Nhu cầu thấp, kinh doanh thua lỗ và áp lực cắt giảm chi phí là những thách thức mà ngành thép Trung Quốc phải đối mặt giai đoạn này.
Tuần trước, các công ty sản xuất thép lớn của Trung Quốc đưa ra một tuyên bố cảnh báo về lợi nhuận của họ. Trong tuyên bố này, các nhà sản xuất thừa nhận một loạt trở ngại mà họ dự kiến gặp phải trong nửa cuối năm nay. Họ cũng khẳng định nhu cầu thấp, khả năng sinh lời giảm và áp lực cắt giảm chi phí là những yếu tố chính làm trầm trọng thêm những thách thức này.
Trong khi đó, Hiệp hội Sắt thép Trung Quốc (CISA) khẳng định ngành công nghiệp này đã đạt đến bước ngoặt quan trọng về nhu cầu. CISA đồng tình với quan điểm về mức tiêu thụ thấp và tỷ suất sinh lợi mỏng kéo dài.
Đây cũng là 2 vấn đề lớn nhất của ngành công nghiệp sản xuất thép Trung Quốc giai đoạn này. Trong tháng 6, mặc dù số đơn hàng tăng lên, doanh số vẫn sụt giảm. Gần 1 nửa số nhà máy thép lớn của Trung Quốc đều thua lỗ trong 5 tháng đầu năm.
Các nhà máy thép của Trung Quốc chiếm hơn 1 nửa sản lượng thép toàn cầu. Họ cũng là những nhà nhập khẩu quặng sắt lớn nhất. Quốc gia này phục thuộc rất nhiều vào quặng sắt nhập khẩu từ Úc và Brazil để sản xuất thép.
Các công ty sản xuất thép gặp khó do kinh tế phục hồi không như kỳ vọng và khủng hoảng trên thị trường bất động sản. Trong khi đó, chính phủ tiếp tục khuyến khích việc sáp nhập và cắt giảm để giải quyết tình trạng cung vượt cầu dai dẳng. Có thể nói, ngành thép Trung Quốc đang trải qua một cuộc cải tổ nhưng tiến độ khá chậm.
Chính phủ Trung Quốc vẫn chưa đưa ra các biện pháp mạnh tay dù kêu gọi thúc đẩy tăng trưởng. Gần 1 năm qua, lợi nhuận ngành thép ở mức thấp trong khi giá nguyên liệu đầu vào để sản xuất thép vẫn cao.
Giá thép cây giao ngay – ngoại vật liệu xây dựng quan trọng, đã giảm hơn 8% trong năm nay. Trong khi đó, quặng sắt kỳ hạn tại Singapore chỉ giảm khoảng 3% trong cùng thời điểm.
Trích lời Xuelian Li, nhà phân tích cao cấp tại Viện nghiên cứu Marubeni, Nikkei tin rằng tình trạng cải tổ của ngành công nghiệp Trung Quốc có thể sẽ tiếp diễn trong 5-10 năm tới nếu hoàn cảnh hiện tại vẫn được duy trì.
Theo báo cáo của Marubeni Research, mức độ dư thừa nguồn cung (được xác định bằng cách lấy lượng sản xuất thép thô trừ đi lượng tiêu thụ) đã đạt mức cao nhất trong 7 năm trong 5 tháng đầu năm 2023.
Nguồn tin: Cafebiz