Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Gang thép Thái Nguyên: Dùng quyền khai thác mỏ để bảo lãnh khoản vay

  Nằm trong diện các dự án đội vốn nóng, Dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 mở rộng với tổng mức đầu tư ban đầu là 3.843 tỷ đồng, trong đó vốn tự có của chủ đầu tư là 10%, còn lại là đi vay 90%. Đến nay, sau hơn 10 năm triển khai, gói thầu 2 của dự án vẫn “đắp chiếu” nằm đó và vốn đầu tư bị điều chỉnh độn lên gấp hơn 2 lần. Đáng lưu ý là TCty Thép đã đứng ra bảo lãnh vốn vay cho dự án, nay phía doanh nghiệp đề nghị lấy chính mỏ sắt Tiến Bộ ra làm tài sản bảo lãnh vốn vay?


Độn vốn đầu tư, công trình “ đắp chiếu”

Với tổng mức đầu tư 3.843 tỉ đồng, được Thủ tướng cho phép năm 2005, Dự án Gang thép Thái Nguyên mở rộng giai đoạn 2 đầu tư xây dựng với mục tiêu sản xuất 500.000 tấn phôi thép/năm, sử dụng nguồn nguyên liệu quặng sắt trong nước. Dự án bao gồm 2 gói thầu chính. Một là gói thầu mỏ sắt Tiến Bộ xây dựng nhà máy tuyển rửa quặng sắt công suất thiết kế 300.000 tấn quặng sắt tinh/năm, do nhà thầu trong nước trúng thầu, đã xây dựng hoàn thành đưa vào sản xuất tháng 5.2014, hiện nay đã đạt 100% công suất thiết kế.

Gói thầu thứ hai là xây dựng dây chuyền công nghệ luyện kim khu vực Lưu Xá, công suất 500.000 tấn phôi thép/năm do nhà thầu Tập đoàn xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC) đảm nhận thông qua đấu thầu quốc tế. Tháng 7/2007, chủ đầu tư là Cty CP gang thép Thái Nguyên và nhà thầu MCC đã ký hợp đồng EPC (thiết kế - E; cung cấp thiết bị - P; xây dựng và lắp đặt - C) với giá trị xấp xỉ 161 triệu USD (tương đương 2.587 tỉ đồng). Dự kiến, dự án sẽ hoàn thành sau 30 tháng thi công.

Nhưng với lý do giá cả vật tư nguyên nhiên liệu tăng cao nằm ngoài tầm kiểm soát của Cty CP Gang thép Thái Nguyên và MCC, nên trong vòng 18 tháng không thể triển khai thực hiện thi công dự án theo tiến độ. Tháng 3/2009, phía MCC đề nghị cho tách phần xây dựng và lắp đặt (C) giao lại cho nhà thầu Việt Nam là TCty xây dựng công nghiệp Việt Nam (Vinaincon) thực hiện. Nhà thầu MCC chỉ chịu trách nhiệm phần E và P.

Do năng lực nhà thầu Vinaincon hạn chế, không đảm bảo tiến độ, nên đầu năm 2011, Bộ Công thương cho phép Cty CP Gang thép Thái Nguyên và MCC được phép chọn thêm một số nhà thầu phụ trong nước vào thi công để đẩy nhanh tiến độ dự án. Do thiếu vốn, đến tháng 6/2012,các nhà thầu dừng thi công, rút người ra khỏi hiện trường và công trình “đắp chiếu” từ đó tới nay.

Dùng mỏ để thế chấp bảo lãnh khoản vay?

Để xử lý tình trạng thua lỗ tại dự án này, Bộ Công Thương đề xuất thoái vốn Nhà nước và tái cơ cấu Gang thép Thái Nguyên. Trong quý I/2018, TCty Thép Việt Nam (VN Steel) đang khẩn trương thông qua Hội đồng quản trị xem xét phê duyệt phương án thoái vốn Nà nước tại Cty Gang thép Thái Nguyên (TISCO).

Trong quá trình triển khai dự án, để vay tại Vietinbank cho dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của Cty Gang thép Thái Nguyên, TCty Thép Việt Nam (VN STEEL) đã đứng ra bảo lãnh khoản vay 1.864 tỷ đồng cho TISCO tại Vietinbank vào năm 2010.

4 năm sau, năm 2014, Hội đồng quản trị VNSTEEL đã báo cáo Bộ Công thương và yêu cầu TISCO chuyển đổi hình thức đảm bảo bằng tài sản để thay thế. VNSTEEL đề xuất giải pháp đảm bảo để thay thế nghĩa vụ bảo lãnh của TCty Thép Việt Nam. Theo đó, VNSTEEL đề nghị TISCO thế chấp tài sản để đảm bảo cho nghĩa vụ bảo lãnh và đã được TISCO chấp thuận đồng ý thế chấp toàn bộ quyền khai thác mỏ quặng sắt Tiến Bộ cho TCty.

TCty đã có Văn bản số 31/VNS-TCKT ngày 5/1/2018 gửi TISCO về việc đề nghị thế chấp tài sản để đảm bảo cho nghĩa vụ bảo lãnh và đã được TISCO thống nhất chấp thuận thế chấp toàn bộ quyền khai thác mỏ quặng sắt Tiến Bộ cho TCty tại Nghị quyết số 03/NQ-GTTN ngày 5/1/2018 của HĐQT TISCO.

Trên cơ sở đó, ngày 12/1/2018, TCty đã có Văn bản số 56/VNS-HĐQT gửi Vietinbank chi nhánh TP Hà Nội về việc giải phóng nghĩa vụ bảo lãnh của TCty. Theo đó, TCty và TISCO sẽ dùng quyền khai thác mỏ quặng sắt Tiến Bộ, tài sản/quyền tài sản khác của TISCO để thay thế hình thức bảo đảm vay bằng bảo lãnh của TCty khi TCty thoái vốn theo phương án và Vietinbank giải phóng nghĩa vụ bảo lãnh của TCty đối với khoản vay của TISCO.

Hiện TISCO đã thực hiện định giá mỏ than Phấn Mễ, mỏ sắt Tiến Bộ để có cơ sở làm tài sản bảo đảm cho hợp đồng bão lãnh.

Theo tính toán của TISCO, tổng mức đầu tư sau khi điều chỉnh lên tới hơn 9.000 tỷ đồng. Trước đó, theo đề nghị của nhà thầu MCC, dự án đã tăng vốn từ 3.843 tỷ đồng lên 8.014 tỷ đồng. Dự án dự kiến đi vào sản xuất từ tháng 5/2011 nhưng đến nay khối tài sản nghìn tỷ vẫn “đắp chiếu” nằm đó.

Vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự liên đã được Thanh tra Chính phủ chuyển sang Bộ Công an để điều tra, làm rõ.

Nguồn tin: Xây dựng

ĐỌC THÊM