Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Dù đã cải cách, Trung Quốc vẫn mất kiểm soát với ngành than

 Các biện pháp cải cách nguồn cung mà chính phủ Trung Quốc ban hành trong năm 2016 càng khiến ngành than mất kiểm soát hơn.


Trung Quốc vẫn mất kiểm soát với ngành than? (Ảnh: Reuters).

Với loạt chính sách cải cách kinh tế trong vài năm qua, mục đích cuối cùng của chính phủ Trung Quốc là gì? Liệu có phải là để giảm mức nợ công, để củng cố nguồn cung đang còn rất bấp bênh, để cải thiện tình hình an toàn lao động, để giữ gìn trật tự xã hội trong khi vẫn giải quyết được tình trạng đình công hàng loạt, hỗ trợ tăng trưởng khu vực, đảm bảo ổn định giá cả hay giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí tại các khu vực đô thị?

Phần lớn quốc gia phát triển, từ Anh cho tới Nhật Bản, đều đã và đang phải đối mặt với một vài trong những thách thức này. Trung Quốc cũng không phải ngoại lệ.

Trong bối cảnh các lĩnh vực kinh tế ngày càng tăng trưởng mạnh về quy mô và độ phức tạp, và phần lớn nguồn vốn từ chính phủ đều có rủi ro, Trung Quốc lại càng đẩy mạnh nhiều biện pháp nhằm giải quyết những thách thức này. Không may là, các mục tiêu mà chính phủ đề ra lại không đồng nhất với nhau, thậm chí khiến thị trường rối trí hơn.

Điển hình là ngành than.

Năm 2016, Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia Trung Quốc (NDRC) đã triển khai một loạt biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt đối với các mỏ than nội địa, như giảm thời gian khai thác hàng năm xuống còn 276 ngày. Mục đích là, giảm bớt tình trạng dư thừa công suất cũng như cải thiện lợi nhuận của ngành than. Sản lượng than nội địa của Trung Quốc trong năm 2016 theo đó giảm 7,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, thị trường lại phản ứng không như kỳ vọng, khi giá than cốc tăng gấp 4 lần và giá than nhiệt cũng tăng gấp đôi. Việc giá cả không có dấu hiệu giảm trong khi nhu cầu tiêu thụ than trong mùa đông lại rất lớn càng gây áp lực lên NDRC.

Kể từ tháng 11/2016 khi tất cả các mỏ than được phép trở lại khai thác 330 ngày/năm, giá than mới bắt đầu giảm, với giá than cốc giảm 50% và giá than nhiệt giảm 30%. Tuy nhiên, tình trạng tai nạn lao động lại tăng đáng kể.

Rất nhiều ý tưởng đã được đề xuất nhằm cải cách ngành than của Trung Quốc. Trong đó, chính sách 276 ngày có thể được xem là một trong những biện pháp cải cách thành công nhất của Trung Quốc tính đến thời điểm hiện tại.

Thậm chí, chính sách đó đã quá thành công khi giúp ngành than cắt giảm tới 290 triệu tấn sản lượng dư thừa trong năm 2016, vượt mục tiêu hàng năm mà NDRC đã đặt ra là 60 – 250 triệu tấn. Với tốc độ như vậy, con số này có thể tăng lên 800 triệu tấn tính đến năm 2020.

Ngoài điều đó ra thì thành tựu mà ngành than Trung Quốc đạt được trong năm ngoái vẫn còn khá ít trong khi công cuộc cải cách cũng bắt đầu gặp khó khăn. Vì vậy, Trung Quốc cần phải có những ý tưởng mới để giúp ngành than vừa cải thiện được tính cạnh tranh, vừa hiệu quả lại vừa an toàn mà vẫn đạt được một số mục tiêu của chính phủ.

Theo như tiết lộ của một quan chức NDRC, chính sách 276 ngày có thể không còn là trọng tâm của kinh tế Trung Quốc trong năm 2017. Thay vào đó, chính phủ hồi tháng 1 bắt đầu áp sàn giá (470 nhân dân tệ/tấn), trần giá (600 nhân dân tệ/tấn) đối với ngành than. Mức giá hợp lý nhất sẽ là 500 – 575 nhân dân tệ/tấn.

Theo đó, chính phủ sẽ can thiệp nếu giá vượt ra khỏi khoảng hợp lý này và nguồn cung có xu hướng tăng mạnh trở lại tính tới cuối quý II/2017. Chính sách 276 ngày sẽ là biện pháp cuối cùng mà chính phủ Trung Quốc dùng đến nếu các biện pháp khác không có hiệu quả.

Ngay sau thông tin trên, giá than đã tăng trở lại. Vậy, điều gì sẽ xảy ra nếu biện pháp này lại thất bại?

Trên thực tế, khả năng kết nối giữa NDRC và thị trường đã khá mờ nhạt kể từ năm ngoái. Quá trình đề xuất, sửa đổi, thực hiện hay bác bỏ một đề xuất cải cách đều diễn ra rất nhanh chóng. Sẽ chẳng có gì đáng ngạc nhiên nếu chính phủ Trung Quốc sẽ đưa ra một đòn bẩy khác cho ngành than trong năm nay.

Rất có thể đó sẽ là việc sửa đổi hay ngừng giao dịch các chỉ số giá nhằm hạn chế hoạt động đầu cơ, hoặc áp trần sản lượng và số lượng hợp đồng dài hạn được giao dịch trên các sàn nhằm ổn định giá giao ngay trong thị trường nội địa. Xét về nhu cầu, việc giảm nhu cầu đốt nóng, luyện thép và xây dựng tại 28 thành phố lớn cũng sẽ giúp cân bằng thị trường than.

Vậy, nỗ lực cải cách ngành than của Trung Quốc có ý nghĩa gì đối với thị trường quốc tế trong năm 2017?

Theo nhận định từ Financial Times, mỗi khi Trung Quốc “hắt hơi”, cả thế giới giống như bị “cảm lạnh” vậy. Nhu cầu nhập khẩu than của Trung Quốc có thể chỉ chiếm 5% nhưng đây là lại quốc gia kiểm soát tới 20% thị trường vận tải biển quốc tế.

Cụ thể hơn, nhập khẩu than nhiệt năm 2016 của Trung Quốc chỉ tăng 40 triệu tấn trong khi các nước xuất khẩu lớn như Australia, Colombia và Nga lại đang hoạt động ở công suất tối đa. Nguồn cung nội địa tăng sẽ kéo theo nhu cầu nhập khẩu than giảm; và theo dự báo của Financial Times, nhập khẩu than năm 2017 của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ giảm nhẹ.

Cung tăng, cầu giảm sẽ kéo giá than chuẩn tại thị trường châu Á giảm trong cả năm 2017, từ mức 70 – 75 USD/tấn hiện nay. Để được như vậy, NDRC cần phải duy trì chính sách cải cách trên với ngành than cũng như hạn chế nhập khẩu.

Tuy nhiên hiện tại, các yếu tố cơ bản về nhu cầu tiêu thụ cả trong và ngoài Trung Quốc đều không mấy hứa hẹn.

Nguồn tin: Vfpress

ĐỌC THÊM