Tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ cao hơn nhiều so với con số 5,4% vào năm 2009 thế nhưng không thể có lại tốc độ tăng trưởng ấn tượng hơn 8% trước đây.
Economist dự báo GDP thế giới năm 2010 và năm 2011 có thể tăng trưởng lần lượt 4,2% và 3,6%.
Đối với Trung Quốc, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2010 và 2011 được dự báo lần lượt ở mức 9,9% và 8,3%.
Đối với 27 nước thuộc Liên minh châu Âu, kinh tế khu vực này có thể tăng trưởng 0,8% trong năm nay và 1,1% trong năm 2011.
Theo Economist, những nỗi lo về khủng hoảng nợ công tại châu Âu ở thời điểm cuối tháng 5 và đầu tháng 6/2010 đang trở lại, ngoài ra số liệu mới nhất về đà phục hồi của kinh tế toàn cầu phát đi tín hiệu tốt xấu đan xen khiến người ta không khỏi lo lắng về tính sự ổn định của tăng trưởng kinh tế toàn cầu và khiến thị trường trở nên biến động hơn.
Ngoài ra thị trường còn lo lắng về khả năng giới chức lãnh đạo của Trung Quốc có thể hoàn thành được mục tiêu đưa kinh tế Trung Quốc “hạ cánh an toàn”.
Economist dự báo trong giai đoạn năm 2010 và 2011 so với các khu vực khác trên thế giới, kinh tế châu Á sẽ tăng trưởng nhanh nhất. Tuy nhiên việc cần hạn chế bớt tăng trưởng tín dụng tại Trung Quốc có thể gây ra mất ổn định.
Nếu kinh tế Trung Quốc tăng trưởng kém hơn, xuất khẩu của Việt Nam có thể ảnh hưởng bởi thị trường Trung Quốc lớn thứ 3 trong nhóm các thị trường xuất khẩu của Việt Nam sau Mỹ và Nhật.
Lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam cũng có thể đương đầu với khó khăn khi kinh tế Mỹ năm trưởng chậm lại vào năm 2011 và việc kinh tế châu Âu hồi phục trì trệ. Dù Việt Nam có thể hưởng lợi khi nhu cầu từ phía quốc tế tăng lên, khi giá dầu thô và hàng hóa công nghiệp tăng, áp lực lạm phát sẽ trầm trọng hơn, giá hàng hóa nội địa cao sau thời kỳ tín dụng tăng trưởng quá lâu.
Tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ cao hơn nhiều so với con số 5,4% vào năm 2009 thế nhưng không thể có lại tốc độ tăng trưởng ấn tượng hơn 8% trước thời kỳ kinh tế đi xuống vào năm 2008 và 2009.
Nửa đầu năm 2010, GDP thực tế tăng trưởng 6,2% so với cùng kỳ ở mức thấp theo tiêu chuẩn Việt Nam và cả năm 2010 có thể đạt 6,4%.
Nhìn từ phương diện tích cực, sự phục hồi của kinh tế toàn cầu đóng vai trò quan trọng đối với lĩnh vực xuất khẩu, và khi nhập khẩu tăng lên, có thể thấy nhu cầu của nhà đầu tư và người tiêu dùng đang tăng lên.
Nhìn từ phương diện tiêu cực, cách chính phủ hỗ trợ nền kinh tế vào năm 2009, chủ yếu thông qua nới lỏng tài khóa, tiền tệ, sẽ khiến áp lực lạm phát tăng cao, khả năng linh hoạt chính sách trong 2 năm tới rất hạn chế. Chính phủ Việt Nam sẽ rất ngại ngần trong việc mạnh tay thắt chặt chính sách trong năm 2010 bởi nếu làm như vậy, hoạt động kinh tế sẽ chịu nhiều ảnh hưởng. Trong khi đó, lạm phát tăng và thất nghiệp khá cao sẽ hạn chế tăng trưởng tiêu dùng.
Từ phía nguồn cung, tăng trưởng trong lĩnh vực công nghiệp sẽ lên mạnh trong năm 2010 và năm 2011. Sản lượng của lĩnh vực sản xuất sẽ cải thiện so với năm 2009 thế nhưng tăng trưởng nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ không mấy ấn tượng nếu so với thời kỳ trước suy thoái kinh tế thế giới 2008-2009.
Nhà đầu tư nước ngoài vẫn lạc quan về triển vọng dài hạn của Việt Nam và tăng tưởng đầu tư vào sản xuất sẽ lên mạnh trong 2 năm tới. Lĩnh vực xây dựng tăng trưởng nhanh do lãi suất thấp và giá vật liệu giảm.
Đầu tư nhà nước vào các dự án hạ tầng sẽ hỗ trợ quan trọng cho lĩnh vực xây dựng trong năm 2010 và năm 2011. Lĩnh vực dịch vụ, một trong những lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế năm 2009, cũng sẽ tăng trưởng nhanh, đáng chú ý nhất là lĩnh vực dịch vụ bán lẻ và dịch vụ tài chính.
Nguồn: Economist