Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Đường xuất khẩu thép bị chặn!

3 thị trường Đông Nam Á là Indonesia, Thái Lan và nay là Malaysia đều đã tiến hành điều tra chống bán phá giá đối với thép Việt Nam.

Cánh cửa cho thép Việt Nam vào Malaysia đã hẹp lại khi mới đây, thép cuộn cán nguội của Việt Nam lọt vào tầm ngắm bị điều tra chống bán phá giá. Theo khiếu nại từ Công ty Thép CSC Steel Sdn, các sản phẩm thép của Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam đã nhập vào Malaysia với giá thấp hơn nhiều so với giá bán trong nước, gây thiệt hại cho ngành sản xuất nội địa Malaysia.

Với đơn kiện này, Bộ Thương mại Quốc tế và Công nghiệp Malaysia (MITI) đã vào cuộc và dự kiến sẽ đưa ra quyết định sơ bộ trong vòng 120 ngày kể từ thời điểm bắt đầu điều tra. Trước ngày 25.9 này, các công ty xuất khẩu thép sang Malaysia có thể liên hệ với Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) để trả lời các câu hỏi từ MITI.

Malaysia là thị trường xuất khẩu đứng thứ 4 của thép Việt Nam. Tuy nhiên, so với các thị trường dẫn đầu là Campuchia, Indonesia, xuất khẩu thép của Việt Nam vào Malaysia còn khá khiêm tốn. Theo thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), 6 tháng đầu năm 2015, thép xuất khẩu từ Việt Nam sang Malaysia mới đạt 111.744 triệu tấn, chiếm hơn 9% tổng sản lượng xuất khẩu của toàn ngành thép. Về giá trị, xuất khẩu thép của Việt Nam vào Malaysia cũng không đáng kể, chỉ đạt 79 triệu USD. Cả năm 2014, con số này cũng chỉ là 110 triệu USD.

Duong xuat khau thep bi chan!
Cơ cấu thị trường xuất khẩu của thép Việt Nam

Dù vậy, các công ty Malaysia lại tìm cách kiện cáo để gây sức ép và làm nản lòng đối thủ đến từ các nước. Trước CSC Steel Sdn, một công ty khác là Bahru Stainless Sdn Bhd cũng nộp đơn kiện với lý do tương tự. Kết quả, cuối tháng 4 vừa qua, Malaysia đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá sản phẩm thép không gỉ cán nguội nhập khẩu từ 9 quốc gia, bao gồm cả Việt Nam.

Thực tế, không riêng gì Malaysia, nhiều thị trường đã tìm cách bảo hộ sản phẩm thép nội địa thông qua các rào cản phi thuế quan. Trong đó, điều tra áp thuế chống bán phá giá lên mặt hàng thép nhập khẩu là cách được các nước tích cực áp dụng. Theo Cục Quản lý Cạnh tranh, giai đoạn 1994-2014, thép là mặt hàng bị điều tra chống bán phá giá nhiều nhất, chiếm 29% tổng số vụ. Riêng năm 2014, thép Việt Nam đối mặt với 4 vụ kiện chống bán phá giá.

Nếu như Ủy ban Chống bán phá giá của Úc tuyên bố chấm dứt điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng thép mạ hợp kim của Việt Nam do lượng hàng Việt Nam vào Úc là “không đáng kể” và “không bán phá giá” thì kết quả điều tra tại thị trường Mỹ lại không khả quan.

Cụ thể, sau yêu cầu điều tra từ Công ty Mid Continent Steel & Wire, giữa tháng 5 năm nay, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) khẳng định Việt Nam có phá giá và trợ cấp cho sản phẩm đinh thép. Vì thế, thuế mới áp cho mặt hàng này từ Việt Nam vào Mỹ là 323,99%, một mức quá cao đủ chặn đường vào Mỹ của đinh thép Việt Nam. Năm 2013, đinh thép Việt Nam vào Mỹ từng đạt 41 triệu USD, gấp 3 lần so với năm 2011 và chiếm 17% thị phần đinh thép nhập khẩu của Mỹ.

