Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Gang thép Thái Nguyên xin vay thêm vốn

 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên - chủ đầu tư của một trong 12 dự án “ngàn tỉ” đầu tư kém hiệu quả của Bộ Công Thương - đề nghị được gia hạn nợ

Báo cáo thường niên năm 2016 mới công bố của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO) cho thấy năm 2016 dù doanh nghiệp đạt lợi nhuận sau thuế 205,8 tỉ đồng nhưng các khoản nợ phải trả vẫn ở mức cao, lên đến hơn 8.362 tỉ đồng, gấp hơn 3 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, nợ ngắn hạn là hơn 4.446 tỉ đồng, nợ dài hạn hơn 3.916 tỉ đồng.


Dự án gang thép Thái Nguyên mở rộng bị “đắp chiếu” nhiều năm Ảnh: Hoài Dương

Đáng lưu ý, báo cáo cũng thể hiện nhiều thông tin liên quan đến dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2. Theo đó, tổng số vốn đã giải ngân cho dự án là hơn 4.563 tỉ đồng. Trong đó, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) giải ngân hơn 1.404 tỉ đồng, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank) hơn 1.869 tỉ đồng, phía chủ đầu tư hơn 1.290 tỉ đồng. “Theo quy định trong hợp đồng tín dụng TISCO đã ký với VDB và Vietinbank thì từ ngày 1-1-2017, chủ đầu tư TISCO bắt đầu phải trả nợ gốc và lãi vay ân hạn, bình quân mỗi tháng 45,5 tỉ đồng cho cả 2 ngân hàng tính trên số dư nợ tính đến ngày 30-11-2016” - báo cáo thường niên của TISCO nêu.

Báo cáo cũng cho thấy hiện nay dự án giai đoạn 2 chưa hoàn thành đi vào hoạt động, chưa tạo được nguồn tài trợ. Do vậy, chủ đầu tư TISCO đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính và các ngân hàng cho tiếp tục được gia hạn thời gian trả nợ gốc, trả nợ lãi vay, thời gian rút vốn phù hợp tiến độ của dự án, tạo điều kiện để TISCO tiếp tục được vay vốn tại các ngân hàng nhằm duy trì sản xuất, giải quyết việc làm, ổn định đời sống cho hơn 5.000 người lao động của công ty.

Trong việc đàm phán với nhà thầu Trung Quốc (MCC), TISCO cho biết đã thuê Tổng Công ty Tư vấn xây dựng Việt Nam (VNCC) rà soát đánh giá dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 gắn với dự án cải tạo kỹ thuật giai đoạn 1 để biết được hiệu quả kinh tế tổng hợp của cả 2 giai đoạn đầu tư. Quá trình đàm phán với nhà thầu Trung Quốc MCC liên tục diễn ra từ đầu quý I/2013 đến cuối quý IV/2015, trải qua 12 lần đàm phán vẫn chưa kết thúc. Lý do còn một số nội dung vượt quá thẩm quyền của chủ đầu tư nên cần phải trình xin ý kiến giải quyết của Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền.

Nguồn tin: NLĐ

ĐỌC THÊM