Bán dự án là một trong ba phương án được xem xét để xử lý dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên tuy nhiên, Bộ Công Thương đã đề xuất lựa chọn phương án thoái vốn nhà nước và tái cơ cấu lại TISCO.
Tại báo cáo rà soát, đánh giá tổng thể về thực trạng, mức độ thiệt hại, xử lý các dự án thua lỗ, kém hiệu quả của Bộ Công Thương lên Quốc hội, về phương án xử lý dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 nhà máy gang thép Thái Nguyên, Bộ Công Thương cho biết, hiện tại dự án đang bị dừng thi công do chi phí tăng cao và thiếu vốn.
Theo Bộ Công Thương có 3 phương án được xem xét để xử lý đối với dự án. Cụ thể, phương án 1 là bán dự án, phương án thứ 2 là kêu gọi doanh nghiệp, nhà đầu tư góp vốn đầu tư dự án và phương án thứ 3 là thoái vốn nhà nước và tái cơ cấu CTCP Gang thép Thái Nguyên (TISCO).
“Trên cơ sở cân nhắc kỹ lưỡng các yếu tố như tình hình thực tế, tính pháp lý, tính khả thi... đề xuất lựa chọn phương án 3 thoái vốn nhà nước và tái cơ cấu lại TISCO”, Bộ Công Thương cho biết.
Mới đây, TISCO đã ra thông báo về việc tổ chức Đại hội cổ đông bất thường vào ngày 29/6 tới đây và nội dung của cuộc đại hội lần này là giảm vốn điều lệ từ 2.840 tỷ đồng xuống còn 1.840 tỷ đồng, bỏ nội dung nói về cổ đông chiến lược. Đồng thời, doanh nghiệp thông qua chủ trương về việc phát hành thêm cổ phiếu tối đa 2.000 tỷ đồng để tăng vốn điều lệ và bầu bổ sung, thay thế một số thành viên hội đồng quản trị.
Ngày 25/4, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã bán đi toàn bộ 100 triệu cổ phiếu TIS, tương ứng với tỷ lệ vốn góp 35,21%. 100 triệu cổ phần là số cổ phần TISCO phát hành riêng lẻ cho SCIC năm 2015. Sau phát hành TISCO tăng vốn điều lệ lên 2.840 tỷ đồng. Mục đích phát hành tăng vốn để thanh toán cho các hạng mục đầu tư của dự án cải tạo mở rộng giai đoạn 2.
Tuy nhiên, dự án cải tạo mở rộng giai đoạn 2 được triển khai từ năm 2007 nhưng đến thời điểm hiện tại các hạng mục chính của dự án tại khu vực Lưu Xá vẫn chưa hoàn thành. Tổng chi phí đầu tư của dự án tới thời điểm 31/12/2016 là 4.635,5 tỷ đồng trong đó chi phí lãi vay được vốn hoá là 1.435,4 tỷ đồng.
Báo cáo của TISCO cho biết, liên quan đến dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2, tổng số vốn giải ngân cho dự án là hơn 4.563 tỷ đồng, trong đó ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) là hơn 1.404 tỷ đồng, ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank) hơn 1.869 tỷ đồng, phía chủ đầu tư hơn 1.290 tỷ đồng.
Theo quy định trong hợp đồng tín dụng TISCO đã ký với VDB và Vietinbank thì từ 1/1/2017 chủ đầu tư TISCO bắt đầu phải trả nợ gốc và lãi vay ân hạn, bình quân mỗi tháng 45,5 tỷ đồng cho cả 2 ngân hàng tính trên số dư nợ tính đến 30/11/2016.
Nguồn tin: Bizlive