Các doanh nghiệp sản xuất của ba ngành: giấy, nhựa, thép hiện đang đứng ngồi không yên khi còn không đầy một tuần nữa , thời điểm bắt buộc phải ký quỹ.
Các doanh nghiệp sản xuất giấy, nhựa, thép nếu muốn có nguyên liệu sản xuất là phế liệu nhập khẩu bắt buộc phải ký quỹ, việc này bắt đầu có hiệu lực ngày 15-6-2015.
Với quy định khá ngặt nghèo, buộc doanh nghiệp phải ký quỹ tối đa đến 20% trên tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu cho khối lượng trên 500 tấn, thấp nhất 15% cho khối lượng dưới 100 tấn, ông Phạm Văn Trung - phó tổng giám đốc Công ty CP Giấy Sài Gòn (SGP) - bức xúc: “Không doanh nghiệp sản xuất giấy nào chịu đựng nổi với chi phí ký quỹ quá cao như hiện nay”.
Theo ông Trung, hiện trong nước chỉ mới đáp ứng được 50% nguồn cung giấy phế liệu phục vụ doanh nghiệp sản xuất trong nước, phần còn lại phải nhập khẩu. Với nhu cầu sử dụng khoảng 165.000 tấn giấy phế liệu các loại/năm, ông Trung ước tính số tiền công ty phải bỏ ra để nhập khẩu giấy phế liệu xấp xỉ 766 tỉ đồng/năm.
“Nếu chúng tôi áp dụng theo quy định thì số tiền ký quỹ lên đến 11,5 tỉ đồng/tháng, trong đó tiền lãi chúng tôi phải trả cho ngân hàng trên 800 triệu đồng/tháng. Một con số quá lớn trong bối cảnh việc kinh doanh của doanh nghiệp ngày càng khó khăn hơn bao giờ hết” - ông Trung âu lo nói. Tính ra dòng tiền của SGP đương không phải “gánh” thêm 10 - 12 tỉ đồng/tháng cho việc ký quỹ, chi phí vốn của doanh nghiệp phải “cõng” thêm 800 triệu đồng/tháng. Vì để có tiền ký quỹ, doanh nghiệp phải đi vay với lãi suất trung bình 0,65 %/tháng (tương ứng khoảng 8 %/năm), trong khi mức lãi suất mà quỹ tái chế hoàn lại sau khi lô hàng được thông quan chỉ có... 0,3 %/tháng do tính theo mức lãi suất không kỳ hạn.
Với ngành thép, số tiền mà công ty thép N dùng để nhập khẩu thép phế liệu về sản xuất ra thép xây dựng lớn gấp nhiều lần so với Công ty SGP. Có nhu cầu sử dụng 70.000 - 100.000 tấn thép phế liệu/tháng, trị giá khoảng 265 USD/tấn, số tiền công ty phải bỏ ra nhập khẩu phế liệu lên đến 18,55 - 26,5 triệu USD/tháng, tương ứng 404 - 577 tỉ đồng/tháng, và lượng tiền ký quỹ cũng “cắn” vào dòng tiền kinh doanh của công ty ít nhất 80 - 115 tỉ đồng/tháng.
Theo ông Nguyễn Văn Sưa - phó chủ tịch Hiệp hội Thép VN (VSA), VSA đã có rất nhiều công văn góp ý suốt quá trình xây dựng dự thảo nghị định 38/2015/NĐ-CP về quản lý chất thải và phế liệu mà Chính phủ vừa ban hành là không cần bắt buộc doanh nghiệp sản xuất phải ký quỹ “vì 85% thép được luyện hiện nay từ thép phế liệu, trong nước chỉ mới đáp ứng được 40% nhu cầu”.
Nếu tính số lượng thép phế liệu mà ngành thép cần dùng từ 3,3 - 3,4 triệu tấn/năm, có mức giá trung bình 250 USD/tấn, rõ ràng số tiền mà doanh nghiệp phải ký quỹ vô cùng lớn đến mức nào.
“Chúng tôi từng đề xuất nếu bắt doanh nghiệp sản xuất ký quỹ thì chỉ tầm 5%. Hoặc có phương án ngân hàng sẽ đứng ra bảo lãnh thay doanh nghiệp khi nhập khẩu phế liệu. Nếu phát hiện doanh nghiệp nào vi phạm thì doanh nghiệp đó sẽ bị phạt, mất tiền ký quỹ. Nếu không vi phạm thì cho thông quan, doanh nghiệp chỉ mất phí bảo lãnh. Đằng nào cũng phải mất thêm chi phí, nhưng mất phí bảo lãnh dù sao cũng nhẹ gánh hơn mất phí lãi vay ngân hàng” - ông Sưa chia sẻ.
Suy cho cùng, nghị định 38 hướng tới mục tiêu chính là siết chặt quản lý chất thải và phế liệu, không để tình trạng nhập khẩu rác công nghiệp gây ô nhiễm, mất kiểm soát môi trường bất cập như thời gian qua.
Nhưng nếu mọi quy định quản lý vẫn tiếp tục theo hướng “thà bắt lầm còn hơn bỏ sót” vốn đã không còn phù hợp với xu thế hội nhập kinh tế sâu rộng như hiện nay, cũng như không tách bạch được doanh nghiệp sản xuất khác với doanh nghiệp là các công ty thương mại chuyên doanh ở từng lĩnh vực nói trên, thì mọi rủi ro đều rơi vào các doanh nghiệp có xu hướng làm ăn chân chính.
Điều này chỉ càng làm sức cạnh tranh của doanh nghiệp thêm khó cải thiện khi chi phí ngoài dự kiến tiếp tục xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, dù doanh nghiệp đã ý thức phấn đấu rất nhiều để thay đổi. Trong khi chỉ cần một thao tác giản đơn, chẳng khó gì để cơ quan chức năng có ngay được dữ liệu chính xác thông tin doanh nghiệp mình cần quản lý như thế nào rất nhanh chóng.
Nguồn tin: Tuổi trẻ