Mỹ cũng đã áp thuế chống bán phá giá chính thức đối với sản phẩm thép dẫn dầu là 111,47%, đối với ống thép không gỉ chịu lực là 16,25%. Tính chung, trong 5 năm trở lại đây, tại thị trường Mỹ, thép Việt Nam bị kiện chống bán phá giá tới 5 vụ và chỉ duy nhất 1 vụ điều tra liên quan đến sản phẩm ống thép cacbon là cho kết quả có lợi cho doanh nghiệp Việt. Dù vậy, trong thời kỳ điều tra, Mỹ cũng đã áp thuế tạm thời từ 0-27,96% đối với mặt hàng này.

Mỹ đã lui về xếp gần cuối bảng danh sách các thị trường xuất khẩu thép của Việt Nam, với mức đóng góp rất mờ nhạt: 2,8% giá trị xuất khẩu toàn ngành. Tương tự, kể từ sau khi áp thuế chống bán phá giá lên sản phẩm thép cuộn không gỉ của Việt Nam ở mức 35,6% (từ ngày 10.5.2013 và sẽ kéo dài trong 3 năm), Brazil không còn nằm trong nhóm các thị trường xuất khẩu của Việt Nam nữa. Một số công ty có thị trường quan trọng là Brazil hay Mỹ như Công ty Quốc tế Sơn Hà đã phải tìm cách chuyển hướng thị trường.

Từ năm 2014, lãnh đạo Công ty Sơn Hà đã kịp thời chuyển hướng sang các thị trường mới như Nga, Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng cuối năm ngoái, các công ty ở Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã khởi kiện chống bán phá giá đối với ống thép hàn không gỉ cán nguội của Việt Nam.

Ông Phạm Chí Cường, nguyên Chủ tịch VSA, đúc kết dù lượng thép Việt Nam xuất đi còn ít nhưng với tốc độ tăng trưởng nhanh và mạnh mẽ, các công ty nội địa thường không yên tâm và nghĩ cách để hạn chế đà tiến của thép Việt.

Do chất lượng sản phẩm thép sản xuất trong nước ở mức trung bình, thị trường phù hợp của toàn ngành thép Việt Nam hiện là các nước Đông Nam Á, chiếm 84,6% về sản lượng và 78,7% về giá trị xuất khẩu. Trong đó, 3 thị trường gồm Indonesia, Thái Lan và nay là Malaysia đều đã tiến hành điều tra chống bán phá giá đối với thép Việt Nam. Vì thế, xu hướng của các công ty là tìm kiếm cơ hội ở các thị trường thông thoáng.

Từ đầu năm 2014, Tổng Công ty Thép Việt Nam đã tổ chức lại hệ thống phân phối thép với hướng đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Campuchia cũng như tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới. Sang năm 2015, một số công ty như Hòa Phát, Công ty Thép Việt (Pomina) đã đẩy mạnh xuất khẩu vào cả 2 thị trường Lào và Campuchia. Với những chuyển biến này, số liệu đầu năm 2015 từ Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại - Bộ Công Thương (VITIC) cho hay, sắt thép dẫn đầu, chiếm 25% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tại Lào.

Khi Lào, Campuchia đẩy mạnh vay vốn, hợp tác với các nước khác, nhất là Trung Quốc để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhu cầu tiêu thụ thép tại các quốc gia này được dự báo càng gia tăng và mở ra những cơ hội mới cho thép của Việt Nam. Tuy nhiên, ông Đỗ Duy Thái, Tổng Giám đốc Công ty Thép Việt (Pomina), xác nhận, do bị cạnh tranh gay gắt bởi nguồn hàng nhập giá rẻ của Trung Quốc nên những doanh nghiệp chọn chiến lược hàng giá rẻ khó có thể “chọi” với hàng hóa đến từ nước này. Giá thép xây dựng của các doanh nghiệp Việt Nam hiện cao hơn 50-60 USD/tấn so với giá thép từ Trung Quốc.

Buôn bán, làm ăn với Lào, Campuchia còn dễ bị thất thoát và khó thanh toán nợ do các bên có thói quen sử dụng tiền mặt, thường dựa trên quan hệ quen biết trong kinh doanh.

Nguồn tin: Nhịp cầu đầu tư

ĐỌC THÊM