Những bất đồng trong việc làm thế nào để nhanh chóng giảm các khoản thâm hụt ngân sách đang tăng nhanh và phục hồi lại thế cân bằng cho nền kinh tế toàn cầu khiến hội nghị G20 khai mạc vào ngày 03/06 trở nên căng thẳng.
Đà rớt giá manh của đồng tiền chung châu Âu và thị trường chứng khoán thế giới do mối quan ngại khủng hoảng nợ Hy Lạp có thể lan rộng sang các quốc gia khác trong eurozone đã khiến hội nghị G20 tại thành phố cảng Busan của Hàn Quốc càng trở nên cấp thiết.
G20 đã bác bỏ chính sách cải cách tài chính và điều hành, bao gồm việc đánh thuế lên các ngân hàng lớn, thay vào đó sẽ tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm và cấp bách là cân bằng giữa cắt giảm thâm hụt ngân sách và duy trì tốc độ phát triển của nền kinh tế.
Nhu cầu phối hợp trong các biện pháp thắt chặt tài chính cũng khá cấp thiết. Khủng hoảng nợ châu Âu cho thấy một số nước sẽ phải thu hồi biện pháp kích thích sớm hơn dự báo, một viên chức của G20 cho biết.
G20, đến nay, chủ yếu tập trung thảo luận về thời điểm để tháo dỡ những chính sách tài chính và tiền tệ nới lỏng từng được bơm vào nền kinh tế để đẩy lùi khủng hoảng.
Ông Jim Flaherty, Bộ trưởng Tài chính Canada cho rằng các nước G20 nên hết sức chú ý trong việc cải cách lĩnh vực tài chính, tập trung vào những yêu cầu về vốn, và không đi theo hướng áp dụng một sắc thuế toàn cầu đối với ngân hàng.
Flaherty cho biết tuần trước ông đã đề xuất với các thành viên khác trong G20 một nguồn vốn dự phòng cố định để vực dậy các ngân hàng như một biện pháp thay thế cho việc đánh thuế.
Với mong muốn nhanh chóng xoa dịu thị trường thế giới, G20 được cho là sẽ hỗ trợ eurozone trong chiến lược cắt giảm thâm hụt ngân sách, mặc dù Trung Quốc và Brazil phàn nàn rằng khối này chưa hành động quyết đoán hơn.
Trong khi đó, bà Christine Lagarde, Bộ trưởng Tài chính Pháp gạt bỏ lo ngại của một số quốc gia còn lại trong G20 khi Đức đang chuẩn bị áp dụng các chính sách thắt chặt mới, trong khi mức GDP trên 5% của nước này là khá khiêm tốn so với tiêu chuẩn của châu Âu.
Bà cho rằng việc gỡ bỏ các liệu pháp kích thích kinh tế mà các chính phủ từng áp dụng để chống suy thoái chỉ còn là vấn đề của việc bắt nhịp tốt nhưng cũng cảnh báo nên tránh việc chuyển đổi quá mạnh mẽ.
Được biết, Đức đang cân nhắc việc tăng mức thuế VAT từ 7% lên mức trần 19%.
Ngoài việc bàn luận để “chữa cháy” cho vấn đề thâm hụt ngân sách, các bộ trưởng cũng sẽ bàn luận về khuôn khổ tăng trưởng trong trung hạn, hoặc cách thức để xóa bỏ tình trạng mất cân bằng kinh tế gây ra bởi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Reuters