Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Đưa giá thép về đúng giá trị thực

Gần đây, tiêu thụ thép trong nước có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, về lâu dài, sức ép cạnh tranh từ hàng nhập khẩu vẫn rất lớn. Liên quan đến vấn đề này, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Toàn- Ủy viên HĐQT Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP (VNSTEEL).

 

VNSTEEL là tổng công ty hàng đầu của ngành Thép, trong đó quản lý nhiều công ty con, công ty liên doanh, liên kết… sản xuất sản phẩm thép. Với bề dày kinh nghiệm, ông đánh giá như nào về thị trường thép cũng như áp lực diễn ra đối với ngành Thép trong nước hiện nay?

Phải khẳng định, sau một thời gian thực hiện chủ trương phát triển của Chính phủ, đến nay ngành Thép Việt Nam đã có sự phát triển đáng kể. Từ chỗ phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, đến nay ngành Thép đã đầu tư tập trung vào thượng nguồn để tự chủ được nguyên liệu đầu vào cho sản xuất thép, đáp ứng đầy đủ nhu cầu trong nước và từng bước xuất khẩu sang các nước trong khu vực.

Tuy nhiên, năm 2015, thị trường thép thế giới có biến động tiêu cực. Đặc biệt, việc dư nguồn cung lớn từ Trung Quốc khiến giá các mặt hàng thép giảm nhanh chóng. Việt Nam và nhiều nước trên thế giới đã phải đối mặt với khối lượng lớn phôi thép, thép giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc. Điều này khiến sản xuất, tiêu thụ trong nước gặp nhiều khó khăn, xuất khẩu sụt giảm nghiêm trọng, đặc biệt là đối với sản phẩm phôi thép.

Cũng trong năm 2015, Trung Quốc theo đuổi chính sách xuất khẩu 112 triệu tấn thép, tăng 19,9% so với năm 2014. Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, năm 2016, sản lượng thép thô của Trung Quốc tiếp tục giảm khoảng 2,9% nhưng vẫn dư thừa hơn so với nhu cầu thực tế. Ngoài ra, Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy chính sách xuất khẩu của mình. Điều này chắc chắn tiếp tục ảnh hưởng xấu tới ngành sản xuất thép của các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam.

Nhằm giảm áp lực cho doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh thép trong nước, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 862/QĐ-BCT về việc “áp thuế tạm thời đối với phôi thép và thép dài nhập khẩu”. Quan điểm của VNSTEEL về vấn đề này như thế nào, thưa ông?

Quyết định áp thuế tự vệ tạm thời đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam của Bộ Công Thương là cần thiết, nhằm khắc phục thiệt hại, ngăn chặn nguy cơ đe dọa của sản phẩm nhập khẩu đến ngành sản xuất thép trong nước. Đây cũng là công cụ hữu hiệu được nhiều quốc gia thường xuyên sử dụng để bảo vệ ngành sản xuất trong nước, không riêng với sản phẩm thép mà với rất nhiều sản phẩm khác.

Quyết định áp thuế bước đầu phát huy tác dụng khi hạn chế được phôi thép và thép xây dựng nhập khẩu ồ ạt vào thị trường Việt Nam, giúp các DN sản xuất giảm bớt áp lực cạnh tranh, giảm sức ép từ thép giá rẻ; đưa giá bán sản phẩm thép về đúng giá trị thực. Môi trường sản xuất, kinh doanh thép tại Việt Nam đang được lành mạnh trở lại, tạo niềm tin cho các DN sản xuất.

Tuy nhiên, quyết định này không thể tránh khỏi mâu thuẫn về lợi ích của các nhóm đối tượng DN khác nhau. Bản thân một số đơn vị thuộc VNSTEEL cũng phát sinh nhiều ý kiến khác nhau khi lợi ích trước mắt của DN là khác nhau. Dù vậy, khi thực thi một chính sách, cần có cách nhìn dài hạn theo đúng định hướng mà Chính phủ đặt ra để phát triển ngành Thép, xét về lâu dài khi thị trường ổn định và được điều tiết bằng quy luật cung cầu.

