Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang dấy lên lo ngại dư thừa công suất thép, khiến hãng sản xuất thép lớn nhất Việt Nam phải cân nhắc việc ngừng kế hoạch xây dựng lò cao thứ ba.
Formosa Hà Tĩnh Steel cân nhắc kế hoạch xây dựng lò cao thứ ba. (Ảnh: Nikkei Asian Review)
Formosa Hà Tĩnh Steel lo ngại chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ đẩy thép giá rẻ sang Việt Nam
Theo Nikkei Asian Review, đại diện Formosa Hà Tĩnh Steel (FHS) cho biết chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể đẩy các sản phẩm thép rẻ tiền từ Trung Quốc sang Việt Nam (quốc gia tiêu thụ thép lớn nhất khu vực Đông Nam Á) và khiến giá vật liệu này lao dốc.
Mặc dù về tổng thể, Việt Nam được xem là nước hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, tình thế tiến thoái lưỡng nan của FHS cho thấy các ngành công nghiệp của Việt Nam có thể sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực.
Formosa Plastics, một nhà sản xuất nhựa Đài Loan, sở hữu hơn 70% FHS. Ngoài ra, hãng thép China Steel (Đài Loan) nắm giữ 20% và JFE của Nhật Bản sở hữu 4%. FHS đang vận hành các lò cao tích hợp tại Hà Tĩnh.
Lò cao luyện thép đầu tiên được đưa vào vận hành trong năm 2017. Một năm sau đó, công ty vận hành tiếp lò cao thứ hai.
Nhà máy thép có khả năng sản xuất 7,1 triệu tấn thép thô mỗi năm.
Formosa Hà Tĩnh Steel giữ lập trường thận trọng, cân nhắc kĩ kế hoạch xây dựng lò cao thứ ba
Với mục tiêu trở thành nhà sản xuất thép tích hợp lớn nhất Đông Nam Á, vị trí vốn đang do Krakutau Posco của Indonesia nắm giữ, FHS đã lên kế hoạch xây dựng một lò cao khác vào hoặc sau năm 2020 để tăng công suất lên hơn 10 triệu tấn trong thời gian tới và 22,5 triệu tấn trong tương lai.
"Chúng tôi sẽ xem xét cẩn thận kế hoạch này vì bất ổn xoay quanh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang gia tăng", Chủ tịch FHS Steel Chen Yuan-cheng cho hay với Nikkei.
FHS sẽ quyết định thời điểm bắt đầu khởi công xây dựng lò cao mới vào cuối năm nay thông qua các cuộc đàm phán với ba cổ đông lớn và Chính phủ Việt Nam.
Sau khi liên tục mở rộng sản xuất, FHS đang giữ lập trường kinh doanh thận trọng do bất ổn của cuộc chiến tranh thương mại.
Tại Trung Quốc, giá thép đang giảm dần khi suy thoái kinh tế khiến nhu cầu đi xuống. Do đó, thị trường ngày càng lo ngại ngành thép toàn cầu sẽ một lần nữa dư thừa công suất và trở lại đà suy giảm, mà họ mới vượt "cạn" thành công vài năm trước.
Việt Nam nhập khẩu hơn 8 triệu tấn thép cuộn cán nóng mỗi năm, trong đó 40% đến từ Trung Quốc. Khi thép không bị đánh thuế quan, các sản phẩm giá rẻ này sẽ tiếp tục đổ bộ từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Theo FHS, thép cuộn cán nóng tại Việt Nam hiện được niêm yết ở mức 500 USD/tấn, giảm 10% so với một năm trước. Giá sẽ giảm sâu hơn nữa nếu thép nhập khẩu từ Trung Quốc tăng. Đối với FHS, điều này sẽ khiến doanh thu của công ty giảm, ngay cả khi doanh số tăng.
"Sự cạnh tranh với hàng nhập khẩu đang gia tăng", ông Chen nói.
FHS được cho là đang lên kế hoạch xây dựng hai lò cao tương đương công suất với các lò hiện có. Tổng chi phí có thể lên đến 4 tỉ USD.
Một khi lò cao bắt đầu hoạt động, nó khó có thể dừng lại. Do đó, FHS sẽ cẩn trọng xem xét cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ kéo dài bao lâu.
Việt Nam, quốc gia tiêu thụ thép lớn nhất Đông Nam Á, đứng trước nhiều nỗi lo
Khi nền kinh tế Việt Nam phát triển, nhu cầu về vật liệu xây dựng cũng tăng, theo đó đưa Việt Nam trở thành nước tiêu thụ thép lớn nhất Đông Nam Á.
Năm 2016, Việt Nam đã vượt qua Thái Lan trong hoạt động tiêu thụ thép thành phẩm. Năm 2018, Việt Nam tiêu thụ 22,3 triệu tấn thép, tăng 3% so với một năm trước đó. Tính theo đầu người, Việt Nam tiêu thụ khoảng 240 kg thép mỗi năm, cao gấp 4 lần so với Indonesia.
Nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng với tốc độ nhanh hơn so với các nước láng giềng, với tổng sản phẩm quốc nội duy trì tốc độ tăng trưởng hàng năm là 6 - 7%. Đầu tư vào đường sắt đô thị và các cơ sở hạ tầng khác cũng tăng mạnh. Việc doanh nghiệp nước ngoài tiếp tục xây dựng cơ sở sản xuất tại Việt Nam cũng giúp lượng thép tiêu thụ tăng cao hơn.
Hoạt động cung ứng sản phẩm thép cho ngành ô tô cũng được dự đoán sẽ tăng trưởng.
Hôm 24/6, Vingroup đã bắt đầu bán xe hơi được thiết kế và sản xuất tại Việt Nam. Tập đoàn đã khánh thành nhà máy sản xuất ô tô với công suất ban đầu là 250.000 xe hơi mỗi năm. Tập đoàn kì vọng nâng con số đó lên 500.000 trong tương lai, tuy nhiên họ có thể sẽ cần một nhà máy sản xuất thép tấm chất lượng cao.
Với mong muốn tăng nhu cầu thép trong nước, Tập đoàn Hòa Phát sẽ bắt đầu vận hành lò cao với công suất hàng năm là 1 triệu tấn tại Quảng Ngãi, nhiều khả năng vào cuối tháng 6. Hòa Phát có kế hoạch tăng công suất lên 4 triệu tấn trong năm tới.
Khi kế hoạch tăng công suất của FHS hoàn thiện, hai công ty sẽ hợp tác để sản xuất khoảng 26,5 triệu tấn thép, tương đương gần 30% công suất thép thô của Nhật Bản, theo Nikkei. Nhật Bản hiện là quốc gia có công suất thép thô lớn thứ ba thế giới.
Đầu thế kỉ này, ngành thép toàn cầu bị chấn động mạnh vì giá thép giảm sâu. Nguyên nhân xuất phát từ việc Trung Quốc bán phá giá thép trên thị trường.
Mặc dù Trung Quốc đã giảm công suất thép, các hãng thép của đất nước tỉ dân lại một lần nữa tìm đến thị trường nước ngoài để bán sản phẩm vì nhu cầu trong nước thu hẹp, phản ứng với cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Nguồn tin: Vietnambiz