So với năm 2020, thị trường ngành thép năm 2021 hoạt động khá sôi động, nhất là vào dịp cuối năm.
Ngành công nghiệp thép đã bùng nổ trở lại vào năm 2021 nhờ sự phục hồi mạnh mẽ nhu cầu ở các thị trường hạ nguồn kéo theo đó là giá thép tăng nhanh trong thời gian qua. Triển vọng thị trường ngành thép năm 2022 vẫn tích cực khi kinh tế toàn cầu tiếp tục hồi phục sau đại dịch Covid-19.
So với năm 2020, thị trường ngành thép năm 2021 hoạt động khá sôi động, nhất là vào dịp cuối năm. Theo tìm hiểu, thép xây dựng cuối năm có mức tiêu thụ thấp ở các công trình dân dụng và nhỏ lẻ, tuy nhiên lại có sức mua mạnh ở các dự án và công trình lớn.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan công bố cho thấy, xuất khẩu sắt thép các loại trong tháng 11 giảm so với tháng trước, tuy nhiên tính chung 11 tháng, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đã vượt mốc 10 tỷ USD, tăng tới 130,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Về thị trường xuất khẩu trong 11 tháng qua, sắt thép các loại được các doanh nghiệp xuất khẩu chủ yếu sang các thị trường ASEAN đạt 3,49 triệu tấn, giảm 8%; sang Trung Quốc đạt 2,6 triệu tấn, giảm 20,1%; sang EU đạt 1,71 triệu tấn, tăng gấp 7 lần; sang Hoa Kỳ đạt 916 nghìn tấn, tăng 5 lần so với cùng kỳ năm trước.
Theo đánh giá, giá thép trong nước cũng bị tác động bởi giá thép thế giới. Giá thép thế giới có xu hướng tăng do nhu cầu nhập khẩu của một số nước tăng như Trung Quốc tăng cao và giá thép tại các nước Mỹ hay tại châu Âu tăng khá cao do sự thiếu hụt nguồn cung và do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid. Điều này khiến giá thép dự báo sẽ có xu hướng tăng trong năm tới.
Ngoài ra, khi dịch Covid-19 được kỳ vọng được kiểm soát nhờ độ phủ vaccine sẽ khiến các hoạt động kinh tế diễn ra sôi động hơn. Bên cạnh đó, những tín hiệu tích cực từ động lực đầu tư công và sự phục hồi ngành BĐS trên toàn quốc dự báo trong năm 2022, ngành thép sẽ tiếp tục sôi động hơn với những kỳ vọng về sự tăng giá, sốt nóng của thị trường.
Nguồn tin: Doanh nghiệp hội nhập