Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Dự báo xu hướng thị trường thép Trung Quốc năm 2018 (phần 2)

 

             Thị trường thép Trung Quốc biến động trong nửa đầu năm nay, chủ yếu do sự chi phối của tâm lý thị trường thay đổi trước chính sách thuế quan Mỹ và nhu cầu tiêu thụ chậm cả trong và ngoài nước. Chính sách giảm sản xuất chống khói bụi được Chính phủ triển khai ở khu vực phía bắc (15/11/2017-15/3/2018) đã không tác động nhiều tới nguồn cung trong nước trong khi nhu cầu tiêu thụ chậm tăng trưởng so với mọi năm dẫn tới giá cả thoái lui sau tết. Tuy nhiên, biến động giá không mạnh và nhu cầu tiêu thụ khởi sắc vào mùa xuân đã giúp giá dần tăng trưởng trở lại.

 

Tổng kết thị trường nửa đầu năm 2018

           Giá cả tăng trưởng những tháng đầu năm, chủ yếu nhờ tâm lý thị trường lạc quan trước các kiểm soát nguồn cung của Chính phủ và niềm tin sức mua phục hồi sau tết. Chính quyền Bắc Kinh đã áp dụng chính sách cắt giảm sản xuất ở khu vực phía bắc trong mùa đông từ cuối năm trước tới gần cuối tháng 3 năm nay, với vài thành phố như Đường Sơn, Hàm Đan tuyên bố tiếp tục mở rộng thời hạn cắt giảm ra tới cuối năm. Điều này củng cố tâm lý thị trường, tạo điều kiện cho các nhà đầu cơ đẩy giá tăng.

          Bên cạnh đó, sức mua cũng tăng trưởng những tuần trước tết (15/2) giúp giá trong nước tăng, tạo cơ hội cho các nhà máy và thương nhân xuất khẩu tăng giá chào bán lên quanh mức 600 USD/tấn FOB và giữ mức này sau tết với niềm tin rằng sức mua sẽ tiếp tục phục hồi. Tuy nhiên, sự phục hồi này diễn ra chậm hơn những năm trước. Thị trường ì ạch sau tết do giá chào bán cao không thu hút người mua và phần lớn đã có đủ hàng dự trữ khiến người mua ngoài nước xa lánh, buộc các nhà máy phải giảm giá chào bán trở lại về mức đầu năm.

        Căng thẳng thương mại Trung Quốc-Mỹ cũng bị đẩy lên cao sau khi Mỹ áp dụng thuế quan 25% cho các nước nhập khẩu, mà mục tiêu chính là Trung Quốc với các cáo buộc về việc nước này tuồn quá mức thép xuất khẩu sang các nước khác làm giá thép toàn cầu suy yếu. Tâm lý thị trường cũng bị áp lực, bất ổn, người mua xa lánh và gây sức ép cho các nhà máy.

      Bước vào các tháng cao điểm của ngành xây dựng (tháng 4-tháng 5), nhu cầu tiêu thụ bắt đầu tăng trưởng trở lại song còn chậm. Tiêu thụ thép trong tháng 4-tháng 5 tốt nhờ điều kiện thời tiết ấm dần lên, và là mùa khởi công của các dự án xây dựng, cơ sở hạ tầng giúp tâm lý thị trường cải thiện. Tồn kho thép giảm đều qua các tuần kể từ cuối tháng 3. Tính tới cuối tháng 4, dự trữ sản phẩm thép cây của các thương nhân Trung Quốc giảm tuần thứ 6 liên tiếp xuống còn 7.13 triệu tấn từ mức cao nhất 5 năm gần 10 triệu tấn vào giữa tháng 3.

         Trong ngày 17/4, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) thông báo sẽ cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) xuống 1% đối với nhiều ngân hàng thương mại và ngân hàng nước ngoài. Mục tiêu của quyết định này là nhằm khuyến khích các ngân hàng thương mại tài trợ và hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp. Ông Xu Bo, chuyên gia phân tích tại Haitong Futures nhận định "Việc cắt giảm RRR sẽ giúp giảm áp lực lên thị trường vốn và nhà đầu tư lạc quan hơn về kinh tế vĩ mô".           

           Chỉ số quản lý sức mua của ngành thép Trung Quốc (PMI) trong tháng 4 cũng hồi phục 1.1 điểm cơ bản so với tháng 3 lên 51.7 điểm, theo CSLPC. Chỉ số này trên 50 điểm trong tháng thứ hai liên tiếp. Theo đó, giá giao kỳ hạn tăng liên tục, với hợp đồng thép cây kỳ hạn tháng 10 trên sàn SHFE đã tăng lên mức cao 2 tháng là 3.733 NDT (586 USD)/tấn, mức cao nhất kể từ ngày 7/3.



