Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

EU ngăn chặn ống thép Trung Quốc

- Liên minh châu Âu (EU) vừa phê chuẩn các biện pháp ngăn chặn ống thép nhập khẩu từ Trung Quốc, một động thái tạo tiền lệ, cho thấy EU đang ngày càng tỏ ra bảo hộ thương mại để chống lại sự suy giảm kinh tế.

Hôm thứ Ba 28-7, quan chức thương mại của 27 nước thành viên EU đã bỏ phiếu chấp thuận lập luận của các nhà sản xuất thép – trong đó có tập đoàn sắt thép lớn nhất thế giới ArcelorMittal – cần phải áp dụng thuế suất trừng phạt để bảo vệ ngành thép châu Âu trước mối đe dọa của sắt thép giá rẻ từ Trung Quốc.

Các luật gia về thương mại cho rằng, vụ này sẽ tạo tiền lệ để các doanh nghiệp trong hàng loạt ngành nghề khác lên tiếng đòi áp dụng thuế suất trừng phạt.

Vụ này cũng gây lo ngại cho ngành kinh doanh ống thép – mặt hàng quan trọng nhất của ngành thép nói chung và là vật liệu chính trong xây dựng nhà cửa, ống dẫn dầu khí, khung sườn xe hơi.

Thuế chống bán phá giá và phản ứng

Thuế suất trừng phạt mà EU áp đặt lên ống thép Trung Quốc nhập khẩu biến động trong khoảng 17,7 - 39,2% tùy trường hợp, bắt đầu có hiệu lực từ tháng 10 tới và kéo dài 5 năm. Từ tháng 4 năm nay, cơ quan thuế quan EU đã tạm thời thu thuế nhập khẩu ở mức 24,2% đối với ống thép nhập khẩu từ Trung Quốc.

Quan chức Trung Quốc nói rằng họ đang chuẩn bị đưa vụ này ra Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), chống lại việc Mỹ và EU tăng thuế mặt hàng ống thép. Một thông báo của bộ Thương mại Trung Quốc nói rằng, họ quan tâm sâu sắc tới thuế chống bán phá giá mà Mỹ và EU áp đặt lên hàng hóa Trung Quốc.

Bà Tần Linh (Tan Ling), quản trị viên nhà máy ống thép Hengyang Valin, than thở: “Nếu họ áp mức thuế đó, chúng tôi sẽ mất thị trường EU”. Hiện thời EU tiêu thụ khoảng 5-10% sản lượng ống thép của nhà máy. Bà Tần cũng cho biết, nhà máy sẽ cố bù lại bằng cách tăng xuất khẩu vào châu Phi và Trung Đông.

Ở châu Âu, người tiêu dùng ống thép Trung Quốc nhập khẩu cũng bất bình với sắc thuế mới. “Người tiêu dùng phải trả nhiều tiền hơn do thị trường bị bảo hộ”, ông Jan van Meever, chủ một công ty Hà Lan chuyên nhập khẩu và phân phối ống thép Trung Quốc ra khắp châu Âu, nhận định.

Thép Trung Quốc tràn ngập

Vị trí đặt quảng cáoTừ khi Trung Quốc gia nhập WTO năm 2001, hàng hóa nước này đã nhanh chóng tràn ngập châu Âu. Năm ngoái, tổng giá trị hàng Trung Quốc nhập vào châu Âu là 357 tỉ đô la Mỹ, cao hơn 5 lần so với mức 67 tỉ đô la Mỹ năm 2000.

Ngành sắt thép châu Âu – có giá trị sản lượng hàng năm 250 tỉ đô la Mỹ và sử dụng 420.000 nhân viên – không cạnh tranh nổi với sắt thép nhập khẩu từ Trung Quốc vì ở châu Âu giá lao động cao hơn, chi phí môi trường cũng cao hơn rất nhiều. Từ lâu, Eurofer – nhóm vận động hành lang đại diện cho quyền lợi các công ty thép – đã tích cực vận động cho việc tăng thuế nhập khẩu thép.

Trung Quốc chỉ mới tham gia thị trường ống thép đúc liền của châu Âu trong thời gian gần đây, nhưng lượng nhập khẩu mặt hàng này vào châu Âu đã tăng rất nhanh, từ 35.000 tấn năm 2005 lên 552.368 tấn vào năm ngoái. Sự gia tăng mạnh mẽ này diễn ra cùng lúc với sự suy giảm nhập khẩu ống thép từ Nga và Ukraine sau khi EU áp đặt thuế chống bán phá giá lên sản phẩm của hai nước này từ năm 2006.

Những năm từ 2006 đến 2008 cũng là thời kỳ kinh tế thế giới bùng nổ, ngành xuất khẩu máy móc thiết bị của Đức phải hoạt động hết công suất nên châu Âu dễ dàng tiêu thụ hết lượng ống thép nhập khẩu từ Trung Quốc. Nhưng điều đó cũng gây khó khăn cho các nhà sản xuất thép châu Âu; ngay từ tháng 5-2008 họ đã nộp đơn lên chính quyền, than phiền rằng họ bị “tổn thương” bởi hàng nhập khẩu “phá giá” từ Trung Quốc.

Một tiền lệ của chủ nghĩa bảo hộ

Biến động doanh số hàng năm của các công ty sản xuất thép châu Âu. Nguồn: Eurofer
Một mặt hàng nhập khẩu bị coi là bán phá giá khi nó được bán ở thị trường nước ngoài với giá ngang bằng hoặc thấp hơn chi phí sản xuất với mục đích giành thị phần. Theo luật của WTO, nước nhập khẩu có quyền trả đũa bằng cách áp dụng “thuế chống bán phá giá”. Tuy nhiên nước này phải chứng minh rằng mặt hàng đó bị phá giá và hậu quả trực tiếp là các doanh nghiệp của mình bị thiệt hại đáng kể.

Đối với mặt hành ống thép, các nhà sản xuất sắt thép ở châu Âu cho rằng, tuy họ không chứng minh được những mất mát trong quá khứ nhưng khẳng định mối đe dọa sẽ bị tổn thất trong tương lai để cho rằng tăng thuế nhập khẩu là cần thiết. Ủy viên Thương mại EU cho biết: “Rõ ràng là hàng nhập khẩu giá rẻ sẽ trở nên ngày càng hấp dẫn hơn trong một thị trường càng ngày càng tìm kiếm phương cách cắt giảm chi phí”.

Luật sư về thương mại Nikolay Mizulin, thuộc hãng luật Hogan & Hartson LLP ở Brussels, nhận định: Đặt khiếu nại trên cơ sở mối đe dọa bị tổn thương “là một chiến lược pháp lý hoàn hảo, nhưng cho đến nay, ít ra đó chưa phải là chính sách của EU”. Trường hợp này “là một dấu hiệu cho thấy chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng và có thể tràn ngập sang nhiều ngành công nghiệp khác khi người ta tin rằng, họ cũng đáng được bảo vệ”.  

(KTSG)

ĐỌC THÊM