Xem xét thu hồi giấy chứng nhận đầu tư các dự án thép không triển khai đúng tiến độ.
Bộ Công Thương vừa có văn bản đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch ngành thép gửi UBND các tỉnh, thành phố, đề nghị các địa phương chấn chỉnh ngay việc cấp giấy chứng nhận đầu tư (GCNĐT) các dự án thép trên địa bàn; đặc biệt, bộ yêu cầu địa phương tạm dừng phép cho các dự án thép xây dựng thông thường vì công suất đã quá dư thừa; rà soát kỹ các dự án đã cấp GCNĐT và kịp thời xử lý, thu hồi đối với các dự án không triển khai hoặc không có khả năng thực hiện mà không có lý do chính đáng.
Tỉnh tỉnh làm… thép
Theo kết quả đánh giá, rà soát việc thực hiện quy hoạch ngành thép của Bộ Công Thương, hiện cả nước có 74 dự án sản xuất gang, thép thành phẩm có công suất thiết kế từ 100.000 tấn/năm trở lên. Ngoài ra, còn một số nhà máy sản xuất thép do TCty Thép VN (VNSteel) quản lý. Tổng số vốn đầu tư các dự án lên tới 41.997 tỉ đồng và 20.101 triệu USD.
Đặc biệt từ sau khi có quy hoạch ngành thép (năm 2007) đến nay, tổng số dự án có công suất thiết kế từ 100.000 tấn/năm trở lên là 65 dự án; trong đó có 58 dự án trong nước, liên doanh và 7 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư là 41.623 tỉ đồng và 19.878 triệu USD. Tổng công suất thiết kế cho giai đoạn 2015 - 2020 là gang: 2,04 triệu tấn/năm; phôi thép 16,28 triệu tấn/năm và thép cán lên tới 33,575 triệu tấn/năm.
Trong số này, hiện có 3 dự án thép khổng lồ sản xuất theo công nghệ cán nóng, có trong quy hoạch, nhưng khả năng triển khai đang gặp nhiều khó khăn là dự án thép liên hợp Hà Tĩnh (của Tập đoàn Tata - Ấn Độ) 2,4 triệu tấn/năm; dự án Khu liên hợp Cà Ná - Ninh Thuận (liên doanh giữa Vinashin và Tập đoàn Lion Group - Malaysia) 4,5 triệu tấn/năm và dự án thép tấm cán nóng Bà Rịa - Vũng Tàu (VNSTeel mua lại của Tập đoàn Essar) 2 triệu tấn/năm.
Như vậy, vẫn theo Bộ Công Thương, tính đến nay cả nước đã có 30 tỉnh, thành có dự án sản xuất gang thép. Trong đó, Bà Rịa - Vũng Tàu có tới 15 dự án, Hải Phòng 9 dự án; Phú Thọ và Hà Tĩnh, 4 dự án; các tỉnh có 3 dự án là Thái Nguyên, Hải Dương, Đà Nẵng, Thanh Hoá, Hưng Yên...
Nếu so với nhu cầu trong quy hoạch ngành thép, dự kiến đến 2015, cả nước cần khoảng 15 triệu tấn thép và năm 2020 là 20 triệu tấn thép, thì tổng công suất thiết kế của các dự án lên tới 35,29 triệu tấn/năm, cung vượt cầu khoảng 1,5 - 1,8 lần. Trường hợp 3 dự án thép kể trên không triển khai được thì sản lượng thép cũng vượt nhu cầu khoảng 1,2 - 1,3 lần (26 triệu tấn/năm).
Dừng cấp phép dự án thép xây dựng
Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang khẳng định: Trong khi quy hoạch sản xuất thép được Thủ tướng phê duyệt vào tháng 9.2007 thì tổng số chỉ có 23 dự án, trong đó 17 dự án trong quy hoạch đang triển khai và 6 dự án phải dừng vì không đủ điều kiện, thì với kết quả rà soát của các tỉnh, thành phố tính đến ngày 30.8.2009, đã có 65 dự án gang, thép, công suất từ 100.000 tấn/năm trở lên hoặc đã đi vào sản xuất, hoặc đang triển khai đầu tư.
Trong số này, chỉ có 16 dự án đã có ý kiến thoả thuận của Bộ Công Thương và 6/16 được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư. Có tới 32 dự án thép khác được địa phương cấp phép, nhưng chưa hề có ý kiến chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ. Điều này là trái với quy định của Luật Xây dựng và Luật Đầu tư hiện hành dẫn đến phá vỡ quy hoạch ngành thép.
Thêm vào đó, việc cấp phép đầu tư của các địa phương chưa đảm bảo các điều kiện cần thiết về quy mô, công nghệ sản xuất, chủng loại sản phẩm, nguồn nguyên liệu đầu vào, hạ tầng cơ sở, đánh giá tác động môi trường... dẫn đến tình trạng một số dự án đầu tư thiếu tính bền vững, mất cân đối giữa sản xuất thượng nguồn với hạ nguồn, không đảm bảo các yêu cầu về môi trường.
Trước tình hình này, Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ cần nghiêm túc chấn chỉnh việc cấp phép đầu tư đối với các dự án thép. Trên cơ sở rà soát các dự án đã được địa phương cấp GCNĐT, bộ cho biết sẽ đề nghị Chính phủ xem xét bổ sung quy hoạch đối với những dự án có khả năng thực hiện; đồng thời, chỉ đạo địa phương kiên quyết thu hồi giấp phép đối với các dự án không triển khai hoặc không có khả năng thực hiện theo tiến độ đã cam kết và không có lý do chính đáng.
Bộ cũng yêu cầu các địa phương tạm dừng cấp GCNĐT các dự án thép xây dựng thông thường vì cung đã vượt xa cầu.
(LĐ)