  Chỉ số tâm lý thị trường thép (trong 100 điểm)    Nguồn: tradingeconomics.com 

 

          Giá giao kỳ hạn tăng hỗ trợ giá giao ngay trong nước tăng, với giá thép cây giao ngay tăng lên 4.060-4.080 NDT/tấn trong khi HRC đạt mức 4.200 NDT/tấn xuất xưởng có thuế, tương tự mức đầu năm. Nhận thấy thị trường nội địa Trung Quốc tăng trưởng, các khách hàng ngoài nước cũng dần trở lại chào mua với giá dự thầu tăng, giúp nhà máy xuất khẩu tăng giá chào bán. Chào giá thép cây đạt mức 560 USD/tấn FOB còn HRC thương phẩm từ 600-610 USD/tấn FOB giao tháng 6.

         Như vậy, dù giá cả trải qua biến động liên tục trong nửa đầu năm song biên độ dao động không cao, nhờ các yếu tố thị trường khá cân bằng. 

Triển vọng thị trường nửa cuối năm 2018

Nhân tố thuận lợi cho thị trường thép

           Trung Quốc vẫn đang trong tiến trình tái cơ cấu ngành thép cho tới năm 2020 theo mục tiêu đề ra hồi năm 2016. Đây cũng là nhiệm kỳ đầu tiên của Chính quyền mới sau Đại Hội Đảng lần thứ 19 nên Chính phủ sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng đầu tư cho việc xây dựng hạ tầng cơ sở với các dự án được khởi công từ mùa xuân, thúc đẩy tiêu thụ thép.

        Trung Quốc tiếp tục chú trọng tới vấn đề giải quyết ô nhiễm môi trường từ ngành sản xuất cũng như giải quyết nguồn cung dư thừa trong nước trong năm 2018. Sau khi hoàn thành chính sách giảm sản xuất mùa đông (15/11/2017-15/3/2018), cũng trong tháng 3, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã tuyên bố Trung Quốc sẽ tiếp tục cắt giảm 30 triệu tấn thép trong năm 2018 sau khi đã giảm tới gần 120 triệu tấn trong 2 năm vừa qua, hoàn thành mục tiêu cắt giảm 150 tấn thép sớm trước thời hạn. Thị trường Trung Quốc chủ yếu chịu áp lực nguồn cung khiến giá suy yếu những năm gần đây nên việc giảm tải nguồn cung sẽ là động lực cho thị trường thép tăng trưởng.

        Bên cạnh đó, việc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) thông báo cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) xuống 1% đối với nhiều ngân hàng thương mại và ngân hàng nước ngoài hồi tháng 4 là sự khuyến khích cho các doanh nghiệp nhỏ, giảm áp lực lên thị trường vốn và nhà đầu tư lạc quan hơn về kinh tế vĩ mô, hỗ trợ giá thép giao kỳ hạn tăng.

Nhân tố bất lợi cho thị trường thép

          Trong năm 2017, Trung Quốc đã đạt được một số tiến triển trong việc ứng phó tình trạng nợ tăng mạnh. Dù vậy, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hồi tháng 10/2017 cảnh báo nợ của Trung Quốc tiếp tục tăng với tốc độ nguy hiểm và mới đây cho rằng các ngân hàng Trung Quốc cần tăng vốn để phòng tránh những rủi ro liên quan tới vấn đề nợ.

         Theo ước tính trung bình của các chuyên gia kinh tế do Bloomberg khảo sát, đầu tư vào tài sản cố định của Trung Quốc thuộc lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng sẽ tăng trưởng 12% trong năm 2018, giảm so với mức gần 20% trong 10 tháng năm 2017. Quan điểm này cho rằng lĩnh vực xây dựng Trung Quốc sẽ bắt đầu đi xuống trong năm tới bởi giới chức Trung Quốc đang thể hiện quyết tâm định hình lại các thị trường tài chính, trong đó tập trung vào việc quản lý nợ. Điều này chặn nguồn tiền đầu tư, cũng như gây khó khăn cho việc huy động vốn phục vụ các dự án. Chính phủ sẽ có các biện pháp kiềm chế giá nhà đất tăng cao và những nỗ lực để đối phó với rủi ro nợ ngày càng lớn của Chính phủ Trung Quốc. Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có thể sẽ chậm lại khi thị trường bất động sản giảm nhiệt. Theo đó, tiêu thụ thép xây dựng suy yếu và gây sức ép cho giá. Tuy nhiên, sẽ không quá tồi tệ đến mức thành khủng hoảng.

