Ngày 13-12 tới, văn bản về các quy định mới nhằm chống gian lận thương mại sẽ được đưa ra ký kết tại Nghị viện châu Âu ở Strasbourg, Pháp.
Hơn một tuần trước đó, Hội đồng châu Âu (EC) đã thông qua các quy định mới nhằm bảo vệ châu Âu trước những hành vi thương mại không lành mạnh. Theo Tạp chí The Diplomat, mặc dù không nêu đích danh đối tượng phải chịu sự điều chỉnh chính của quy định mới, nhưng dường như ai cũng biết là Trung Quốc.
Các sản phẩm thép của Trung Quốc bị EU áp thuế chống bán phá giá
Môi trường thương mại công bằng...
Dự kiến các biện pháp này sẽ có hiệu lực từ ngày 20-12 tới. Phương thức chống bán phá giá mới được EC thông qua cho phép xác định và xử lý hiệu quả hơn các trường hợp giá của sản phẩm nhập khẩu bị hạ thấp một cách có chủ ý hoặc do tác động của nhà nước. Khuôn khổ pháp lý mới cũng cho phép xóa bỏ sự phân biệt giữa các nền kinh tế hàng hóa và phi hàng hóa trước đây trong việc xác định hành vi phá giá, đồng thời giữ nguyên mức độ bảo hộ cho các nhà sản xuất nội địa.
Ủy ban châu Âu có nhiệm vụ xác minh tình trạng mất cân đối giữa giá bán với giá thành sản xuất của một sản phẩm trên thị trường. Ngoài ra, Ủy ban châu Âu cũng sẽ soạn thảo các báo cáo về những quốc gia hay lĩnh vực bị cho là có tình trạng mất cân đối giá cả. Các doanh nghiệp của Liên minh châu Âu (EU) có thể sử dụng những báo cáo này để hỗ trợ lập luận của mình trong các vụ kiện bán phá giá.
Ông Urve Palo, Bộ trưởng Thương mại Estonia - nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên EU, nhận định, quyết định này cho thấy châu Âu tôn trọng các ưu tiên được vạch ra trong nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên với việc tăng cường khung công cụ chống bán phá giá nhằm mở ra một môi trường thương mại công bằng cho các nhà sản xuất châu Âu. Các biện pháp mới được kỳ vọng sẽ ngăn chặn việc các đối tác thương mại đưa vào EU những sản phẩm bị định giá sai và đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường.
Các đề xuất điều chỉnh được xây dựng một cách trung lập bởi những quốc gia thành viên, phù hợp với quy định của EU cũng như của Tổ chức thương mại quốc tế (WTO).
…hay mục tiêu cụ thể?
Rất nhiều đại diện cũng như hiệp hội của châu Âu lên tiếng ủng hộ quy định bảo vệ thương mại mới của EU.
Ủy viên phụ trách Thương mại châu Âu Cecilia Malmstrom tuyên bố, môi trường thương mại hiện nay đòi hỏi phải có các cơ chế và công cụ minh mạch để đối phó với hành vi bán phá giá của các nước thứ 3, đe dọa ngành công nghiệp châu Âu. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker còn cảnh báo nặng nề hơn rằng, các thành viên của EU không được phép “ngây thơ” trong tự do thương mại. Hiệp hội Thép châu Âu, đại diện cho ngành công nghiệp đang bị ảnh hưởng tiêu cực từ thực trạng bán phá giá, thì nhấn mạnh đến lợi ích doanh nghiệp và người dân châu Âu được hưởng từ những quy định chống gian lận thương mại mới.
Ngày 7-12, Tân hoa xã dẫn lời người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Gao Feng, cho biết Trung Quốc rất quan tâm đến quy định về chống bán phá giá mới của EU, đồng thời kêu gọi EU tránh lạm dụng các biện pháp thương mại.
Dù châu Âu cố gắng thuyết phục thế giới rằng, những quy định mới không nhắm đến cụ thể một quốc gia nào, rất nhiều chỉ dấu chứng minh điều ngược lại. Theo Điều 15 trong Nghị định thư gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) của Trung Quốc vào năm 2001, các thành viên WTO được phép đối xử với Trung Quốc như một nền kinh tế phi thị trường (NME) và sử dụng chi phí sản xuất hàng hóa ở một nước thứ ba để đánh giá hàng hóa của Trung Quốc có được bán thấp hơn giá thành sản phẩm hay không. EU sử dụng Điều 15 khi xem xét vấn đề bán phá giá bằng việc so sánh giá hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc với một nước thứ ba có “nền kinh tế tương tự”.