Quan điểm của VNSTEEL cũng đồng với quan điểm của Hiệp hội thép Việt Nam và Bộ Công Thương về việc bảo vệ sự phát triển của ngành Thép là đi từ “thượng nguồn”. Ở khía cạnh khác, nếu phôi thép, thép giá rẻ tiếp tục được nhập khẩu ồ ạt, sẽ tác động xấu đến sản xuất trong nước. Cụ thể: DN sản xuất thép buộc phải tiết giảm sản xuất, chuyển dần từ chủ động sản xuất sang nhập khẩu nguyên liệu phôi để gia công, thương mại. Kết quả là sản phẩm thép Việt Nam giảm dần thị phần và nghiêm trọng hơn, biến mất khỏi thị trường nội địa, nhường chỗ cho sản phẩm thép nhập khẩu. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ quay lại thời kỳ phụ thuộc chủ yếu vào nguồn nhập khẩu và giá khi đó sẽ do phía nước ngoài điều tiết.

Việc phụ thuộc này gây ra nhiều nguy cơ khó lường cho ngành Thép nói riêng và nền kinh tế nói chung. Vì vậy, xét về tổng thể phát triển của ngành, của lợi ích quốc gia, cần thiết phải có biện pháp để bảo vệ ngành công nghiệp sản xuất thép từ khâu luyện thép.

Thưa ông, cần có giải pháp gì để tạo sự đồng thuận cao giữa các DN thuộc tổng công ty, nâng cao năng lực cạnh tranh trong hội nhập?

Bản thân các DN trong hệ thống VNSTEEL cũng có ý kiến khác nhau về quyết định áp thuế tự vệ tạm thời. Một bên là nhóm các công ty tự luyện phôi để cán thép và một bên nhóm công ty chỉ có dây chuyền cán thép. Các công ty chỉ có dây chuyền cán thép đang sử dụng nhiều lượng phôi nhập khẩu cho sản xuất. Khi chính sách thuế tự vệ áp dụng, nguồn nhập khẩu sẽ bị ảnh hưởng. Do đó, trong thời gian nhất định ảnh hưởng đến chi phí nguyên liệu đầu vào của các công ty cán thép. Vì vậy, việc phản ứng trước quyết định là điều khó tránh khỏi. Kể từ cuối năm 2014, khi nhận thấy nguy cơ phôi thép nhập khẩu có thể sẽ ồ ạt vào thị trường, VNSTEEL đã chủ động xây dựng kế hoạch và chỉ đạo đơn vị thành viên tích cực nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua việc giảm tối đa chi phí nguyên nhiên liệu; tiết kiệm điện năng và giảm tối đa tiêu hao về kỹ thuật để giảm giá thành.

Đặc biệt là sau khi quyết định áp thuế được ban hành, VNSTEEL đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường sản xuất, đặc biệt là phôi thép để cung cấp cho đơn vị sản xuất trong ngành, thay thế hàng nhập khẩu; cố gắng không để xảy ra tình trạng thiếu nguyên liệu sản xuất cũng như sản phẩm trên thị trường, dẫn đến hiện tượng đầu cơ làm thiệt hại cho người tiêu dùng, gây bức xúc dự luận. Điều chỉnh giá bán phù hợp với diễn biến của thị trường, hạn chế tình trạng tăng giá đột biến làm ảnh hưởng tới người tiêu dùng.

Thực tế, thời gian qua, sau khi có quyết định áp thuế tự vệ, các DN trong hệ thống VNSTEEL đã thực hiện tương đối tốt vai trò của mình trong việc cung ứng sản phẩm, kiềm chế tăng giá đột biến trên thị trường. Mặc dù có hiện tượng đầu cơ của một số đơn vị thương mại nhưng thời gian không kéo dài với mức độ biến động nhẹ. Thị trường đã có sự điều chỉnh giảm ngay khi các nhà máy đảm bảo đủ nguồn cung.

Xin cảm ơn ông!

VNSTEEL đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục tiến hành điều tra đối với phôi thép và thép xây dựng nhập khẩu theo đúng trình tự và thủ tục của WTO, từ đó ban hành biện pháp thích hợp, kịp thời bảo vệ ngành sản xuất thép trong nước.

Nguồn tin: Xây dựng

ĐỌC THÊM