         Chính sách cắt giảm sản xuất trong mùa đông hầu như không tác động nhiều tới nguồn cung. Trong khi đó, sản lượng thép đã bắt đầu tăng lại kể từ tháng 3. So sánh sản lượng thép gang và thép thô tháng 3 năm ngoái (trước mùa đông), xuất hiện khoảng 1.13 triệu tấn sản lượng thép thô trong tháng 3 được tạo ra chủ yếu bằng lò hồ quang điện mới hoặc các lò cảm ứng tái hoạt động. Điều này cho thấy yếu tố lợi nhuận và sự kiểm soát chưa chặt đang dẫn tới sự tái hoạt động của các lò cảm ứng bất hợp pháp. Các nhà máy còn lại cũng đang tăng sản xuất để kiếm lời khi giá cả tăng mạnh, tiếp tục làm nguồn cung và tồn kho gia tăng, gây áp lực cho giá.

            Lợi nhuận thu được của các nhà máy trong các tháng đầu năm cao. Đây cũng là lý do có thể dẫn tới giá suy yếu trong Q3. Lợi nhuận thu được của các nhà máy thép cây và HRC là 160 USD/tấn và 163 USD/tấn. Lợi nhuận cao cho phép các nhà máy giảm giá để kích cầu khi tiêu thụ rơi vào mùa thấp điểm (tháng 6-tháng 8).

Sản lượng thép thô tại các nhà máy CISA trong giai đoạn 10 ngày giữa tháng chạm mức cao thứ hai nhất từ trước tới nay, trung bình 1.911 triệu tấn/ngày. Mức cao trước đó là 1.917 triệu tấn/ngày giữa tháng 8/2017. Sản lượng hàng ngày giữa tháng 4 tăng 1.9% so với 10 ngày đầu tháng và tăng 3.3% so với cùng kỳ năm ngoái.

         Chính sách thuế quan 25% Mỹ cho thép Trung Quốc và các nước Châu Á khác đang âm ỉ bùng nổ cuộc chiến thương mại toàn cầu, làm tăng tính cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu do phải tìm đầu ra thay thế cho Mỹ trong khi EU cũng đang tìm kiếm các biện pháp tự vệ cho thép nhập khẩu. Tuy vậy, theo đánh giá thì những biện pháp trừng phạt của Mỹ nhắm trực tiếp vào thép Trung Quốc còn rất ít. Bởi trước đó, Mỹ đã áp dụng một loạt biện pháp hạn chế thương mại đối với thép Trung Quốc dẫn tới chỉ 1.18 triệu tấn thép của Trung Quốc được nhập khẩu trực tiếp vào Mỹ năm ngoái, còn lại được nhập khẩu gián tiếp qua các nước khác. 

         Thị trường Châu Á ngày càng thu hút những nhà sản xuất  khác có giá cả cạnh tranh hơn. Trong năm 2017 đánh dấu sự trở lại của xuất khẩu thép Ấn Độ tới Châu Á cũng như các nhà máy Ả Rập Saudi đã bắt đầu có các chuyến viếng thăm tới đây để sẵn sàng chào bán.  Việc giữ giá chào ở mức quá cao có thể khiến các nhà máy Trung Quốc mất dần thị phần tại khu vực.    

 

Triển vọng giá thép nửa cuối năm 2018

       Thị trường thép Trung Quốc nửa cuối năm dự báo sẽ tiếp tục biến động do nhu cầu tiêu thụ thép diễn ra bất ổn trong khi giá cả giảm nhẹ vì lĩnh vực xây dựng giảm tốc tác động tới giá nguyên vật liệu xây dựng.

      Áp lực sản lượng gia tăng trong nửa cuối năm do các nhà máy tăng sản xuất từ mùa xuân với mục đích kiếm lời khi giá cả phục hồi. Trong khi đó, tiêu thụ suy yếu trong các tháng hè (tháng 6-tháng 8) do yếu tố mùa vụ nắng nóng, mưa nhiều, không có nhiều công trình được xây dựng. Tiêu thụ thấp dẫn tới tồn kho thép gia tăng, song vì yếu tố lợi nhuận nên các nhà máy sẽ không chịu giảm giá nhiều, chỉ khoảng 10-15 USD/tấn xuống 560-570 USD/tấn FOB.

