Phương án bán Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên là một trong 3 hướng giải quyết được Chính phủ tính tới để xử lý vướng mắc cho dự án thép trị giá hơn 8.000 tỷ đồng đã "đắp chiếu" suốt 4 năm nay tại đơn vị này.
Dự án Đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của Gang thép Thái Nguyên đã "đắp chiếu" suốt thời gian dài vì nhiều vướng mắc. Ảnh:H.D
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có chỉ đạo về hướng xử lý dự án Đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO) sau cuộc họp của Thường trực Chính phủ về vấn đề này.
Theo đó, Bộ Công Thương được giao thành lập tổ công tác, thuê tư vấn độc lập để đánh giá toàn diện dự án và đưa ra phương án xử lý theo 3 hướng: bán dự án, bán Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên hoặc kêu gọi doanh nghiệp góp vốn đầu tư.
Thủ tướng cũng yêu cầu làm rõ khả năng đàm phán với đối tác Trung Quốc để có thể hoàn thiện nhà máy, vận hành và ra sản phẩm. Phương án xử lý cần được đề xuất, báo cáo Chính phủ trước ngày 1/7 tới.
Dự án Đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của Gang thép Thái Nguyên gây chú ý khi đã “đắp chiếu” nhiều năm nay, sau khi gặp nhiều vướng mắc về vấn đề tài chính. Theo tính toán của TISCO, tổng mức đầu tư sau khi điều chỉnh lên tới 9.031 tỷ đồng, tăng gần 1.000 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư cũ. Trước đó, theo đề nghị của nhà thầu Trung Quốc, dự án này đã tăng vốn từ 3.843 tỷ đồng lên 8.014 tỷ đồng. Như vậy, tổng mức đầu tư sau điều chỉnh đã “đội” lên hơn 2 lần so với ban đầu.
Hồi tháng 2/2016, Bộ Công Thương cũng đã có báo cáo trình Thủ tướng liên quan tới vấn đề tài chính của TISCO, đồng thời đề nghị chấp thuận những đề xuất của TISCO liên quan tới dự án này. Tuy nhiên, cơ quan này cũng thừa nhận với tổng mức đầu tư sau điều chỉnh lên tới 9.031 tỷ đồng thì cơ bản dự án không còn hiệu quả.
Ngược lại, sau khi TISCO và đơn vị tư vấn tính toán lại, nếu tổng mức đầu tư chỉ còn 7.871 tỷ đồng thì có thể hiệu quả, lợi nhuận trên vốn sẽ đạt 10,78%, cao hơn lãi suất ngân hàng bình quân 9,38%. Và để đảm bảo tính hiệu quả của dự án khi triển khai tiếp, TISCO đã đưa ra một loạt kiến nghị về ưu đãi “khủng” về miễn tiền trả lãi vay, ưu đãi thuế… đối với dự án này gửi Thủ tướng xem xét.
Cụ thể, TISCO kiến nghị Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) khoanh nợ gốc, đồng thời miễn 100% lãi vay thời gian dự án dừng thi công, số tiền khoảng 386 tỷ. Tiền vay từ ngân hàng này chỉ tính lãi 5,5%/năm.
Với VietinBank, TISCO cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo khoanh nợ gốc, miễn tối thiểu 50% lãi vay thời gian dự án ngừng thi công, cho TISCO đến năm 2019 mới bắt đầu trả nợ và đến năm 2034 mới trả xong...
Với khoản thuế giá trị gia tăng, Nhà nước đã hoàn lại cho TISCO khoảng 330 tỷ đồng, đề nghị không đưa khoản này vào tổng mức đầu tư dự án. Đặc biệt, TISCO kiến nghị miễn luôn thuế nhà thầu cho nhà thầu Trung Quốc, bao gồm thuế thu nhập doanh nghiệp 2%, giá trị gia tăng 5%... tương đương giá trị khoảng 133 tỷ đồng.
Cách đây ít lâu, Bộ Tài chính cũng đã có văn bản từ chối kiến nghị của Bộ Công Thương dành một loạt ưu đãi của dự án này. Theo các chuyên gia kinh tế, trong lúc các dự án và thị trường thép đã bão hoà thì việc đầu tư thêm khoảng 3.000 tỷ đồng nữa cho một dự án thép, mà đầu ra của sản phẩm không có gì đặc biệt hơn các dự án thép đã triển khai là điều cần cân nhắc.
Nguồn tin: baodauthau