp tiếp tục là yếu tố hạn chế đối với việc đầu tư cổ phiếu nhóm ngành này, đặc biệt là hoạt động đầu tư ngắn hạn.
Nhà đầu tư vẫn có thể cân nhắc ở những cổ phiếu có thanh khoản tốt và những cổ phiếu PE thấp (dưới 8 lần, thể hiện mức chiết khấu thanh khoản cao hơn cần thiết).
(APT)