Nếu như cả năm 2017, tổng doanh thu của Gang thép Thái Nguyên chỉ đạt hơn 9.800 tỷ đồng thì 6 tháng đầu năm con số này ước đạt hơn 6.000 tỷ đồng. Tín hiệu khả quan này không đủ giúp doanh nghiệp thép giảm số nợ khủng đang đến hạn phải trả cho các tổ chức tín dụng.
Xin khoanh nợ, đề nghị cơ cấu thời gian trả nợ và đề xuất vay thêm hơn 2.000 tỷ đồng là phương án đang được Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên kiến nghị Chính phủ xem xét xử lý. Hiện, Bộ Tài chính - Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Phát triển Việt Nam đang tiếp nhận kiến nghị và xem xét các phương án tháo gỡ, theo phiếu chuyển đầu việc từ Văn phòng Chính phủ.
Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang Thép Thái Nguyên được phê duyệt từ năm 2005 với tổng mức đầu tư là 242 triệu USD, tương đương 3.943 tỷ đồng. Dự án được khởi công vào tháng 9/2007 nhưng do nhiều nguyên nhân dẫn đến tiến độ dự án bị trì hoãn, kéo dài nhiều năm, đến nay vẫn chưa được tái khởi động.
Theo báo cáo của TISCO, dù dự án bị chậm tiến độ chưa đưa vào sản xuất nhưng TISCO đã phải thực hiện chi trả gốc và lãi của các khoản vay cho dự án. “Hiện tại, tình hình tài chính của TISCO hết sức khó khăn, mất cân đối tài chính dài hạn 744 tỷ đồng, toàn bộ vốn lưu động cho sản xuất kinh doanh phải vay ngân hàng và chiếm dụng của nhà cung cấp”, phía TISCO cho hay.
Tổng vốn điều lệ của TISCO là 1.840 tỷ đồng. Doanh nghiệp đã chi cho dự án giai đoạn 2 vào khoảng 1.531 tỷ đồng. Trong đó, trả gốc và lãi cho các ngân hàng là 1.313 tỷ đồng, chi đầu tư cho các doanh nghiệp khác hơn 530 tỷ đồng nhưng vẫn chưa nhìn thấy hiệu quả.
Hiện số nợ phải thu khó đòi tuy đẫ giả nhưng vẫn còn số nợ gốc lên đến 453 tỷ đồng, dẫn đến việc mất cân đối nguồn vốn do lấy ngắn hạn đầu tư dài hạn số tiền 744 tỷ đồng.
Theo TISCO, kể từ khi SCIC rút 1.000 tỷ đồng vốn (tháng 4/2017) khiến cho chi tiêu tiêu tài chính của công ty bị xấu đi. Từ các nguyên nhân đó, tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại đã đánh giá mức độ tín nhiệm của TISCO rất thấp nên đã giảm hạn mức cho vay. Và nếu vay, doanh nghiệp phải có tài sản đảm bảo, đồng thời nâng lãi xuất lên mức 8% một năm khiến TISCO khó khăn càng thêm chất chồng.
“Với tình hình tài chính như hiện tại, TISCO không đủ khả năng thanh toán các khoản nợ vay của dự án nếu không được các ngân hàng cho vay (VDB và VietinBank) tái cơ cấu thời gian trả nợ”, lãnh đạo TISCO khẳng định.
Khoản nợ vay tại VietinBank đã được ngân hàng này cơ cấu thời gian trả nợ cho TISCO đến tháng 6/2019. Theo đó, doanh nghiệp cân đối nguồn thu từ khu vực mỏ Tiến Bộ (đã đi vào sản xuất) để trả cho VietinBank (theo tỷ lệ giải ngân). Đến thời điểm 31/5/2018, TISCO đang nợ VietinBank 2.210,8 tỷ đồng.
Đối với khoản vay tại Ngân hàng VDB chi nhánh Bắc Kạn Thái Nguyên, đến nay, VDB vẫn chưa thực hiện cơ cấu nợ gốc và lãi cho TISCO. Hàng tháng, VDB vẫn thông báo thu nợ, tính lãi phạt và đang xếp tín dụng của TISCO vào nợ xấu nhóm 5. Do mỏ Tiến Bộ đã đi vào sản xuất nên năm 2017, TISCO tiếp tục trả VDB chi nhánh Bắc Kạn Thái Nguyên 14 tỷ đồng.
Đến thời điểm 31/5/2018, TISCO đang nợ VDB 1.573 tỷ đồng, trong đó nợ quá hạn là 415 tỷ đồng.
Ngày 8/6/2018, VDB có thông báo gửi đến Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) về việc chuyển nhóm nợ của TISCO sang nhóm 5 và công bố lên CIC.
“Các ngân hàng thương mại cho TISCO vay ngắn hạn theo đó lập tức sẽ ngừng giải ngân cho vay, nếu TISCO nằm trong nhóm 5 và công bố lên CIC”, TISCO lo ngại. Hiện, vốn duy trì hoạt động của TISCO phụ thuộc hoàn toàn vào vốn vay từ các ngân hàng thì việc ngừng cho vay vốn ngắn hạn của ngân hàng sẽ dẫn đến TISCO buộc phải dừng sản xuất (dự kiến trong vòng 1 tháng kể từ ngày công bố chính thức chuyển nhóm nợ lên CIC).
Theo TISCO, nếu việc chuyển nhóm nợ xảy ra, nguy cơ doanh nghiệp phá sản là ất lớn, hậu quả dẫn đến mất vốn đầu tư của các cổ đông, trong đó có cổ đông nhà nước chiếm 65% vốn điều lệ (1.196 tỷ đồng), các ngân hàng mất vốn do TISCO không trả nợ được, gần 5.000 người lao động không có việc làm, ảnh hưởng lớn đến tình hình an ninh xã hội của địa phương…
Chưa kể, TISCO đang sử dụng công nghệ sản xuất lò luyện cốc và luyện gang phải sản xuất liên tục nếu tạm dừng thì khi khôi phục lại sản xuất, chi phí có thể đội lên hàng trăm tỷ đồng.
Trước tình hình đó, TISCO kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính cho phép VDB cơ cấu lại thời gian trả nợ (gốc và lãi) của TISCO, đồng thời chưa cung cấp thông tin chuyển nhóm nợ lên hệ thống CIC cho đến khi thực hiện xong việc xử lý tồn tại của dự án.
Nguồn tin: Dân trí