Tháng 12-2016 đánh dấu thời điểm Điều 15 hết hạn nhưng EU từ chối công nhận Trung Quốc là nền kinh tế thị trường (MES). Đến nay, việc công nhận Trung Quốc là MES vẫn là một chủ đề tranh cãi giữa EU và Trung Quốc, làm căng thẳng quan hệ thương mại 2 bên.
Theo quy định chống gian lận thương mại mới của EU, khối này sẽ áp đặt các biện pháp chống phá giá với các nước thứ 3 - kể cả thành viên WTO - dựa trên “sự méo mó đáng kể của thị trường” ở những quốc gia đó. Dù EU có cung cấp cụ thể các tiêu chí mà khối này đánh giá là “sự méo mó đáng kể của thị trường” cũng làm Trung Quốc quan ngại. Theo Bắc Kinh, thông qua thuật ngữ trên, EU muốn kéo dài việc không thừa nhận Trung Quốc là MES và sẽ tiếp tục đánh giá việc nước này bán phá giá hay không theo Điều 15.
Có một thực tế, dường như EU đang siết chặt chính sách đối với hàng hóa Trung Quốc. Theo thống kê chính thức từ Ủy ban châu Âu, đến tháng 10-2016, EU đã áp quy định chống phá giá đối với hơn 50 loại hàng hóa khác nhau của Trung Quốc. Gần nhất, tháng 8 vừa qua, sau khi điều tra, Ủy ban châu Âu đã áp thuế chống bán phá giá đối với các sản phẩm thép Trung Quốc với cáo buộc được trợ cấp không công bằng.
Edwin Vermuls, một thành viên của công ty luật quốc tế VVGB tại Bỉ, nhận định Trung Quốc là mục tiêu chính của các quy định mới về chống gian lận thương mại của EU. Quy định mới này nhiều khả năng sẽ tiếp tục thổi bùng những căng thẳng trong quan hệ thương mại giữa EU và Trung Quốc, có thể làm xói mòn hợp tác thương mại giữa 2 bên. Bắc Kinh đã từng cáo buộc EU đang vi phạm các quy định về tự do thương mại và khuyến khích các xu hướng bảo hộ.
Nỗi lo bành trướng kinh tế
Việc EU ban hành các quy định mới về chống gian lận thương mại có thể xem là một biện pháp tự vệ nữa trong bối cảnh tham vọng bành trướng kinh tế sang châu Âu của Trung Quốc. Các nền kinh tế lớn của châu Âu là Pháp, Đức và Italia đã lên tiếng kêu gọi EU phải có biện pháp với chiến dịch thâu tóm các doanh nghiệp châu Âu từ “các nhà đầu tư nước ngoài” (nhiều chuyên gia nhận định là ám chỉ Trung Quốc). Chương trình Made in China 2025 của Bắc Kinh đang được cụ thể hóa bằng làn sóng những tập đoàn lớn của Trung Quốc đầu tư vào các ngành công nghệ cao của châu Âu.
Năm 2016, sự việc tập đoàn về thiết bị điện gia dụng Trung Quốc Midea mua lại hãng chế tạo robot công nghiệp Kuka của Đức đã gây rúng động trong giới công nghiệp Đức. Các nước châu Âu cũng cáo buộc Trung Quốc tạo ra vô số các trở ngại đối với các nhà đầu tư nước ngoài, như buộc họ phải thành lập công ty liên doanh, phải chuyển giao công nghệ, cấm đầu tư vào một số lĩnh vực…
Vì thế, Đức, Pháp, Italia cũng đề nghị biện pháp ngăn chặn các vụ mua bán đối với các nhà đầu tư ở những nước không mở cửa tương xứng cho châu Âu.
Theo tờ Les Echos của Pháp, năm ngoái các công ty Trung Quốc đã đầu tư hơn 35 tỷ EUR vào châu Âu, tăng 76% chỉ trong một năm. Hiện nay một số nước châu Âu như Hà Lan, Bồ Đào Nha hay Phần Lan vẫn còn có nhu cầu và sẵn sàng đón nhận đầu tư của Trung Quốc.
Nguồn tin: SGGP