Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Dừng mỏ sắt Thạch Khê nguy cơ "mất trắng" 2.000 tỷ đồng vốn nhà nước

 TKV cho biết, nếu dừng dự án mỏ sắt Thạch Khê sẽ làm giảm nguồn thu ngân sách, đặc biệt mất khoản vốn 2.000 tỷ đồng của doanh nghiệp trong đó đa số là vốn nhà nước…


Có 2.000 tỷ đồng chủ yếu vốn của doanh nghiệp nhà nước đã "đổ" vào dự án mỏ sắt Thạch Khê. Ảnh: TL

Trước kiến nghị về việc dừng khai thác, chế biến mỏ sắt Thạch Khê, Hà Tĩnh của Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) cũng đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ đưa ra lý do tiếp tục triển khai dự án và những hệ luỵ nếu cho dừng dự án này.

“Chê” kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư “chưa thấu đáo”

Theo đó, TKV cho biết, nội dung mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra chưa thấu đáo, chưa khách quan, không phản ánh đầu đủ và đúng với kết quả TIC đã thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành trong thời gian vừa qua.

“Các nội dung kết luận không thể hiện đúng với kết quả rà soát tại các phụ lục kèm theo chính báo cáo của Bộ, chưa phản ánh đúng các nội dung tại 2 cuộc họp do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, theo đó các bộ ngành và các nhà khoa học ủng hộ tiếp tục triển khai dự án, riêng tỉnh Hà Tĩnh không ủng hộ”, văn bản của TKV nêu.

TKV cũng cho biết, thời gian vừa qua TKV đã chỉ đạo CTCP Sắt Thạch Khê (TIC) hoàn thiện nội dung Dự án điều chỉnh và thiết kế kỹ thuật, trong đó áp dụng công nghệ khai thác hiện đại đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật, an toàn, môi trường và đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh, đóng góp phát triển kinh tế xã hội của trung ương, địa phương.

Cũng theo TKV, thiết kế kỹ thuật của dự án đã được cơ quan tư vấn nước ngoài thẩm định độc lập và được Hội đồng thẩm định Bộ Công Thương thông báo kết quả, thông qua kết quả thẩm định cho thấy dự án đảm bảo khả thi về mặt kinh tế, kỹ thuật làm căn cứ để TIC phê duyệt và thực hiện dự án.

Về các thủ tục pháp lý bảo vệ môi trường trong đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và cấp phép xả thải, theo TKV, nội dung của ĐTM và Đề án xả thải đã được Bộ Tài nguyên và môi trường phê duyệt.

Về phương án tiêu thụ quặng, TKV cho biết, trên cơ sở TIC đã ký hợp đồng nguyên tắc với một số nhà sản xuất thép trong nước để đảm bảo tiêu thụ hết lượng quặng khai thác. Đồng thời, TIC đã phối hợp với một số nhà đầu tư trong và ngoài nước có kinh nghiệm trong công tác tư vấn và trực tiếp sản xuất thép để tính toán lựa chọn công nghệ luyện thép tiên tiến của các nước G7 đảm bảo sử dụng 100% quặng sắt mỏ Thạch Khê làm cơ sở đầu tư Dự án nhà máy luyện phôi thép 2 triệu tấn/năm sau năm 2020…

Liên quan đến hiệu quả khi tiếp tục triển khai dự án, TKV cho biết, trên cơ sở thẩm định của các cơ quan thẩm định cho thấy, khi dự án đi vào hoạt động sẽ mang lại các lợi ích cho người dân, đảm bảo cung cấp nguyên liệu. Cụ thể, người dân trong diện chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi dự án sẽ được ưu tiên đào tạo nghề và tiếp nhận vào làm việc, giải quyết việc làm trực tiếp cho 3.500 lao động, được đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, đầu tư công trình an sinh xã hội.

Tạo tiền đề cho phát triển công nghiệp, dịch vụ phụ trợ và thương mại trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh và vùng phụ cận.

Đảm bảo cung cấp nguyên liệu ổn định cho các cơ sở luyện kim trong nước, giảm nhập khẩu quặng, phôi thép từ nước ngoài, góp phần phát triển ngành thép Việt Nam đặc biệt là ngành chế tạo sử dụng thép chất lượng cao. “Khi dự án đi vào sản xuất ổn định sẽ tạo nguồn thu ngân sách cho nhà nước, địa phương 1.500 tỷ đồng/năm trong giai đoạn I, thu trên 2.800 tỷ đồng/năm cho giai đoạn II”, TKV tính toán.

Nguy cơ “mất trắng” 2.000 tỷ đồng vốn nhà nước

Với phương án dừng dự án, TKV cho biết những hệ luỵ có thể xảy ra như phá vỡ quy hoạch thăm dò khai thác, chế biến và sử dụng quặng sắt và Quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế, xã hội tỉnh Hà Tĩnh đã được phê duyệt; không phát huy được nguồn tài nguyên sẵn có để phát triển kinh tế xã hội, các cơ sở sản xuất thép trong nước mất cơ hội sử dụng nguồn quặng chất lượng cao, giá rẻ và tiếp tục phải phụ thuộc vào nguồn quặng nhập khẩu giá cao làm tăng chi phí, giá thành sản xuất dẫn đến mất lợi thế cạnh tranh với thép nhập khẩu.

Hệ luỵ tiếp theo được TKV chỉ ra như giảm nguồn thu ngân sách đặc biệt với khoản vốn đã bỏ gần 2.000 tỷ đồng có nguy cơ làm mất vốn của doanh nghiệp trong đó đa số là vốn nhà nước, đây sẽ là tổn thấy rất lớn gây lãng phí cho doanh nghiệp, nhà nước.

Đối với người dân địa phương phải chịu ảnh hưởng bởi các công trình xây dựng dở dang, mất an toàn và có nguy cơ ô nhiễm môi trường. Mất cơ hội việc làm cho khoảng 3.500 lao động tại địa phương, đặc biệt là những đối tượng đã bị thu hồi đất phục vụ cho dự án, làm ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của người dân, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự khu vực.

Hệ luỵ cuối cùng theo TKV là ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của tỉnh Hà Tĩnh nói riêng và cả nước nói chung.

Theo đó, TKV kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục triển khai dự án khai thác và tuyển quặng sắt mở Thạch Khê, Hà Tĩnh.

Nêu quan điểm về vấn đề này, chia sẻ với BizLIVE, GS. TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) từng cho biết, thực chất doanh nghiệp bỏ vào dự án chưa đến vài nghìn tỷ đồng mà tác hại lâu dài về môi trường, dân sinh nếu chưa lường hết tác hại cứ khai thác “không biết hậu quả ra sao”.

Nguồn tin: Bizlive

ĐỌC THÊM