Thủ tục và quy trình giao dịch của sàn hàng hoá tương tự như sàn chứng khoán cả về phương thức giao dịch, cơ chế khớp lệnh tự động.
Ngoài thuỷ sản, cà phê đã được đưa lên sàn giao dịch, sắp tới thép sẽ là mặt hàng công nghiệp đầu tiên lên sàn giao dịch hàng hoá Sacombank – STE. Trong giai đoạn thử nghiệm, có khoảng 100 doanh nghiệp đăng ký tham gia.
Theo ông Nguyễn Thế Vinh, chủ tịch HĐQT Sacom–STE, sàn giao dịch Sacombank–STE hướng đến những mặt hàng công nghiệp, hoạt động với sản phẩm giao dịch ban đầu là thép xây dựng và thép công nghiệp, đơn vị giao dịch tối thiểu là năm tấn.
Mua thép như mua chứng khoán
Thủ tục và quy trình giao dịch của sàn hàng hoá tương tự như sàn chứng khoán cả về phương thức giao dịch, cơ chế khớp lệnh tự động. Có hai phương thức giao dịch: khớp lệnh và thoả thuận. Các lệnh chào mua chào bán được đưa lên hệ thống ở sàn hàng hoá theo cơ chế khớp lệnh tự động tương tự ở sàn chứng khoán. Giá tham chiếu là giá đóng cửa của phiên giao dịch gần nhất, biên độ cộng (trừ) 30%.
Do thép công nghiệp chủ yếu là nhập khẩu và thép sản xuất trong nước cũng phải nhập khẩu phôi thép nên giá cả trên sàn chịu ảnh hưởng của thị trường thế giới. Nếu như các sàn thế giới thường chuẩn hoá chất lượng hàng hoá, thì ở sàn hàng hoá do Samcombank lập ra, ngoài một số chuẩn thép công nghiệp, thép xây dựng được giao dịch theo nhãn mác của nhà máy, ví dụ Pomina có thép Pomina… Các mặt hàng không đạt chuẩn thì giao dịch thoả thuận.
Yêu cầu đặt ra với bên bán là ngoài khoản ký quỹ 30%, họ phải vận chuyển hàng hoá tới kho của STE, nếu không thì phải sử dụng dịch vụ quản chấp. Theo đó, đơn vị giám định độc lập SGS Việt Nam, đối tác của STE sẽ xuống kho kiểm tra hàng cùng giấy tờ chứng nhận sở hữu hàng hoá và đặt người ở lại giám sát hàng.
Bên muốn mua phải ký quỹ 100% giá trị mua. Trường hợp đã khớp lệnh mà bên bán hoặc mua huỷ thì phải chịu chi phí nhất định. Trong trường hợp người mua không thực hiện hợp đồng, quản lý sàn sẽ tìm người mua thay thế. Giá trị bán lỗ sẽ trừ ký quỹ người mua ban đầu hoặc họ sẽ hưởng lãi nếu giá bán cao hơn giá hợp đồng. Sacombank sẽ là ngân hàng trung gian thanh toán duy nhất trên sàn.
Doanh nghiệp có thể chọn giao dịch hợp đồng giao ngay hay hợp đồng tương lai. Theo bà Nguyễn Thuỳ Vân, trưởng trung tâm giao dịch, những quy định và chế tài về giao dịch tương lai đã sẵn sàng. Thí dụ, nếu hàng hoá của người bán chưa về kịp, người bán phải tất toán hợp đồng cũ và mua ngay một hợp đồng mua mới. Phía người mua vẫn nhận hàng theo kế hoạch.
Ích lợi ban đầu
Sàn STE đã có giấy phép hoạt động, các doanh nghiệp giao dịch thử nghiệm đến cuối tháng 11, giữa tháng 12 tới sẽ chính thức giao dịch ra mắt. Sang năm 2010, STE sẽ mở rộng giao dịch đối với sản phẩm đường và đến năm 2011 tiến tới cao su và nhựa. Phí giao dịch trên sàn, doanh nghiệp phải chịu phí giao dịch 20 đồng/kg/một chiều, phí kiểm định 4 triệu đồng/lô (tính cho lô hàng nhỏ hơn 500 tấn), phí tại kho của Sacom – STE.
Người tham gia vào sàn có thể có ba lợi ích.
Thứ nhất, cơ chế chào mua chào bán thể hiện cạnh tranh, minh bạch, hạn chế được việc huỷ ngang giao dịch, được Sacombank đảm bảo quá trình thanh toán.
Thứ hai, nhận được hỗ trợ tín dụng nhanh hơn, do ngân hàng đã nắm rõ tình hình hàng hoá, doanh nghiệp.
Thứ ba, doanh nghiệp có thể bảo hiểm giá, tránh rủi ro về biến động giá trên thị trường nhờ áp dụng giá được thoả thuận trong hiện tại cho thị trường tương lai, hoặc tìm kiếm lợi nhuận thông qua các hợp đồng đầu tư.
Theo người trong giới, ở mặt hàng thép, các doanh nghiệp đã quen có đội ngũ bán hàng được hưởng hoa hồng, nay việc mua bán qua sàn sẽ khiến khoản này trở thành phí giao dịch cho sàn, khiến động lực tham gia chưa cao. Đồng thời, các doanh nghiệp đã quen cung cầu một số mối hàng, tâm lý trì trệ không muốn thay đổi cũng khiến nhiều người chưa sẵn sàng bước lên sàn.
Theo ông Phạm Chí Cường, chủ tịch hiệp hội Thép Việt Nam, hệ thống phân phối của các doanh nghiệp thép trong nước đến nay còn lạc hậu, đưa đến cung và cầu, giá bán không ổn định, việc giao dịch qua sàn sẽ góp phần thay đổi điều này. Tuy nhiên, việc thay thói quen và đặc lợi trong kinh doanh sẽ là một thách thức mà các sàn nông sản trước đây thất bại, thì STE phải vượt qua nếu muốn sàn sôi động.
Ông Đỗ Duy Thái, tổng giám đốc Thép Việt – đơn vị tham gia sàn, nói rằng nếu không tham gia sàn, doanh nghiệp sẽ dần bị tụt hậu. Ông cũng thừa nhận rằng là con đường đi mới nên cũng sẽ rất khó khăn, và STE phải nỗ lực và phải mất nhiều thời gian mới thu hút được nhiều doanh nghiệp vào sàn. Bà Vân nói, đến nay, gần 100 doanh nghiệp đăng ký tham gia thử nghiệm là tín hiệu khá lạc quan.
(CafeF)