Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

EU và bài toán tăng trưởng kinh tế

Sau cú sốc về nợ công ở Hy Lạp nhấn chìm niềm tin vào đồng Euro, thì việc Chính phủ các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đua nhau thắt chặt chi tiêu, áp dụng nhiều biện pháp để giải cứu nền kinh tế đã giúp GDP quý II của một số nước trong khu vực tăng lên. Tuy nhiên, nhiều khả năng một kịch bản xấu sẽ lại xảy ra với EU trong nửa cuối năm nay khi triển vọng xuất khẩu của các nước trong khối không mấy tốt đẹp do những tín hiệu cho thấy sự trì trệ của hai nền kinh tế Mỹ, Nhật và sự chững lại của Trung Quốc.

Theo hãng tin Bloomberg, Bộ Thương mại Mỹ có khả năng điều chỉnh lại tỷ lệ tăng trưởng GDP quý II xuống mức thấp nhất kể từ khi quá trình hồi phục kinh tế bắt đầu. GDP quý II của Trung Quốc cũng chậm lại ở mức 10,3%, dấu hiệu cho thấy sự sụt giảm vào nửa cuối năm 2010 càng được củng cố khi sản lượng công nghiệp tháng 6 của nước này thấp hơn dự báo của giới phân tích. Ông Olli Rehn, Cao ủy của EU về các vấn đề kinh tế và tiền tệ trong cuộc phỏng vấn ngày 24/8 với hãng tin Bloomberg nhận định: "Bất cứ sự suy giảm nào ở châu Á, nhất là các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ, sẽ có tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế khu vực châu Âu". Theo ông Rehn, "điều cần thiết là các nước như Hy Lạp, Bồ Đào Nha và cả Tây Ban Nha cần giải quyết tốt vấn đề sức cạnh tranh đi xuống" nếu không EU sẽ bị mất đà tăng trưởng ngay trong nửa cuối năm nay.

 

Một nguy cơ nữa mà các nước EU đang phải đối mặt là sự tăng trưởng của EU gần như phụ thuộc vào tăng trưởng của hai nền kinh tế Pháp và Đức. Nhật báo phố Wall của Mỹ cũng nhận định hầu như không có dấu hiệu nào cho thấy các nền kinh tế yếu kém hơn trong EU sẽ đạt mức tăng trưởng khả quan như Đức và Pháp.

 

GDP trong quý II của Đức tăng trưởng 2,2%, nhưng Tây Ban Nha chỉ tăng trưởng có 0,2%, còn Hy Lạp lại âm tới 1,5%. Cơ quan theo dõi thị trường của Đài Truyền hình CBS của Mỹ cho biết, tăng trưởng 1% của EU trong quý II, mức tăng cao nhất trong vòng 3 năm qua chủ yếu nhờ tăng trưởng của nền kinh tế Đức. Trong khi đó, Pháp cũng vừa quyết định hạ thấp mức dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2011 ở mức 2% . Tuy nhiên, con số 2% dường như vẫn còn quá cao khi IMF cho rằng, nền kinh tế Pháp trong năm tới sẽ chỉ tăng trưởng 1,6%.

 

Cơ quan xếp hạng tín dụng Moody cảnh báo Chính phủ các nước EU đang phải đối mặt với những thách thức tài chính và nguy cơ mất đà tăng trưởng kinh tế sẽ ảnh hưởng đến việc giảm tỷ lệ nợ. Mặc dù tỷ lệ nợ công cao ở Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Ireland, Hungary đã giảm đáng kể, nhưng nỗ lực này sẽ duy trì được trong bao lâu vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ. Mâu thuẫn trong việc vừa thực hiện các biện pháp thúc đẩy kinh tế vừa phải hạn chế kích thích chi tiêu tài chính sẽ đẩy các nước EU đến tình thế tiến thoái lưỡng nan. Nếu hạn chế chi tiêu sẽ giảm được tỷ lệ nợ công nhưng tăng trưởng yếu đi, thất nghiệp tăng lên. Còn ban hành một số gói kích thích kinh tế sẽ tạo được tăng trưởng trong ngắn hạn nhưng lại khiến nguy cơ lạm phát và "vỡ nợ" tăng cao.

Nguồn: KTĐT

ĐỌC THÊM