Ðồng tiền chung châu Âu ơ-rô, thị trường chứng khoán và giá dầu mỏ liên tục giảm giá trên thị trường thế giới.Trong phiên giao dịch ngày 17-5, 1 ơ-rô chỉ đổi được 1,2235 USD, mức thấp nhất trong vòng bốn năm qua (từ tháng 4-2006). Giá dầu thế giới giảm xuống dưới 70 USD/thùng.
Mặc dù vậy, lãnh đạo các nước khu vực đồng tiền ơ-rô vẫn tin rằng, ơ-rô là đồng tiền đáng tin cậy. Hội nghị Bộ trưởng tài chính các nước khu vực đồng ơ-rô diễn ra ngày 17 và 18-5 tại Brúc-xen (Bỉ) bàn thảo vấn đề cấp bách và khó khăn này.
Tại Hội nghị Brúc-xen, Bộ trưởng Tài chính Ðức Vôn-phơ-gang Soi-blơ đã kêu gọi các nước châu Âu đưa ra những nguyên tắc tài chính chặt chẽ hơn và đặt mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách quốc gia là ưu tiên số một trong những quyết sách kinh tế. Bộ trưởng Tài chính Pháp Cri-xtin La-gác-đơ cũng cho rằng, bất kỳ nước thành viên nào vi phạm sẽ phải đối mặt với lệnh trừng phạt nghiêm khắc hơn. Chủ toạ cuộc họp, Thủ tướng Luých-xăm-bua Giăng-Clốt Giăng-cơ ủng hộ kế hoạch của EU phối hợp điều chỉnh mức thâm hụt ngân sách của 27 nước thành viên. Theo ông Giăng-cơ, nguyên nhân khiến đồng ơ-rô mất giá kỷ lục so với đồng USD trong vòng bốn năm qua là do trên thực tế, các thị trường vẫn hoài nghi về mức độ thành công của giải pháp ngăn ngừa cuộc khủng hoảng nợ lan rộng ra khu vực đồng tiền chung châu Âu.
Theo các nhà phân tích, thị trường thế giới đang biến động mạnh là do những đồn đoán về khả năng châu Âu sẽ phải đối mặt một cuộc khủng hoảng tài chính mới khi gói cứu trợ chung trị giá 110 tỷ ơ-rô của EU và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dành cho Hy Lạp trong vòng ba năm không thể cứu vãn tình thế. Sự hiện hữu của "bóng ma" khủng hoảng nợ và thâm hụt ngân sách khổng lồ đã và đang làm đau đầu các nhà lãnh đạo khối EU. Khủng hoảng nợ công ở Hy Lạp và sự mong manh của các nền kinh tế thành viên đang thử thách tính thống nhất của EU. Theo Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostats), thâm hụt ngân sách của Hy Lạp năm 2009 chiếm 13,6% GDP, trong khi nợ công chiếm 115% GDP, có thể tiếp tục cao hơn trong vài năm tới. Chính phủ Hy Lạp đã thực hiện một loạt biện pháp "thắt lưng buộc bụng". EU và IMF ngày 9-5 đã quyết định cho nước này vay 110 tỷ ơ-rô, song những biện pháp này được cho là không thể làm dịu sức nóng của thị trường tài chính và xã hội. Tại Thủ đô A-ten, liên tiếp diễn ra các cuộc biểu tình và bạo động phản đối chính phủ.
Hy Lạp là khâu yếu nhất trong mắt xích hệ thống kinh tế của EU. Nay, một số mắt xích khác trong cỗ máy kinh tế EU cũng đang "rệu rã". Chính phủ các nước Bồ Ðào Nha và Tây Ban Nha vừa phải áp dụng một số biện pháp kinh tế khắc khổ để giảm tình trạng thâm hụt ngân sách. Tại Bồ Ðào Nha, thâm hụt ngân sách Nhà nước lên đến 9,4% trong năm 2009. Nợ công cũng ở mức 76,6% GDP trong năm ngoái và có thể lên tới 86% trong năm nay. Một quan chức Bồ Ðào Nha thừa nhận tình trạng bất lực về thực trạng kinh tế. Tây Ban Nha từng tận hưởng hơn một thập kỷ kinh tế tăng trưởng nhanh và từ lâu vẫn được đánh giá là có một ngân sách cân bằng và mức nợ công thấp, cũng đang đứng trước những khó khăn không dễ tháo gỡ. Thâm hụt ngân sách của Tây Ban Nha lên tới 11,2% trong năm 2009 và có thể vẫn cao gấp ba lần mức trần của EU trong năm 2010. Tình hình tài chính-kinh tế của bốn nền kinh tế lớn ở EU là Anh, Pháp, I-ta-li-a và Ðức cũng đáng lo ngại. Nợ công của I-ta-li-a vào khoảng 115% GDP, trong khi thâm hụt ngân sách của Anh ở mức hơn 11% GDP. Pháp cũng phải tạm ngừng mọi chi tiêu cho khu vực công trong vài năm tới để giảm thâm hụt ngân sách, trong khi Ðức đang phải vật lộn để cân bằng mức thâm thủng ngân sách khổng lồ.
Quỹ IMF mới đây đã cảnh báo rằng, cuộc khủng hoảng nợ công toàn diện ở Hy Lạp chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm" và mối lo ngại thật sự hiện đang tập trung ở Tây Ban Nha và I-ta-li-a. Trong bối cảnh trên, người ta nghi ngờ rằng, liệu gói cứu trợ của EU/IMF 110 tỷ ơ-rô dành cho Hy Lạp, "Quỹ chống khủng hoảng" trị giá 750 tỷ ơ-rô vừa được EU và IMF thiết lập cũng như các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" khắc khổ của các nước có xua tan được "bóng ma" khủng hoảng nợ đang bao trùm châu Âu hay không?. Một số chuyên gia cho rằng, đối với khu vực đồng ơ-rô, "Quỹ chống khủng hoảng" chỉ là liều thuốc trấn an thị trường, song không thể trị bệnh tận gốc. Chính sách "thắt lưng buộc bụng" của các nước EU thậm chí có thể đe dọa khả năng phục hồi của khu vực đồng ơ-rô, vốn còn đang rất mong manh. Dư luận châu Âu nhận định, "Quỹ chống khủng hoảng" có thể không phát huy tác dụng như mong đợi bởi các nhà lãnh đạo EU chưa đưa ra được cơ chế rõ ràng về mức đóng góp của các nước thành viên đối với việc đóng góp cũng như giải ngân 440 tỷ ơ-rô trong quỹ này. Một số hạn chế của EU bộc lộ rõ qua các cuộc khủng hoảng gần đây là vẫn thiếu sự thống nhất và tiếng nói chung.
Nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) Giu-ghen Xtác cho rằng, "Quỹ chống khủng hoảng" của EU và IMF nhất trí lập ra để cứu giúp các nền kinh tế yếu kém trong khu vực sử dụng đồng ơ-rô chỉ có tác dụng kéo dài thời gian. ECB đã thông báo sẽ bắt đầu mua nợ công của 16 quốc gia sử dụng đồng ơ-rô, một biện pháp mà ngân hàng này kiên quyết phản đối trong thời gian xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD) cảnh báo, các nền kinh tế Ðông Âu đang đứng trước nguy cơ ngày càng chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính ở Hy Lạp, trong lúc các nước này đang chịu ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế thế giới.
ND