Nhiều chuyên gia dự báo lạm phát năm 2017 có thể vẫn đạt kế hoạch nhưng không mấy người lạc quan về khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng GDP.
Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng GDP năm 2017 của Việt Nam đạt 6,3%. Ảnh: Lê Tiên
Triển vọng trung hạn của Việt Nam được nhìn nhận là tích cực, tuy nhiên vẫn còn nhiều rủi ro trong và ngoài nước, đòi hỏi tiếp tục phải đẩy mạnh tái cơ cấu nhằm hỗ trợ cho mô hình tăng trưởng dựa vào năng suất.
GDP khó đạt mục tiêu
Nhìn lại năm 2016, báo cáo vừa được công bố của Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá, tăng trưởng kinh tế được duy trì với mức lạm phát vừa phải và tình hình kinh tế đối ngoại đang vững lên. Mặc dù môi trường kinh tế đối ngoại không thuận lợi, nhưng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng trưởng cao hơn hầu hết các đối thủ cạnh tranh trong khu vực. Tăng trưởng xuất khẩu, kết hợp với nhập khẩu chững lại khiến cho thặng dư tài khoản vãng lai tăng từ 0,5% GDP năm 2015 lên hơn 3% năm 2016.
WB cũng nhận định, tỷ giá năm qua tương đối ổn định. Tuy nhiên, bối cảnh đồng Việt Nam tăng giá thực và khả năng ảnh hưởng tiêu cực của nó đến năng lực cạnh tranh xuất khẩu của Việt Nam đang và sẽ là một quan ngại.
Về tình hình kinh tế năm 2017, WB dự báo tăng trưởng GDP sẽ chỉ đạt 6,3%, năm 2018 và 2019 đạt 6,4%.
Dự báo GDP không đạt mục tiêu cũng đã được nhiều chuyên gia, tổ chức đưa ra trong thời gian gần đây. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu đánh giá tăng trưởng GDP ở mức 6,3% là phù hợp; còn nhóm nghiên cứu của Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) mới đây cũng điều chỉnh dự báo tăng trưởng xuống còn 6,4 - 6,5%.
Tuy năm 2017 khó đạt mục tiêu tăng trưởng GDP, nhưng WB nhận định, triển vọng của kinh tế Việt Nam trong trung hạn vẫn tích cực. Tuy nhiên, không ít rủi ro cũ vẫn được cảnh báo: Nhìn từ trong nước, chậm trễ trong triển khai cải cách ngân sách và chuyển đổi cơ cấu có thể làm tăng nguy cơ dễ tổn thương về kinh tế vĩ mô và giảm tốc độ tăng trưởng tiềm năng. Nhìn từ bên ngoài, kinh tế thế giới biến động mạnh có thể tác động qua các kênh thương mại và đầu tư, khiến cho triển vọng tăng trưởng của Việt Nam ảm đạm hơn. Tâm lý bảo hộ và những rủi ro liên quan đến các biện pháp bảo hộ ở các nền kinh tế lớn cũng là những rủi ro lớn cho nền kinh tế đã rất mở của Việt Nam.
Lạm phát có khả năng không vượt 4%
Theo BVSC, chỉ số giá tiêu dùng bình quân quý I năm nay tăng 4,96% so với bình quân cùng kỳ năm trước, cao hơn nhiều so với cùng kỳ 2 năm gần đây. Nguyên nhân chủ yếu do các địa phương tiếp tục điều chỉnh giá dịch vụ y tế và giáo dục theo lộ trình; quý đầu năm trùng với Tết Nguyên đán nên nhu cầu về lương thực, thực phẩm tăng lên, đóng góp 0,36% vào mức tăng CPI chung; giá nhiên liệu trên thị trường thế giới tăng mạnh, khiến giá xăng dầu bình quân quý I tăng 34,92% so với cùng kỳ năm ngoái, đóng góp 1,45% vào mức tăng CPI chung.
Như vậy, chỉ số lạm phát toàn phần tăng mạnh chủ yếu do ảnh hưởng của nhóm hàng lương thực thực phẩm, nhóm giao thông và các mặt hàng do Nhà nước quản lý giá. Nếu loại trừ các nhóm hàng này ra thì chỉ số lạm phát cơ bản bình quân 3 tháng đầu năm 2017 có mức tăng không quá lớn (chỉ 1,66%).
BVSC nhận định, diễn biến lạm phát trong các tháng tới sẽ không gặp quá nhiều rủi ro. Cơ sở cho nhận định này là lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế về cơ bản đã hoàn thành bước 2, ước tính đến thời điểm này chỉ còn 5 trên 63 tỉnh thành chưa thực hiện điều chỉnh xong. Mức ảnh hưởng còn lại của lộ trình tăng giá dịch vụ y tế trong các tháng tới sẽ không lớn. Nhóm giáo dục cũng chỉ khiến chỉ số CPI chung mỗi năm tăng thêm khoảng 0,3% từ nay đến năm 2021, là mức tăng nhỏ, khó gây đột biến đến chỉ số lạm phát chung.
Bên cạnh đó, giá dầu dự báo sẽ ổn định quanh mức 50 USD/thùng trong thời gian tới. Hiện có nhiều căn cứ để dự báo giá dầu sẽ còn điều chỉnh về mức thấp hơn, và áp lực tăng giá xăng dầu trong nước sẽ giảm bớt, giá nhóm hàng giao thông sẽ tránh được mức tăng đột biến.
Ngoài ra, tình hình thời tiết 2017 có thể bớt cực đoan hơn năm 2016 giúp nguồn cung lương thực thực phẩm được đảm bảo, giúp ổn định mặt bằng giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống. BVSC giữ nguyên dự báo lạm phát bình quân cho cả năm 2017 dao động ở mức 3 - 4%.
WB dự báo lạm phát trung bình cả năm 2017 là 4%, và trong 2 năm tiếp theo vẫn giữ nguyên tốc độ này.
Nguồn tin: Đấu thầu