        Càng về cuối năm, Chính quyền Bắc Kinh sẽ kiểm soát nghiêm ngặt hơn về giảm tải ô nhiễm không khí sau khi kết quả thu được trong nửa đầu năm từ chính sách chống khói bụi không đạt hiệu quả. Theo đó, các dự án xây dựng sẽ tiếp tục bị kiểm soát, giảm nhu cầu tiêu thụ thép. Thời tiết lạnh về mùa đông cũng là nguyên nhân cản trở hoạt động xây dựng. Tuy nhiên, đồng thời với tiêu thụ suy yếu thì nguồn cung thép cũng giảm lại theo mục tiêu cắt bỏ thêm 30 triệu tấn của Chính quyền Bắc Kinh sau khi sản lượng có sự gia tăng trong nửa đầu năm.

        Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang chú trọng tới chính sách "ngoại giao đường sắt" vì gặp vấn nạn sản xuất thừa. Đường sắt trở thành một bộ phận quan trọng trong ngoại giao Trung Quốc sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra và quyết thực thi kế hoạch tham vọng "Vành đai-Con đường" năm 2013. Liên doanh China Railway Corp của Trung Quốc đang nhắm tới dự án đường sắt cao tốc Kuala Lumpur - Singapore dài 350km. Kết quả đấu thầu sẽ được công bố vào cuối năm 2018. Khi đó, tâm lý thị trường sẽ được hỗ trợ để giữ giá. Do đó, dự báo giá các tháng cuối năm biến động nhưng không thay đổi nhiều so với Q3, tầm 560-570 USD/tấn FOB.    

 

Sản lượng thép thô

       Sản lượng thép thô Trung Quốc sẽ tiếp tục ở mức cao trong năm 2018 do nguồn lợi nhuận cao khuyến khích các nhà máy gia tăng công suất để kiếm lời, nhất là sau khi bị hạn chế công suất trong giai đoạn mùa đông 3 tháng đầu năm.

        Sau khi giảm đều ở tháng 1 và tháng 2 thì sản lượng thép đã bắt đầu tăng trở lại từ tháng 3, một phần do sự hoạt động của công suất mới bên cạnh sự tái khởi động các lò cảm ứng bất hợp pháp.

Sản lượng thép thô Trung Quốc giai đoạn tháng 3/2017-tháng 3/2018   Nguồn: tradingeconomics.com

 

Tuy nhiên, với tăng trưởng tiêu thụ thép dự báo chỉ ổn định và chính quyền Trung Quốc xoáy trọng tâm vào vấn đề môi trường, từng bước chuyển đổi nền kinh tế sản xuất sang dịch vụ nên mức gia tăng sản lượng sẽ không đáng kể. Chính quyền Bắc Kinh đã cam kết sẽ cắt giảm thêm 30 triệu tấn thép trong năm nay để hoàn thành mục tiêu cắt giảm 150 triệu tấn trong vòng 3 năm. Do đó, dự báo sản lượng năm 2018 sẽ chỉ tăng vài triệu tấn lên gần 840 triệu tấn so với năm ngoái.

Quặng sắt

     Việc Trung Quốc cắt giảm sản xuất thép trong 3 tháng đầu năm nay đã làm giảm nhu cầu tiêu thụ quặng sắt, trong khi nguồn cung quặng cao đã kéo giá giảm xuống dưới 70 USD/tấn.

       Dù có phục hồi theo giá thép trong giai đoạn mùa xuân song không nhiều do áp lực tồn kho cao tại cảng. Tồn kho quặng sắt tại các cảng ở mức 159.78 triệu tấn tính đến ngày 20/4, gần bằng mức kỷ lục 161.6 triệu tấn hồi cuối tháng 3. Giá quặng 62% Fe giao ngay hiện ở mức 67 USD/tấn, giảm hơn 10 USD/tấn so với đầu năm.

Giá quặng sắt giai đoạn tháng 1/2017-tháng 4/2018     Nguồn: tradingeconomics.com

        Trong nửa cuối năm, giá quặng sắt dự báo tiếp tục biến động theo giá thép trong khi vẫn chịu áp lực từ nguồn cung cao. Sản xuất thép giảm theo sự kiểm soát nguồn cung của Chính phủ, do đó, tiêu thụ quặng cũng hạn chế và giá cả sẽ giảm về gần 60 USD/tấn vào cuối năm.

 

Kết luận: Thị trường thép Trung Quốc nửa cuối năm 2018 dự báo biến động song không nhiều do các yếu tố cung-cầu cân bằng. Tuy nhiên, giá cả sẽ giảm nhẹ so với nửa đầu năm do tính thanh khoản thắt chặt làm nhu cầu tiêu thụ thép giảm. Giá cuối năm vào tầm 560-570 USD/tấn FOB.

Lưu ý:  Dự báo trên chỉ mang tính tham khảo. Quý khách hàng nên tham khảo thêm nhiều nguồn tin khi quyết định mua bán.

 

ĐỌC THÊM