Tại thị trường thép VN, cung đang trên đà vượt cầu gấp ba lần. Vì thế, phải chặn đứng các dự án thép ngoài quy hoạch để ngành này trụ được qua cơn suy thoái kinh tế, đồng thời nhẹ gánh cho nền kinh tế
Nhờ nguồn vốn kích cầu Chính phủ duyệt cấp cho các
công trình trọng điểm, một lượng thép đáng kể sẽ được tiêu thụ. Ảnh: T.Thạnh
Theo Hiệp hội Thép VN (VSA), mặc dù Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch ngành thép từ tháng 9-2007 (giai đoạn 2007-2015, có tính đến năm 2025) nhưng các dự án thép ngoài quy hoạch vẫn mọc như nấm sau mưa. Đến nay, đã có 32 dự án ngoài quy hoạch được các địa phương cấp giấy chứng nhận đầu tư, có nơi cấp phép đến 7 dự án (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Trong số này, chỉ có 3 dự án nhà máy thép liên hợp quy mô lớn được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư và 5 dự án quy mô vừa được sự thỏa thuận của cơ quan quản lý chuyên ngành là Bộ Công Thương.
Kiên quyết đình chỉ, không cấp mới
VSA dự báo hiện tượng nở nồi quy hoạch này sẽ dẫn đến hậu quả cung vượt gấp 3 lần cầu, gây tác động xấu đến thị trường, mất cân đối về tài nguyên, năng lượng và đặc biệt là gây ô nhiễm môi trường do có thể có những dự án công nghệ lạc hậu. “Để giảm bớt khó khăn cho ngành thép và giảm thiệt hại cho nền kinh tế, VSA đã kiến nghị Chính phủ cần kiên quyết và sớm đình chỉ các dự án đang xây dựng hoặc sắp xây dựng mà không có sự bảo đảm nguyên liệu để có thể hoạt động lâu dài” - ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch VSA, cho biết.
Đối với các dự án sản xuất thép thông thường, VSA kiến nghị tạm thời không cấp thêm giấy phép mới vì công suất của các nhà máy hiện có đã đẩy cung vượt quá xa cầu của thị trường. Bên cạnh đó, cần rà soát quy hoạch ngành, vùng để có hướng đầu tư rõ ràng, phù hợp với điều kiện tự nhiên và hạ tầng kinh tế xã hội. Theo tiêu chí này, VSA cũng không nhất trí với đề nghị của Bộ Công Thương về việc ưu tiên xây dựng xí nghiệp gang thép ở những vùng kinh tế khó khăn. Nguyên nhân là do các dự án quy mô địa phương, xét về mặt hiệu quả kinh tế, chất lượng sản phẩm và yếu tố môi trường, đều không bảo đảm phát triển bền vững. Đối với các dự án đã cấp phép nhưng chậm triển khai thực hiện mà không có lý do chính đáng, phải kiên quyết thu hồi giấy phép. Đối với các siêu dự án có vốn đầu tư nước ngoài, cần theo dõi sát tiến độ và không cho phép tùy tiện chuyển đổi chủ dự án như đã từng xảy ra. Về việc cấp phép cho các dự án luyện kim ngoài quy hoạch, đặc biệt là các dự án thép xây dựng thông thường, phải nhập phôi, VSA đề nghị không cấp thêm giấy phép.
Đầu tư cho đường dài
Vấn đề gay cấn nhất mà ngành thép đang gặp phải là tiêu thụ. Tháng 1-2009, thị trường có dấu hiệu tăng nhẹ do giá thép giảm khoảng 500.000 đồng/tấn từ hiệu ứng giảm 5% thuế GTGT nhưng đây chỉ là sự ấm lên tức thời vì theo dự báo, năm 2009 sẽ không có biến động lớn về giá thép do cung đã vượt cầu trên toàn thế giới.
Lâu nay, hầu hết các doanh nghiệp thép đều làm công đoạn cuối là mua phôi về cán nên giá thành cao. Trước mắt, các doanh nghiệp có điều kiện giảm giá bán để kích cầu tiêu dùng từ chính sách thuế hợp lý nhưng hỗ trợ này của Nhà nước chỉ có thể giúp doanh nghiệp giảm lỗ chứ không thể giúp thoát lỗ. Vì thế, mỗi doanh nghiệp phải tự đổi mới công suất để giảm chi phí giá thành, đầu tư công nghệ hiện đại, khai thác từ quặng đưa vào sản xuất mới đủ sức cạnh tranh lâu dài.
Theo ông Phạm Chí Cường, trong thời gian tới, ngành thép sẽ không còn được bao cấp giá điện, than nên buộc phải tìm mọi cách tiết giảm tiêu hao vật chất để nâng cao năng lực cạnh tranh. Muốn giảm nhanh mức độ tiêu hao năng lượng, cách tốt nhất là hợp lý hóa sản xuất, từ đào tạo công nhân để nâng cao tay nghề, có quy trình nâng cao năng suất, trình độ quản lý. Chẳng hạn, trước đây nấu được 10 mẻ/ngày thì nâng cao 12 - 14 mẻ...
Rót vốn cho các dự án thép khả thi
Hiện nay, ngành thép đang trông chờ các biện pháp kích cầu đầu tư của Chính phủ. Các công trình trọng điểm của Nhà nước cần đầu tư (theo danh sách đã rà soát) sẽ được rót vốn triển khai. Đây là những “bạn hàng” tiêu thụ thép lớn nên ngành thép sẽ bán được lượng hàng tồn kho đáng kể.
Ngành thép hiện chôn khá nhiều vốn vào các dự án đầu tư dang dở hoặc đã hoàn tất đầu tư nhưng không có vốn lưu động vì vướng lãi suất. Đối với dự án đã duyệt, có cơ sở thì nên dồn sức để hoàn thành. Để làm được như vậy, các dự án này cần được rót vốn với lãi suất hợp lý để đi vào sản xuất.
(NLĐ)