ThyssenKrupp đã đạt được một thỏa thuận hồi tháng 6/2018 để sáp nhập bộ phận sản xuất thép với Tata để ứng phó với “làn sóng” thép giá rẻ từ Trung Quốc.
Liên minh châu Âu (EU) ngày 30/10 đã bắt đầu tiến hành một cuộc điều tra kỹ lưỡng đối với đề xuất thành lập một liên doanh giữa Tata Steel (Ấn Độ) và ThyssenKrupp (Đức) khi cho rằng điều này có thể ảnh hưởng tới sự cạnh tranh trên thị trường thép.
ThyssenKrupp đã đạt được một thỏa thuận hồi tháng 6/2018 để sáp nhập bộ phận sản xuất thép với Tata để ứng phó với “làn sóng” thép giá rẻ từ Trung Quốc đã gây ra tình trạng mất cân bằng trên thị trường thép thế giới. Các quan chức lãnh đạo Tata Steel và ThyssenKrupp hy vọng thỏa thuận trên sẽ giúp tiết kiệm 400-500 triệu euro (470-590 triệu USD).
Với tên gọi "Thyssenkrupp Tata Steel" và trụ sở tại Hà Lan, liên doanh mới dự kiến sẽ trở thành nhà sản xuất thép lớn thứ 2 châu Âu. với 48.000 lao động, có sản lượng khoảng 21 triệu tấn thép/năm và doanh thu khoảng 15 tỷ euro.
Ủy ban châu Âu (EC) cho biết đã mở cuộc điều tra chuyên sâu để đánh giá việc thành lập liên doanh giữa Tata Steel và ThyssenKrupp và hiện đang quan ngại vụ sáp nhập này có thể làm giảm sự cạnh tranh trong việc cung cấp nhiều loại thép cao cấp khác nhau.
Một cuộc điều tra trước đó đã làm dấy lên những vấn đề tiềm ẩn về cạnh tranh trong việc cung cấp các loại thép chuyên dụng, trong đó có các loại thép sử dụng để sản xuất ô tô và các sản phẩm kỹ thuật như máy biến áp.
Theo Ủy viên phụ trách cạnh tranh của EU Margrethe Vestager, các ngành nghề sử dụng thép tạo việc làm cho hơn 30 triệu lao động ở châu Âu và châu Âu sẽ phải cạnh tranh trên các thị trường trên thế giới. Đó là lý do tại sao EC sẽ phải điều tra cẩn thận ảnh hưởng của việc thành lập liên doanh nói trên đối với sự cạnh tranh trên thị trường thép thế giới.
Nguồn tin: Bnews