Giá bình quân thép xây dựng quý I ở vùng 15.000-16.000 đồng/kg, vùng đỉnh 5 năm.
Sản lượng tiêu thụ thép thành phẩm quý I đạt 6,8 triệu tấn, tăng 36%.
Hòa Phát, Nam Kim thiết lập kỷ lục bán hàng trong quý I.
Thép Tiến Lên lãi 120 tỷ quý I, gấp hơn 30 lần cùng kỳ năm trước.
Tiêu thụ thép tăng mạnh, giá bán ở vùng đỉnh 5 năm
Theo báo cáo của Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), sản lượng sản xuất thép thành phẩm của các đơn vị trong hiệp hội đạt 7,7 triệu tấn, tăng 34%; bán hàng đạt 6,8 triệu tấn, tăng 35,5%. Riêng xuất khẩu thép các loại đạt 1,67 triệu tấn, tăng 59% so với cùng kỳ năm trước.
Cùng với đó, sản lượng thép thô cũng ghi nhận mức tăng trưởng cao. Sản xuất đạt 5 triệu tấn, tăng 29%; bán hàng đạt 4,96 triệu tấn, tăng 33%; xuất khẩu đạt 657.046 tấn, tăng 27% so với quý I/2020.
Xét theo cơ cấu sản phẩm, tiêu thụ cuộc cán nóng (HRC) ghi nhận mức tăng mạnh nhất 103%, tôn mạ 47%, ống thép 30%, thép cán nguội 13% và thấp nhất là thép xây dựng 10%.
Không chỉ "được mùa" về sản lượng tiêu thụ, giá thép cũng tăng mạnh trong các tháng đầu năm và ghi nhận mức cao nhất trong vòng 5 năm qua. Tính đến đầu tháng 4, giá thép đạt 16.000 đồng/kg, tăng 6% so với đầu năm và tăng mạnh so với vùng giá 11.000-12.000 đồng/kg của năm 2020.
Giá thép tăng chủ yếu do giá nguyên vật liệu tăng mạnh trong thời gian qua. Giá quặng sắt các tháng đầu năm duy trì mức cao trên 170 USD/tấn, tăng 25% so với thời điểm cuối năm trước. Giá than mỡ luyện cốc có thời điểm tăng lên vùng 140 USD/tấn, nay hạ nhiệt về 108 USD/tấn, tương đương cuối năm trước. Giá thép phế liệu duy trì vùng 440 USD/tấn, tăng 43% trong vòng 5 tháng. Giá cuộn cán nóng cũng liên tục tăng, giá đầu tháng 4 đạt 795 USD/tấn, tăng 51% kể từ tháng 11.
Theo VSA, xu hướng diễn biến giá nguyên liệu và thép thành phẩm trên thế giới trong năm 2021 sẽ có nhiều biến động, có thể thiết lập một mặt bằng giá mới như thời kỳ hậu khủng hoảng tài chính 2008. Nhiều dự báo trước đó cho rằng giá thép chỉ tăng tối đa đến quý II, tuy nhiên với những gì đang diễn ra ở Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, EU và nhiều thị trường lớn khác, giá thép có thể tăng đến hết quý III.
Những yếu tố ảnh hưởng đến ngành thép gồm chính sách nhập khẩu phế liệu của Trung Quốc; nhu cầu nội địa của Trung Quốc với nhiệm vụ kép phục hồi sau Covid-19 và mở đầu kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm 2021-2025; sản lượng thép Trung Quốc giảm theo chính sách chung của chính phủ kết hợp chính sách kiểm soát ô nhiễm; thông tin giảm hoàn thuế xuất khẩu từ 13% xuống 9%, thậm chí 0%, dù chưa được xác nhận chính thức nhưng ảnh hưởng của tin đồn thì rất lớn.
Doanh nghiệp thép dự thắng lớn
Theo thông tin từ Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG), sản lượng bán hàng trong quý I hơn 2,16 triệu tấn thép các loại, gấp đôi cùng kỳ năm trước. Trong đó, thép xây dựng thành phẩm đạt 855.000 tấn, tăng hơn 17%; phôi thép xuất khẩu trên 386.000 tấn, tăng 27%. Sản phẩm HRC trong quý đầu năm đạt 665.000 tấn, tăng 75% so với quý IV/ 2020 (cùng kỳ chưa có). Ống thép Hòa Phát ghi nhận 184.000 tấn sau 3 tháng đầu năm, tăng 27%. Trong khi đó, sản lượng bán hàng tôn mạ của tập đoàn cũng tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ.
Theo lãnh đạo tập đoàn, sản lượng bán hàng tăng mạnh nhờ công suất các nhà máy được nâng lên đáng kể sau khi lò cao số 4 – Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất hoạt động thử nghiệm ngày càng ổn định từ tháng 1. Bên cạnh đó, thị trường xây dựng dân dụng bắt đầu vào mùa, các dự án công trình hạ tầng được đẩy mạnh triển khai trên cả nước. Nhiều công trình đầu tư công lớn sử dụng thép Hòa Phát như cao tốc Bắc Nam đoạn Ninh Bình – Thanh Hóa, cao tốc Mỹ Thuận – Trung Lương…
Theo số liệu VSA, Thép Nam Kim (HoSE: NKG) tiêu thụ tổng cộng 240.072 tấn sản phẩm các loại trong quý I, trong đó, ống thép là 45.567 tấn và hàng tôn mạ 194.505 tấn. Sản lượng xuất khẩu của doanh nghiệp đạt 151.992 tấn. Đây là sản lượng sản xuất và bán hàng kỷ lục trong 1 quý của doanh nghiệp.
Giá thép cùng sản lượng tăng cao trong thời gian qua thúc đẩy doanh thu của các doanh nghiệp thép trong khi giá nguyên vật liệu tăng làm ảnh hưởng đến biên lợi nhuận. Tuy nhiên, quý I là thời điểm các doanh nghiệp vẫn còn lượng hàng tồn kho giá thấp đã mua từ quý cuối năm giúp lợi nhuận có thể vẫn khả quan.
Thép Tiến Lên (HoSE: TLH) mới đây công bố doanh thu quý I đạt 979 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước. Song lợi nhuận sau thuế đạt 120 tỷ đồng, gấp hơn 30 lần quý I/2020 và là mức cao nhất tính từ quý IV/2016. Ban lãnh đạo doanh nghiệp cho biết lượng hàng tồn kho với giá thấp đảm bảo cho lợi nhuận ròng không bị ảnh hưởng nhiều của giá thép thế giới.
Kết quả doanh của Thép Tiến Lên giảm dần từ 2016 và mới có tín hiệu khởi sắc vào nửa cuối năm 2020, riêng quý IV/2020 lãi 78 tỷ đồng. Doanh nghiệp lý giải trong quý IV, nhập giá bình quân hàng hóa thấp, tiết kiệm chi phí mua hàng trong khi giá bán tăng. Đồng thời, việc nhà nước kích thích đầu tư tạo công ăn việc làm cho công nhân, các công trình trọng điểm đi vào hoạt động làm lợi nhuận gộp Thép Tiến Lên tăng tương ứng. Mặt khác, đơn vị không phải trích lập dự phòng phải thu khó đòi nên chi phí quản lý giảm.
Nguồn tin: NDH